Kon Rẫy chủ động ứng phó với hạn hán
Nhằm ứng phó kịp thời và hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân năm 2022- 2023, huyện Kon Rẫy đang tích cực triển khai các phương án phòng, chống hạn và khắc phục tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt trên địa bàn.
Ông Đinh Hồng Thắng- Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Rẫy cho biết: “Trên địa bàn huyện Kon Rẫy hiện có 36 công trình thủy lợi (trong đó có 14 công trình do Ban Quản lý kỹ thuật các công trình thủy lợi Kon Tum quản lý và 22 công trình do huyện quản lý). Hiện nay, các công trình thủy lợi cơ bản đảm bảo đủ nước tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Dự báo từ giữa tháng 2 đến tháng 4/2023, lượng nước trên các sông, suối có khả năng đạt thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 10-20%; nguy cơ xảy ra khô hạn cục bộ, thiếu nước kéo dài. Trước tình hình đó, huyện đang triển khai nhiều giải pháp để điều tiết nước tưới và chống hạn cho cây trồng; tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả về năng suất, chất lượng và chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tiết kiệm nước”.
Theo khảo sát, về lĩnh vực trồng trọt, các địa phương có thể xảy ra thiếu nước như: xã Tân Lập, Đăk Ruồng, Đăk Tờ Re, Đăk Tơ Lung, Đăk Kôi và thị trấn Đăk Rve với diện tích dự kiến khoảng 64ha (lúa nước 49ha, cây công nghiệp 15ha).
|
Để hạn chế thiệt hại do hạn hán gây ra, UBND huyện Kon Rẫy chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền địa phương triển khai công tác phòng chống và xử lý khi có hạn xảy ra một cách cụ thể, quyết liệt. Theo đó, huyện chỉ đạo đẩy mạnh thông tin tuyên truyền đến người dân thực hiện các phương pháp sử dụng nước tiết kiệm, khoa học, vận hành các công trình thủy lợi hợp lý; làm tốt công tác điều tiết nước hợp lý để phục vụ sản xuất, thực hiện tưới luân phiên, đặc biệt là các công trình đập đầu mối, hồ chứa nước để tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô và trước khi xảy ra hạn như: Hồ Nước Rơ, hồ Đăk Sờ Rệt, hồ chứa Kon Bo Deh và các đập đầu mối khác. Đồng thời, thường xuyên theo dõi mực nước ở các hồ chứa, quản lý chặt chẽ cửa xả, cống lấy nước đầu mối và các công trình tưới; tận dụng tối đa nguồn nước của các khe suối, ao, hồ để tưới bổ sung.
Đối với công trình nước sinh hoạt, huyện Kon Rẫy hiện có 38 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung thuộc loại công trình nước tự chảy và một số công trình giếng nước. Trong đó, hiện có 8 công trình đang hoạt động tốt, 13 công trình hoạt động bình thường đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân; 11 công trình hoạt động kém hiệu quả cần đầu tư, nâng cấp sửa chữa và 6 công trình không hoạt động.
Để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân, UBND huyện Kon Rẫy chỉ đạo các địa phương, đơn vị quản lý công trình tăng cường kiểm tra các công trình nước tự chảy, giếng nước sinh hoạt trên địa bàn để có giải pháp chống hạn riêng cho từng khu vực công trình. Tăng cường các biện pháp quản lý điều tiết nước, thường xuyên kiểm tra hệ thống đầu mối, bể lắng lọc, đường ống; tuyên truyền nhân dân chủ động nạo vét đáy giếng để đảm bảo nguồn nước, dùng nước tiết kiệm, chuẩn bị các vật dụng như bồn chứa, thùng nhựa, can đựng nước để dự trữ.
Đến nay, các địa phương trên địa bàn huyện Kon Rẫy đang tích cực triển khai nhiều giải pháp điều tiết nước tưới, chống hạn cho cây trồng.
Ông Trương Duy Đôn - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết: “Tổng diện tích sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2022- 2023 trên địa bàn xã Tân Lập có 98ha, bà con đã hoàn thành việc gieo sạ đúng thời vụ. Địa phương đang chủ động các giải pháp điều tiết nước tưới cây trồng hợp lý để phòng hạn hán xảy ra; tuyên truyền, đôn đốc bà con thực hiện tưới nước tiết kiệm, đắp bờ ruộng chống thất thoát nước, chảy tràn lãng phí; nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, đảm bảo đưa nước vào chân ruộng từ 5-10 cm tránh tình trạng lãng phí nước”.
|
Để đảm bảo nguồn nước tưới cho 2ha đất canh tác trồng cà phê và các loại cây ăn quả như mít, sầu riêng của mình, ông Nguyễn Văn Bút (thôn 2, xã Tân Lập) đang thực hiện đầy đủ các quy trình thâm canh đối với từng loại cây đảm bảo hiệu quả; thực hiện đầy đủ các khuyến cáo của địa phương trong việc bón phân, tưới nước tiết kiệm.
Ông Nguyễn Văn Bút cho biết: “Đối với cây cà phê, tôi luôn thực hiện vệ sinh và cắt tỉa cành sau mỗi đợt thu hoạch để đảm bảo thông thoáng và tưới đúng, đủ lượng nước cần thiết, không để quá dư thừa, lãng phí. Đối với diện tích cây ăn quả, tôi theo quy trình VietGap đã được tập huấn, thực hiện cắt tỉa hợp lý giúp cân bằng sinh trưởng cho cây, thích ứng tốt với thời điểm khô hạn, có nguy cơ thiếu nước như hiện nay”.
Với việc huyện Kon Rẫy chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền các địa phương trên địa bàn chủ động, tích cực triển khai nhiều biện pháp hữu hiệu cùng sự vào cuộc của người dân ngay từ khi bước vào mùa khô, tin rằng công tác phòng, chống hạn trên địa bàn sẽ đem lại hiệu quả, góp phần giảm thiệt hại về sản xuất, bảo đảm đời sống, sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn.
Hoàng Thanh