Ngọc Hồi xây dựng và duy tu, bảo dưỡng hệ thống cầu treo
Thời gian qua, huyện Ngọc Hồi tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng các cầu treo kiên cố trên địa bàn và thường xuyên tiến hành kiểm tra, sửa chữa hệ thống cầu treo hiện có. Qua đó, tạo điều kiện thuận tiện, an toàn cho người dân đi lại, giao thương và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Trước đây, người dân thôn Gia Tun (xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi) muốn ra khỏi địa bàn xã lên thị trấn Đăk Glei (huyện Đăk Glei) hoặc xuống thị trấn Plei Kần (huyện Ngọc Hồi) bán hàng hóa, nông sản hoặc mua các vật dụng cần thiết phục vụ cuộc sống thì phải đi một đoạn đường rất dài, vì địa hình bị chia cắt bởi sông Pô Kô chảy theo trục đường Hồ Chí Minh qua địa phận huyện Đăk Glei và huyện Ngọc Hồi.
Từ ngày cầu treo thôn Gia Tun được xây dựng qua sông Pô Kô, kết nối địa phận thôn Gia Tun với đường Hồ Chí Minh đã rút ngắn khoảng cách, người dân dễ dàng vận chuyển hàng hóa, nông sản làm ra lên thị trấn Đăk Glei hoặc xuống thị trấn Plei Kần để bán, tiết giảm chi phí vận chuyển, thời gian đi lại rất nhiều.
Anh A Nim ở thôn Gia Tun phấn khởi nói: “Năm nay làm ăn được, bán cà phê cũng có tiền dư, gia đình tôi đang xây nhà mới để chuẩn bị đón Tết. Nhờ có cầu treo này nên tôi có thể ra các cửa hàng vật liệu dọc đường Hồ Chí Minh, thậm chí có thể xuống thị trấn Plei Kần mua vật liệu xây dựng như cát, đá, xi măng dễ dàng hơn, rẻ hơn”.
|
Ông A Chun- Trưởng thôn Gia Tun cho biết: “Trước đây, khi chưa có cầu treo kiên cố thì việc đi lại của bà con gặp rất nhiều khó khăn, nông sản làm ra như mì, cà phê, cao su hay bị tư thương ép giá. Giờ thì khác rồi, bà con qua lại cầu treo kiên cố để chở hàng hóa nông sản đi bán ở nơi khác với giá cả đúng với thị trường, tư thương không thể “làm giá” nữa”.
Việc đầu tư xây dựng các cây cầu treo kiên cố để kết nối giao thông trên địa bàn huyện Ngọc Hồi có ý nghĩa kinh tế- xã hội rất quan trọng đối với người dân huyện Ngọc Hồi.
Ông Xiêng Lăng Khánh- Chủ tịch UBND xã Đăk Nông chia sẻ: “Xã Đăk Nông có 2 cầu treo được xây dựng và đi vào hoạt động năm 2021, bà con rất vui mừng, phấn khởi. Đáng mừng nhất là trên địa bàn xã không còn tình trạng đu dây qua sông như các năm trước đây”.
Ngoài việc đẩy mạnh kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ kinh phí xây dựng cầu treo mới, trong thời gian qua, huyện Ngọc Hồi rất chú trọng công tác duy tu, bảo dưỡng cầu treo.
Theo ghi nhận của chúng tôi, cầu treo tại thôn Đăk Sút, xã Đăk Ang đang tiến hành sửa chữa lại. Sàn cầu vốn làm bằng ván gỗ bị hư hỏng một phần đã được thay mới bằng các tấm thép chắc chắn; khung, lưới sắt thành cầu cũng được sơn mới để tránh rỉ sét. Công trình dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 11/2022.
Ông A Vươi- Trưởng thôn Đăk Sút (xã Đăk Ang) tâm sự: “Có cầu treo ngay tại thôn thì bà con được hưởng lợi rất nhiều, đi lại dễ dàng, giá cả nông sản nâng cao hơn nên cũng giúp thôn giảm nghèo tốt hơn. Riêng trong năm 2022, đã giảm được 15 hộ nghèo, toàn thôn chỉ còn 31 hộ nghèo”.
|
Theo số liệu thống kê, huyện Ngọc Hồi hiện có 16 cầu treo kiên cố. Tất cả các cầu treo này đều được ngành chức năng và chính quyền các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, đánh giá thực trạng, duy tu, bảo dưỡng để đảm bảo hoạt động tốt và an toàn cho người dân.
Ông Nguyễn Đức Xuân- Trưởng phòng Kinh tế- Hạ tầng huyện Ngọc Hồi cho biết: Hàng năm, huyện Ngọc Hồi triển khai các đoàn kiểm tra để đánh giá thực trạng của các cây cầu treo tại các địa phương và kịp thời sửa chữa, khắc phục những hư hỏng nhằm bảo đảm việc đi lại của người dân luôn an toàn. Riêng trong năm 2022, huyện Ngọc Hồi bố trí kinh phí khoảng 500 triệu đồng để thực hiện duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các cây cầu treo. Ngoài ra, huyện trích ngân sách địa phương với số tiền gần 1,8 tỷ đồng để thực hiện các hạng mục nâng cấp, sửa chữa cầu treo Đăk Sút (xã Đăk Ang); gia cố mái ta luy cầu treo thôn Gia Tun (xã Đăk Ang). Nhờ vậy, hiện nay không còn cây cầu treo nào trên địa bàn huyện trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng.
Tấn Lộc