Khó khăn thực hiện tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới
Giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Vì thế, những năm qua, các địa phương trong tỉnh luôn chú trọng ưu tiên các nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng giao thông nông thôn nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Xác định phát triển hạ tầng giao thông là yếu tố quan trọng để thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển và góp phần hoàn thành tiêu chí giao thông về xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, chính quyền địa phương đã ưu tiên, lồng ghép các chương trình mục tiêu, các nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, nhất là đối với những tuyến đường giao thông nông thôn ở các huyện, xã vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.
Song song với đó, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hiến đất, mở đường và tích cực hưởng ứng phong trào thi đua, ra quân làm đường giao thông nông thôn. Đã có hàng nghìn mét đất, cây cối, hoa màu được người dân hiến và có hàng trăm nghìn ngày công lao động người dân tham gia để xây dựng, sửa chữa các tuyến đường giao thông nông thôn.
Đến nay, 100% số xã trên địa bàn tỉnh đã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa, cơ bản đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT. Toàn tỉnh đã có 64/85 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông, so với năm 2016, tăng 49 xã.
|
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện tiêu chí giao thông ở các xã trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo đánh giá chung của ngành GTVT, trong 4 tiêu chí về giao thông trong xây dựng nông thôn mới thì mới có một tiêu chí đạt. Đó là tiêu chí về đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm.
Ba tiêu chí về giao thông còn lại đều chưa đạt. Cụ thể, đối với tiêu chí về đường trục thôn, làng và đường liên thôn, làng ít nhất được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm, theo quy định phải đạt từ 80% với các xã thuộc Khu vực I và 70% các xã thuộc Khu vực II nhưng đến nay mới đạt 63%.
Tiêu chí đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa, trong đó phải có 70% đường cứng hóa, ở các xã thuộc Khu vực I và 50% đường cứng hoá đối với các xã thuộc Khu vực II thì đến nay mới đạt 42% tỷ lệ đường được cứng hoá.
Đối với tiêu chí đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm thì đến nay toàn tỉnh mới có khoảng 40% tuyến đường nội đồng được đảm bảo. Số xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới về tiêu chí giao thông còn nhiều (có 21 xã, theo tiêu chí cũ).
|
Theo đánh giá của các địa phương, nguyên nhân do các xã có số kilômét đường giao thông lớn, suất đầu tư cao, trong khi đó ngân sách Nhà nước phân bổ trực tiếp còn hạn chế. Bên cạnh đó, đời sống người dân còn khó khăn nên việc huy động sức dân để xây dựng đường nội đồng, đường thôn, xóm ở những địa phương vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn. Ngoài ra, các tuyến đường giao thông nông thôn chủ yếu được nâng cấp trên tuyến đã có sẵn, nên các tiêu chuẩn kỹ thuật phần lớn chưa đạt về bề rộng nền và mặt đường, không có lề đường, rãnh thoát nước dọc, không có hệ thống cọc tiêu, biển báo. Đặc biệt, hàng năm, ảnh hưởng của thiên tai nên hệ thống giao thông nông thôn, đường giao thông nội đồng cũng bị hư hỏng nhiều.
Hiện nay, các địa phương đang tiến hành rà soát, đánh giá lại hiện trạng các tiêu chí về nông thôn mới, trong đó có tiêu chí về giao thông để đánh giá theo tiêu chí mới. Theo các địa phương, với quy định mới thì chắc chắc sẽ có nhiều xã không đạt về tiêu chí giao thông.
Trong thời gian tới, để thực hiện đạt chuẩn tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới, trước tiên, các địa phương cần tiếp tục tận dụng tối đa các nguồn lực đầu tư của Nhà nước; chủ động lồng ghép các nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, huy động từ các doanh nghiệp tham gia xây dựng, sửa chữa, mở rộng hệ thống đường giao thông nông thôn góp phần thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Hà Nam