Kinh tế ban đêm Cơ hội và thách thức - Bài 1: Kinh tế ban đêm cần được “thắp sáng”
Với tài nguyên du lịch đa dạng, văn hóa, ẩm thực đặc sắc, hạ tầng ngày càng phát triển, tỉnh Kon Tum bắt đầu tính toán phát triển kinh tế ban đêm, với kỳ vọng khai thác hiệu quả các tài nguyên, nguồn lực tại chỗ, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển bền vững.
Có nhiều cách để định nghĩa, nhưng theo cách phổ biến nhất thì "kinh tế ban đêm" được hiểu là hướng nhiều đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng về đêm.
Khung giờ “đêm” tùy thuộc vào định nghĩa, có thể hẹp trong khoảng từ 6 giờ chiều đến 10 giờ đêm, nhưng cũng có thể kéo dài từ 6 giờ chiều hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.
Dù theo định nghĩa nào, kinh tế ban đêm gắn với một cách nhìn nhận mới: Khung giờ đêm không chỉ đơn thuần để ngủ nghỉ, mà là một không gian cho hoạt động kinh tế, bao gồm sản xuất, dịch vụ, tiêu dùng, việc làm, thu nhập và giá trị cho xã hội.
Tại nước ta, khái niệm này bắt đầu được chú ý từ tháng 7/2019, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu chính sách hỗ trợ kinh tế đêm của các nước, trong đó có Trung Quốc.
|
Tháng 7/2020, Đề án phát triển kinh tế ban đêm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức hoạt động dịch vụ ban đêm từ 14 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau.
Và kinh tế ban đêm đã xuất hiện tại một số điểm du lịch, thành phố lớn, như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Sa Pa, Hội An... với các tuyến phố đi bộ, chợ đêm, khu mua sắm, ẩm thực.
Đặc biệt, phát triển kinh tế ban đêm đang trở thành ưu tiên của nhiều địa phương, là động lực mới để kích cầu du lịch và thúc đẩy kinh tế sau dịch Covid-19, như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, Phú Quốc…
Đối với tỉnh Kon Tum, với tài nguyên du lịch đa dạng, văn hoá, ẩm thực đặc sắc, hạ tầng ngày càng phát triển văn hoá ẩm thực đặc sắc, thật khó để cưỡng lại sức hút phát triển kinh tế đêm.
Vì vậy, cũng hoàn toàn dễ hiểu khi tỉnh bắt đầu tính toán phát triển kinh tế ban đêm, với kỳ vọng khai thác hiệu quả các tài nguyên, nguồn lực tại chỗ, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển bền vững.
Từ tháng 8/2020, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản số 2905/UBND-KTTH yêu cầu các sở, ban ngành thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố đánh giá thực trạng, nghiên cứu đề xuất định hướng phát triển kinh tế ban đêm.
Ngày 26/8/2021, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh tổ chức Hội thảo góp ý Đề án “Phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Hội thảo cho rằng, phát triển kinh tế ban đêm hiện nay là tất yếu, phù hợp với xu hướng chung.
Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng, nếu kinh tế ban đêm được quan tâm phát triển sẽ góp phần khắc phục “du lịch lòng máng”, tức là vào ngắm rồi “trượt” đi luôn chứ không chi tiêu nhiều, nên không thẩm thấu vào nền kinh tế và đời sống người dân địa phương.
|
Ngày 12/8/2022, UBND tỉnh ban hành Đề án Phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó xác định rõ quan điểm: Phát triển kinh tế ban đêm phải phù hợp với Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch phát triển KTXH, quốc phòng, an ninh, quy hoạch ngành, lĩnh vực của tỉnh.
Theo đề án, phát triển kinh tế đêm nhằm thúc đẩy tiêu dùng và phát triển du lịch, thông qua tập trung phát triển 4 lĩnh vực: Dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí; dịch vụ ăn uống; dịch vụ mua sắm; du lịch tại các khu vực có tiềm năng về phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh.
Trong đó trọng tâm phát triển được xác định là thành phố Kon Tum và thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông. Tùy thuộc vào định hướng, nhu cầu và khả năng phát triển, các địa phương khác chủ động nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thúc đẩy kinh tế ban đêm trên địa bàn.
Không khuyến khích phát triển hoạt động kinh tế ban đêm một cách đại trà mà phát triển có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương và quy định pháp luật có liên quan.
Cụ thể, giai đoạn 2021-2025 sẽ quy hoạch, triển khai các khu, điểm phát triển kinh tế ban đêm, với phố đi bộ, chợ đêm, khu phố mua sắm - ẩm thực, dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm, trình diễn văn hóa - nghệ thuật về đêm tại thành phố Kon Tum và thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông.
Giai đoạn 2026-2030, triển khai chính thức các mô hình kinh tế ban đêm như phố đi bộ, chợ đêm, khu phố mua sắm - ẩm thực, dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm, trình diễn văn hóa - nghệ thuật về đêm; đồng thời bổ sung loại hình dịch vụ du lịch, thể dục thể thao tại các địa phương.
Hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị tại các khu vực, địa điểm được quy hoạch phát triển kinh tế ban đêm; thu hút đầu tư các dịch vụ hỗ trợ, phục vụ phát triển kinh tế ban đêm, như trung tâm thương mại; hệ thống cửa hàng tiện lợi 24/24 giờ; dịch vụ vận chuyển về đêm như xe buýt, xe điện, xe đạp.
Giai đoạn 2031-2050, tập trung thu hút đầu tư các mô hình kinh tế ban đêm hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển như công viên vui chơi, giải trí quy mô lớn; nâng cấp và tổ chức các show diễn ban đêm, các lễ hội, sự kiện quy mô mang tầm khu vực; các khu vui chơi giải trí cao cấp, có thưởng.
Từng bước kéo dài thời gian hoạt động của một số loại hình dịch vụ đến 6 giờ sáng hôm sau, hướng đến nền kinh tế 24 giờ. Phát triển các mô hình kinh tế ban đêm tại các huyện gắn với thế mạnh và điều kiện thực tế để từng bước đưa kinh tế ban đêm trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Khi kinh tế ban đêm được “thắp sáng” sẽ đem lại sức bật mới cho kinh tế du lịch, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động và tận dụng tối đa các tài nguyên, nguồn lực tại chỗ để thu hút du khách, tạo động lực cho phát triển kinh tế, xã hội- ông Đặng Thanh Long, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh nhận định.
(còn nữa)
Hồng Lam