Kon Rẫy tích cực hỗ trợ nông dân từ nguồn vốn tín dụng chính sách
Những năm qua, Hội Nông dân huyện Kon Rẫy đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trọng tâm để nâng cao chất lượng sử dụng nguồn vốn ủy thác từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Kon Rẫy. Qua đó, hỗ trợ hàng nghìn hội viên nông dân trên địa bàn phát triển sản xuất, từng bước thoát nghèo bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Bà Đinh Thị Bích Đào- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kon Rẫy cho biết: Hội Nông dân huyện Kon Rẫy hiện có gần 3.900 hội viên sinh hoạt tại 52 chi hội. Thời gian qua, từ nguồn vốn tín dụng chính sách được Phòng giao dịch NHCSXH huyện ủy thác, Hội Nông dân huyện chú trọng triển khai, phân bổ, có các phương án quản lý, kiểm soát hiệu quả để nâng cao chất lượng sử dụng nguồn vốn vay. Qua đó, giúp các hội viên nông dân đầu tư hiệu quả vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình, giảm nghèo bền vững.
Xác định công tác kiểm tra, giám sát có vai trò quan trọng giúp sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, từ năm 2003, Hội Nông dân huyện Kon Rẫy và các tổ chức Hội Nông dân ở cơ sở ký kết văn bản liên tịch và hợp đồng ủy thác với Phòng giao dịch NHCSXH huyện triển khai thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; bầu lãnh đạo hội nông dân huyện là thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện; 100% chủ tịch hội nông dân cơ sở là thành viên Ban giảm nghèo xã, thị trấn. Trên cơ sở đó, hội nông dân các cấp tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc các văn bản đã ký kết; làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ hội, ban quản lý tổ Tiết kiệm và vay vốn, các hộ vay nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn của hội viên.
|
Để triển khai thực hiện hiệu quả các kế hoạch đề ra, hàng năm, Hội Nông dân huyện cùng hội nông dân các xã, thị trấn lên kế hoạch chi tiết và tổ chức thực hiện hiệu quả các hoạt động giám sát, kiểm tra việc sử dụng vốn như: hướng dẫn thành lập, củng cố hoạt động của Tổ TK&VV theo địa bàn dân cư; xây dựng quy ước hoạt động, tổ chức kết nạp hội viên vào tổ, bình xét cho vay công khai, dân chủ; hướng dẫn, lập hồ sơ vay vốn đúng quy định, đảm bảo tiến độ; phát hiện và thu hồi kịp thời những hộ vay vốn sai mục đích, hộ vay bán đất, nhà ở tài sản đi khỏi địa phương, các hộ chây ỳ không trả nợ; hướng dẫn lập hồ sơ xử lý rủi ro đúng quy trình, đảm bảo hiệu quả.
Các cấp hội nông dân trên địa bàn huyện Kon Rẫy cũng thường xuyên bàn bạc, trao đổi để đánh giá rút kinh nghiệm; họp xét hằng tháng, hằng quý để đánh giá, kịp thời biểu dương, phê bình, không để những tồn đọng kéo dài. Bên cạnh đó, tích cực phối hợp với Phòng giao dịch NHCSXH huyện tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ ủy thác cho cán bộ hội, ban quản lý Tổ TK&VV; phối hợp với các cơ quan, đoàn thể tuyên truyền chủ trương, chính sách về tín dụng chính sách; tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao khoa học kỹ thuật để giúp hội viên sử dụng vốn có hiệu quả.
Với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả của các cấp hội nông dân, đến nay hội viên nông dân trên địa bàn đã thay đổi nhận thức, chủ động tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách được hỗ trợ để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần vào kết quả giảm nghèo nhanh và bền vững của địa phương.
Tính đến ngày 31/8/2022, tổng dư nợ do Hội Nông dân huyện Kon Rẫy nhận ủy thác gần 115,3 tỷ đồng với 42 Tổ TK&VV; trong đó có trên 1.900 hộ vay với 14 chương trình tín dụng; nợ quá hạn chiếm tỷ lệ thấp 0,11% với 124 triệu đồng, thấp hơn mức bình quân chung toàn huyện. Nguồn vốn chính sách đã giúp các hội viên nghèo và cận nghèo có vốn sản xuất, chăn nuôi, xây dựng nhà ở, công trình nước sạch vệ sinh môi trường, tiếp bước cho các em học sinh nghèo đến trường.
Theo bà Đinh Thị Bích Đào, ngoài hiệu quả kinh tế, từ việc thực hiện tốt nhiệm vụ ủy thác và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn đã giúp Hội Nông dân huyện Kon Rẫy làm tốt công tác tập hợp hội viên, củng cố các chi hội nông dân, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở Hội. Từ đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm và uy tín của các cấp hội nông dân, giúp hội viên ngày càng tin tưởng và gắn bó mật thiết với các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn.
Bà Đinh Thị Bích Đào cho biết: “Thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục tăng cường các giải pháp để nâng cao chất lượng kiểm tra, giảm sát trong thực hiện sử dụng nguồn vốn tín dụng ủy thác. Theo đó, chú trọng công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong hội viên; xử lý dứt điểm những tồn tại, hạn chế kéo dài, kịp thời nắm bắt và ngăn chặn những tồn tại mới phát sinh; đưa việc kiểm tra giám sát là một trong những tiêu chí để chấm điểm thi đua; kịp thời biểu dương khen thưởng những cá nhân tập thể có thành tích tốt.”
Hoàng Thanh