Lợi ích kép từ phát triển nông nghiệp theo hướng tuần hoàn
Thời gian qua, bên cạnh áp dụng các tiến bộ khoa học - kĩ thuật để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, nông dân xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà còn ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm tái sử dụng lại chất thải trong trồng trọt, chăn nuôi để quay trở lại phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Nhà bà Mai Thị Ổn, ở thôn Đăk Tin, xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà làm nghề nuôi vịt và xay xát. Mỗi năm, lượng chất thải từ 500 con vịt và phế phụ phẩm của quá trình xay xát vỏ cà phê là rất lớn, nên gia đình bà Ổn đã tận dụng nguồn chất thải và phế phụ phẩm này để ủ thành phân hữu cơ bón cho hơn 2,5ha cà phê. Nhờ tận dụng lại các loại phế phụ phẩm trong quá trình trồng trọt và chăn nuôi, gia đình bà Ổn tiết kiệm được 30% chi phí phân bón/ năm.
Bà Mai Thị Ổn cho biết: “Nếu chuồng vịt không tận dụng vỏ trấu đổ vào thì gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Do vậy, tôi lấy vỏ trấu rải dần từng lớp trấu lên nền chuồng vịt, sau đó gom lại ủ với vôi bột, phân vi sinh khác cho hoai mục rồi lấy bón thêm cho cây cà phê. Sau khi bón lại phân hữu cơ nay đất tơi xốp hơn, bộ rễ phát triển nhanh, cây cà phê xanh, lá dày, quả to”.
Nhiều năm nay, “đạm cá” trở thành từ khóa được nhiều nông dân, đặc biệt là người trồng cây ăn trái trên địa bàn huyện Đăk Hà truyền tai nhau. Gia đình ông Nguyễn Duy Thiếm ở thôn Đoàn Kết, xã Đăk Ngọk là một trong những hộ trồng cây ăn trái đang sử dụng hiệu quả lượng cá thải để ủ thành đạm tưới cho vườn cây.
|
Ông Nguyễn Duy Thiếm chia sẻ, trước kia, vào những lần không may cá chết trong quá trình nuôi thả, số cá này thường được gia đình chôn dưới những gốc cây ăn trái, nhưng với cách tận dụng cá thải như vậy làm cây bị ngộ độc, nhiễm nấm. Sau khi tiếp cận được cách ủ đạm cá, ông thường tận dụng lại lượng cá thải của gia đình hoặc mua lại cá tạp với giá 2 - 3 nghìn đồng/kg để ủ. Ông Thiếm nhẩm tính, với vườn sầu riêng 70 cây của gia đình, theo cách bón phân vô cơ thông thường, chi phí phân bón khoảng 500 - 600 nghìn đồng/cây. Còn đối với đạm cá, ông chỉ cần tưới 2 lần đạm/năm và không cần bón thêm phân vô cơ. Như vậy, mỗi năm, ông chỉ tiêu tốn 1,2 triệu đồng chi phí ủ đạm cá, tiết kiệm chi phí phân bón rất lớn cho gia đình.
Theo ông Thiếm, tận dụng nguồn cá tạp, cá chết do thay đổi thời tiết làm phân thì cũng giảm bớt chi phí mua phân vô cơ. Quan trọng là hiệu quả của phân này bổ sung chất đạm hữu cơ nên cây trồng không phải bổ sung thêm đạm vô cơ mà chỉ có bổ sung một số trung vi lượng, lân, kali thôi.
Những năm gần đây, nhiều hộ chăn nuôi từ quy mô vừa trở lên thường xây dựng các hầm khí sinh học biogas để xử lý chất thải từ chăn nuôi và hạn chế ô nhiễm môi trường. Không những vậy, những hầm biogas còn mang lại hiệu quả kinh tế lớn khi giúp các hộ gia đình tiết kiệm được chi phí chất đốt. Ví dụ như gia đình ông Nguyễn Văn Thoại, ở thôn Đăk Bình, xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà, cách đây gần 7 năm, gia đình ông đầu tư 10 triệu đồng xây dựng hầm biogas để xử lý phân và nước thải chăn nuôi heo. Ông cho biết, kể từ đó đến nay, gia đình được sử dụng gas tự tạo hoàn toàn miễn phí, không phải lo lắng khi giá gas tăng cao, thậm chí còn dư thừa gas so với nhu cầu sử dụng của gia đình.
Ông Mai Trung Hiếu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà chia sẻ: Việc ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm tái sử dụng lại chất thải trong trồng trọt, chăn nuôi để quay trở lại phục vụ sản xuất nông nghiệp không những giúp người nông dân tiết kiệm được nguồn tài nguyên, tạo ra lợi ích về kinh tế, mà còn giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải trong quá trình sản xuất.
Thi Loan