Không để thiếu hụt hàng hóa trong mọi tình huống
Việc xuất hiện các ca F0 trong cộng đồng khiến tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh phức tạp hơn. Để đảm bảo cung ứng kịp thời, đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân, Sở Công thương đã triển khai cho các doanh nghiệp, nhà phân phối tăng lượng dự trữ nguồn hàng, xây dựng các phương án vận chuyển, bán hàng, đảm bảo không để thiếu hụt hàng hóa trong mọi tình huống.
Những ngày qua, số lượng các ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng. Đặc biệt là ngày 21/10, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận một số ca F0 trong cộng đồng; nhưng đa số người dân đón nhận với tâm lý bình tĩnh nên không có cảnh đổ xô, chen lấn đi mua hàng hóa về tích trữ như một số lần trước trước.
Qua khảo sát của Phòng Quản lý Thương mại (Sở Công thương), thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh từ ngày 21/10 đến nay về cơ bản ổn định, nguồn cung dồi dào, việc mua bán diễn ra bình thường.
Riêng trên địa bàn huyện Đăk Hà, trong khoảng thời gian từ 15-17h ngày 21/10, nhu cầu mua sắm hàng hóa có tăng nhẹ, nhưng không xảy ra khan hiếm, tăng giá đột biến và ngay sau đó, với sự vào cuộc tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, tình hình nhanh chóng ổn định trở lại.
Ghi nhận của phóng viên trong ngày 22/10, tại địa bàn thành phố Kon Tum hoạt động mua bán tại các siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng thương mại, đại lý, cơ sở kinh doanh diễn ra như thường lệ, không có sự thay đổi bất thường nào về nhu cầu hay giá cả. Tại huyện Đăk Hà, hầu hết các cơ sở kinh doanh buôn bán trên địa bàn xã Đăk La, Hà Mòn, thị trấn Đăk Hà và Đăk Mar tạm thời dừng hoạt động để địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Để góp phần cân đối cung cầu hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây sốt giá, Sở Công thương đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu cung ứng cho nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh ứng phó với dịch bệnh Covid -19. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở kinh doanh chủ động tạo nguồn hàng, tăng lượng dự trữ từ 20-30%, đảm bảo chất lượng, ổn định giá bán, tổ chức cung ứng kịp thời tại các điểm bán hàng phục vụ nhu cầu của người dân, nhất là những mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu trong mọi tình huống, kể cả khi dịch bệnh lan rộng; kịp thời hỗ trợ đảm bảo nhu cầu tiêu dùng thực phẩm thiết yếu ở mức độ tiêu dùng tối thiểu cho người dân ở khu vực bị cách ly do dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Sở Công thương tiến hành trao đổi, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải để tạo điều kiện cho các xe chuyên chở hàng hóa hoạt động 24/24h đến các khu vực thiếu hàng hoặc vận chuyển hàng hóa đến khu vực cách ly vì dịch để cung ứng cho người dân; không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu tại các chợ, siêu thị, cửa hàng thương mại dẫn đến việc người dân tập trung mua hàng tích trữ ảnh hưởng đến đời sống của người dân và doanh nghiệp.
|
Là một trong những đơn vị bán hàng lớn trên địa bàn tỉnh, Siêu thị Co.op Mart Kon Tum chủ động xây dựng phương án đảm bảo công tác cung ứng hàng thiết yếu cho người dân phù hợp với từng cấp độ dịch.
Ông Đỗ Nhất Quân- Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Kon Tum cho biết: Việc tăng lượng hàng hóa dự trữ để sẵn sàng cung ứng trong các tình huống dịch bệnh đã được Siêu thị chuẩn bị từ trước. Đơn vị cũng tích cực triển khai các kênh bán hàng online, nhận đặt hàng qua điện thoại, zalo… để hạn chế việc tập trung đông người và tiếp xúc gần. Mới đây nhất, đơn vị phối hợp với UBND thành phố Kon Tum và huyện Đăk Hà triển khai phương án bán hàng theo nhóm mua chung trong trường hợp khu vực cách ly phong tỏa có nhu cầu. Theo đó, các tổ trưởng hoặc những người có trách nhiệm của tổ dân phố, các cơ quan tiếp nhận nhu cầu của người dân trong khu dân cư hoặc cán bộ, công nhân viên của cơ quan và tổng hợp thành một đơn hàng chung chuyển cho các đầu mối tại Co.opMart Kon Tum. Trên cơ sở đó, đơn vị sẽ soạn hàng theo từng đơn đặt mua chung, tổ chức giao hàng cho những người có trách nhiệm tại một điểm thống nhất để giao lại cho người dân.
“Ngay khi huyện Đăk Hà xuất hiện một số ca dương tính với SARS-CoV-2, Siêu thị liên hệ ngay với Phòng Kinh tế - Hạ tầng để nắm bắt tình hình và sẵn sàng cung ứng theo yêu cầu của địa phương. Tuy nhiên, hiện tại, nguồn hàng hóa tại chỗ vẫn dồi dào nên huyện Đăk Hà chưa cần đến sự hỗ trợ của Siêu thị”- ông Đỗ Nhất Quân cho biết thêm.
|
Cũng như Siêu thị Co.op Mart Kon Tum, Siêu thị tiêu dùng VinMart đã tăng lượng hàng dự trữ thêm khoảng 4 tỷ đồng. Đơn vị này cũng có phương án điều tiết, luân chuyển, kiểm soát lượng hàng hóa bán ra, đảm bảo mỗi người dân đều mua đủ tiêu dùng; không để xảy ra hiện tượng gom hàng, mua tích trữ…
Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, thổi giá đối với các mặt hàng phục vụ công tác phòng chống dịch và hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân.
Có thể nói, đến thời điểm này, hàng hóa trên thị trường tỉnh đang được lưu thông bình thường; giá cả các mặt hàng vẫn giữ ổn định nên người dân không nên lo lắng.
Thực tế cho thấy, các cơ quan chức năng luôn có những giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu hàng hóa thiết yếu phục vụ cho nhu cầu của người dân. Trong mọi tình huống, người dân cần bình tĩnh, không ào ạt đi mua sắm lương thực, thực phẩm, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh và gây xáo trộn thị trường, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Làm được như vậy là mỗi người dân đã góp phần hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Thiên Hương