Mở không gian, tạo động lực phát triển cho Măng Đen
Với quan điểm và những mục tiêu có tầm nhìn đột phá, Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen, huyện Kon Plông đến năm 2045 được kỳ vọng mở không gian, tạo động lực phát triển cho Măng Đen.
Thời gian qua, đã từng có những câu hỏi được đặt ra cho động lực phát triển của Khu du lịch Măng Đen, khi lượng du khách đến đây ngày càng tăng. Gần đây nhất, là dịp nghỉ Lễ 30/4 và 1/5, Khu du lịch này đã đón 50.000 lượt khách; toàn bộ khách sạn, cơ sở lưu trú không còn chỗ trống.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, Khu du lịch sinh thái Măng Đen đã đón khoảng 700.000 lượt khách đến tham quan, lưu trú, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong khi đó, điều kiện cơ sở hạ tầng, không gian đô thị vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, và ngày càng tỏ ra lạc hậu so với đà tăng trưởng du lịch. Điều này gây ra sự quá tải, và những hệ quả “dây chuyền”.
Trước đó, Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen và quy hoạch chung đô thị Kon Plông, huyện Kon Plông được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 2/2013, tại Quyết định số 298/QĐ-TTg.
|
Đây là cơ sở, tiền đề cho việc định hướng phát triển, huy động nguồn lực phát triển vùng du lịch sinh thái Măng Đen trong thời gian qua, hướng đến trở thành trung tâm kinh tế phía Đông Bắc, giữ vai trò nòng cốt, động lực, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh.
Tuy nhiên, theo Viện Nghiên cứu thiết kế đô thị (Bộ Xây dựng), trong giai đoạn từ năm 2013 đến nay, tính chất, chức năng, định hướng phát triển của Khu du lịch sinh thái Măng Đen bị ảnh hưởng nhiều do các chủ trương, chính sách, pháp luật có liên quan đến lĩnh vực quy hoạch, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới.
Bên cạnh đó, quá trình thực hiện Đồ án có những khó khăn, vướng mắc, bất cập. Ví dụ phần lớn khu đô thị và trung tâm du lịch nằm trong phạm vi diện tích rừng và đất rừng, dẫn đến khó khăn hình thành các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và du lịch.
Hay những định hướng trong đồ án quy hoạch đã không đáp ứng được yêu cầu phát triển theo với các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia, cấp vùng, vốn có sự điều chỉnh qua từng giai đoạn.
Chưa kể đến việc, theo quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng hiện hành (Luật số 35/2018/QH14) thì Quy hoạch xây dựng Vùng du lịch sinh thái Măng Đen không còn thuộc hệ thống quy hoạch xây dựng.
Rõ ràng là không thể cứ giữ cái “áo chật chội” cho một “cơ thể” đang phát triển “cường tráng” hơn.
Vì vậy, tháng 7/2022, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương lập Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen thay cho điều chỉnh tổng thể Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen.
Tháng 11/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1492/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch Măng Đen đến năm 2045.
Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được phê duyệt theo Quyết định số 1756/QĐ-TTg ngày 31/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ) cũng có định hướng phát triển Khu du lịch Măng Đen mang tính quốc gia - quốc tế.
Viện Nghiên cứu thiết kế đô thị (Bộ Xây dựng) khẳng định, việc lập Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen là hết sức cần thiết nhằm cụ thể hóa quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; bảo vệ và phát huy các giá trị cảnh quan thiên nhiên; thu hút các dự án đầu tư tại khu vực Măng Đen.
Một Đồ án Quy hoạch chung sẽ tạo khung cho việc lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ gắn kết với định hướng phát triển của toàn tỉnh Kon Tum và vùng Bắc Tây Nguyên nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững- Viện Nghiên cứu thiết kế đô thị (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh.
|
Tin vui là ngày 3/5, HĐND tỉnh khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 07/NQ-HĐND thông qua Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen, huyện Kon Plông đến năm 2045.
Đây là cơ sở để thực hiện các quy hoạch cụ thể, khai thác tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, quản lý xây dựng và phát huy giá trị của vùng du lịch. Đồng thời bảo tồn sinh thái và nền văn hóa mang đậm bản sắc các DTTS tại chỗ.
Trong đó, phát triển Khu du lịch Măng Đen đạt các tiêu chí của Khu du lịch sinh thái mang tầm cỡ quốc gia và là điểm đến hấp dẫn, có thương hiệu của khu vực Tây Nguyên, trong nước và quốc tế.
Quy mô xây dựng Khu du lịch Măng Đen là 90.152,56ha, sử dụng đất theo các giai đoạn 2030 - 2045, bao gồm đất xây dựng các chức năng, đô thị, điểm dân cư nông thôn; đất nông nghiệp và chức năng khác.
Định hướng phát triển không gian du lịch gồm 2 hành lang phát triển các khu chức năng du lịch - đô thị là Tỉnh lộ 676 và Quốc lộ 24; 3 trung tâm du lịch gồm trung tâm du lịch trung tâm (thị trấn Măng Đen và đô thị Măng Cành); trung tâm du lịch phía Bắc (đô thị Măng Bút và xã Đăk Tăng); trung tâm du lịch phía Đông (đô thị Hiếu và xã Pờ Ê); 4 đô thị (thị trấn Măng Đen; đô thị Măng Cành; đô thị Hiếu và đô thị Măng Bút).
Các trung tâm du lịch và đô thị đều có định hướng phát triển riêng, phù hợp với định hướng chung, như khu trung tâm phát triển dịch vụ hậu cần, sân bay, trung tâm thương mại, khu nhà ở và dịch vụ ven hồ; trung tâm du lịch phía Bắc phát triển du lịch sinh thái hồ với các tiện ích chăm sóc sức khỏe, biệt thự nghỉ dưỡng trang trại, thị trấn bên hồ, cụm sân golf bên sườn đồi; trung tâm du lịch phía Đông phát triển du lịch khám phá - trải nghiệm.
Với quan điểm và những mục tiêu có tầm nhìn đột phá, Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen, huyện Kon Plông đến năm 2045 được kỳ vọng mở không gian, tạo động lực phát triển cho Măng Đen.
Hồng Lam