Làm gì với rừng?
Trong một báo cáo mới đây, UBND tỉnh cho biết tỉ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt 63,12%, trong khi cả nước chỉ khoảng 42,02%. Đây là một con số cực kỳ ấn tượng, cho thấy những nỗ lực lớn của tỉnh trong nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng năm qua.
Triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, trong thời gian qua UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; kiểm tra thực tế, đôn đốc và tập trung xử lý, tháo gỡ các vướng mắc khó khăn trong lĩnh vực lâm nghiệp của các đơn vị, địa phương.
Trong đó đã tập trung một số giải pháp chính như tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ rừng; tổ chức các đợt cao điểm tuần tra, truy quét, ngăn chặn và xử lý các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp.
|
Giải quyết các khó khăn, vướng mắc về tài chính đối với các đơn vị chủ rừng; bàn giao diện tích rừng và đất lâm nghiệp do UBND cấp xã đang quản lý về các đơn vị chủ rừng quản lý, bảo vệ. Sắp xếp, kiện toàn lực lượng bảo vệ rừng.
Đặc biệt, xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan; truy tố và xét xử các vụ án đến mức xử lý hình sự theo quy định.
Báo cáo nói trên dẫn chứng, tính đến hết tháng 11/2022, toàn tỉnh đã phát hiện 83 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, khối lượng gỗ vi phạm 419,348m3 gỗ tròn, quy tròn các loại; diện tích rừng thiệt hại 32,125ha. So với cùng kỳ năm 2021, số vụ vi phạm giảm tới 56,99% (tương ứng 110 vụ), diện tích thiệt hại giảm 56,42% (tương ứng 41,60ha), khối lượng gỗ vi phạm giảm 7,499m3 (1,76%).
Đến nay, cơ quan chức năng đã xử lý 95 vụ, trong đó xử lý hành chính 63 vụ; xử lý hình sự 17 vụ; kỷ luật 27 trường hợp, trong đó có 16 trường hợp giữ chức vụ lãnh đạo.
Về trồng rừng, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững được chú trọng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Đã trồng mới 4.823ha rừng, đạt 160,7% kế hoạch và trồng được trên 701,7 ngàn cây phân tán, đạt 116,6% so với kế hoạch.
|
Nhìn chung, việc thực thi khá toàn diện pháp luật và các chính sách về quản lý, bảo vệ rừng đã giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và nhận thức xã hội về rừng.
Rừng đã được cải thiện cả về chất và lượng trong những năm qua, doanh thu ngành lâm nghiệp đã đóng góp khá lớn cho tăng trưởng kinh tế.
Đặc biệt, cộng đồng đã và đang được hưởng lợi từ sự tăng trưởng này thông qua việc cải thiện hỗ trợ tài chính và tạo thêm việc làm và thu nhập từ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng. Hiện toàn tỉnh có 29 mô hình quản lý rừng cộng đồng với diện tích khoảng 6.484ha.
Tuy nhiên, từ thực tế triển khai cũng cho thấy công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều chuyện cần bàn. Đáng chú ý là các chính sách sở hữu và sử dụng đất lâm nghiệp chưa đầy đủ; việc triển khai pháp luật, chính sách về quản lý, bảo vệ rừng còn hạn chế; các văn bản luật và quy định không được tuân thủ nghiêm ngặt.
Trong khi đó, các cơ quan thực thi pháp luật, chính sách về quản lý, bảo vệ rừng thiếu hụt về nhân lực, do chế độ chính sách đối với lực lượng bảo vệ rừng còn hạn chế dẫn đến tình trạng cán bộ bỏ việc, thôi việc, chuyển công tác.
Chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng ở cơ sở có lúc chưa được thường xuyên. Việc giám sát của cơ quan nhà nước với chủ rừng còn mang tính chiếu lệ và thủ tục; sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa tốt.
Theo ngành chức năng, dù số vụ vi phạm giảm mạnh so với năm 2021, nhưng đáng chú ý là xảy ra 2 vụ khai thác rừng trái pháp luật trên địa bàn huyện Ia H’Drai và Sa Thầy với khối lượng lớn.
Trong đó, vụ thứ nhất xảy ra tại Tiểu khu 708 và Tiểu khu 709, thuộc lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia H’Drai quản lý với khối lượng thiệt hại 69,502m3 gỗ tròn các loại.
Vụ thứ hai xảy ra tại Tiểu khu 692, thuộc lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sa Thầy quản lý với khối lượng thiệt hại 147,066m3 gỗ tròn các loại.
Đến nay, cả 2 vụ đều đã được khởi tố vụ án hình sự và chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra xử lý theo quy định; đã bắt tạm giam các đối tượng có liên quan để tiếp tục điều tra, xử lý; xử lý trách nhiệm, xử lý về mặt Đảng đối với các cá nhân có liên quan.
Tuy nhiên, từ đó cũng cho thấy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức; trách nhiệm của một số cán bộ làm công tác bảo vệ rừng chưa cao, còn có tình trạng buông lỏng quản lý, tiếp tay cho các đối tượng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép.
|
Chúng ta phải làm gì để giữ vững và nâng cao độ che phủ rừng trong thời gian tới đang là câu hỏi đặt ra. Tất nhiên, lời giải không phải là không có, mà vấn đề là thực hiện như thế nào.
Theo UBND tỉnh, dù công tác quản lý, bảo vệ rừng được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhưng vẫn cần phát huy cao nhất vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương và của mỗi người dân.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng, các đơn vị chủ rừng mở các đợt cao điểm tuần tra, truy quét và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong công tác quản lý bảo vệ rừng; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, tỉnh cần huy động các nguồn lực hợp pháp để đầu tư phát triển sản xuất lâm nghiệp, tiêu thụ nông, lâm sản nhằm giảm áp lực lên rừng. Không nâng độ che phủ rừng kiểu “chạy theo thành tích”, hoặc “lấy số lượng bù chất lượng”.
Cần đảm bảo rằng, rừng được trồng mới cũng sẽ đáp ứng đủ các chức năng phòng hộ sinh thái và ứng phó thiên tai.
Hồng Lam