Liên kết để phát triển nông nghiệp bền vững
Thời gian qua, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan và các huyện, thành phố đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa chuyên canh tập trung; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; tổ chức lại sản xuất theo hướng đẩy mạnh các hình thức tổ chức sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh xây dựng được một số chuỗi liên kết sản xuất trong trồng trọt theo tiêu chí cánh đồng lớn đối với các sản phẩm cà phê, dược liệu, mì, mía; liên kết sản xuất với tiêu thụ rau an toàn tại thành phố Kon Tum, xây dựng 21 mã số vùng trồng đối với sản phẩm trái cây. Xây dựng được 34 liên kết trong chăn nuôi và 1 liên kết trong hoạt động nuôi trồng thủy sản tại huyện Đăk Hà.
Đăk Hà là một trong những địa phương đi đầu trong triển khai và xây dựng thành công các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Ông Ngô Hồng Hưng- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà cho biết: Thời gian qua, các ngành, địa phương của huyện tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã. Qua đó, định hướng sản xuất theo các chuỗi liên kết giá trị để vừa tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, vừa tăng sức cạnh tranh và xây dựng thương hiệu nông sản địa phương.
|
Đến nay, huyện Đăk Hà đã quy hoạch được vùng liên kết sản xuất, tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp; trong đó, có vùng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cà phê vối theo tiêu chuẩn 4C, UTZ với quy mô 750ha tại xã Đăk Mar, Hà Mòn, Đăk Ngọk, Đăk Hring, Đăk Long và thị trấn Đăk Hà; vùng chuyên canh trồng rau tại xã Đăk Ngọk với quy mô 24 ha; vùng chuyên canh sản xuất rau, hoa tại Tổ dân phố 5 thị trấn Đăk Hà với quy mô 50 ha. Hình thành được 9 tổ hợp tác phát triển cà phê bền vững; xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hà Mòn, Đăk Mar, Đăk Ngọk và thị trấn Đăk Hà với 6 cơ sở sản xuất, kinh doanh liên kết với người dân triển khai sản xuất cà phê chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu trên 1.950ha. Trong các liên kết này, các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện tốt vai trò cung cấp dịch vụ đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; kết nối, hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; người dân đảm bảo sản xuất đúng quy trình, tạo ra sản phẩm có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, nhà phân phối.
Thực tế đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết “6 nhà” (Nhà nước; nhà nông; nhà khoa học; nhà doanh nghiệp; nhà băng- tức ngân hàng và nhà phân phối) thành công và đây là hướng đi hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Điển hình như mô hình liên kết sản xuất cà phê sạch trên 220ha của Hợp tác xã Nông nghiệp công bằng Pô Kô với nông dân trên địa bàn huyện Đăk Hà. Hợp tác xã đã thực hiện cung cấp phân bón, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, triển khai thu mua cà phê với tỷ lệ quả chín trên đạt 95%, mức giá cao hơn thị trường 2.500 đồng/kg, gia tăng lợi nhuận cho người trồng cà phê.
Hay như Công ty TNHH MTV Tá Tiến liên kết với người nuôi cá theo hình thức công ty đầu tư con giống, thức ăn, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cá thương phẩm. Trung bình hàng năm, Công ty đã thực hiện bao tiêu trên 2.000 tấn cá thịt, mang lại lợi nhuận cho cả người nuôi và doanh nghiệp.
|
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, liên kết trong sản xuất góp phần thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất, tạo tiền đề phát triển vùng nguyên liệu nông nghiệp đạt chuẩn phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Qua đó, từng bước làm thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp của người nông dân, chú trọng phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, thành lập các tổ hợp tác, nhóm hộ nhằm hỗ trợ nhau trong sản xuất; bắt tay với doanh nghiệp để tiếp nhận chuyển giao khoa học công nghệ, tiêu thụ sản phẩm.
Tuy nhiên, việc triển khai các chuỗi liên kết sản xuất trên địa bàn tỉnh mới bước đầu hình thành nên sự liên kết chưa chặt chẽ, còn lúng túng trong thực hiện các khâu liên kết. Đa số các chuỗi liên kết mới chỉ dừng lại ở khâu Nhà nước hỗ trợ giống, vật tư, người dân tự sản xuất và doanh nghiệp thu mua sản phẩm; quy mô liên kết nhỏ, phân tán, sản phẩm không thường xuyên nên việc liên kết tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Vấn đề liên kết tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp và nông dân chưa thật sự bền chặt.
Xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết giá trị trong trồng trọt và chăn nuôi là một trong nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh hiện nay. Đây có thể nói là “chìa khóa” thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng ổn định, bền vững, hiệu quả- xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Thiên Hương