Gỡ “điểm nghẽn” hạ tầng giao thông
Giao thông vận tải là ngành quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội. Những năm gần đây, tỉnh ta đã tập trung ưu tiên đầu tư phát triển giao thông vận tải với tốc độ nhanh, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá của tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh có 6.130 km đường giao thông, trong đó, các tuyến quốc lộ dài 522km; mạng lưới tỉnh lộ 525km, so với năm 2016, toàn tỉnh tăng khoảng 617km đường. Tình trạng kỹ thuật và chất lượng mặt đường được cải thiện, mặt đường bê tông xi măng và nhựa tăng từ 30%-70%; mặt đường đất, cấp phối giảm từ 65%-30%.
Tuy nhiên, một số tuyến đường kết nối giữa các địa phương, các vùng vẫn chưa được đầu tư hoàn chỉnh nên chưa thực sự phát huy hết tác dụng. Đơn cử như Quốc lộ 24 được đầu tư mở rộng nhưng vẫn còn các đoạn qua tỉnh ta dài 25,2km chưa được đầu tư nâng cấp theo quy hoạch (cấp III miền núi). Trong khi đó đây là tuyến đường huyết mạch nối Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen với các cảng biển, khu kinh tế của các tỉnh miền Trung góp phần thúc đẩy du lịch và thúc đẩy kinh tế phát triển.
Hay Quốc lộ 14C là tuyến đường trục phía Tây nối thông từ Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y đến tỉnh Gia Lai tạo thành vành đai khép kín, mở ra triển vọng phát triển kinh tế xã hội phía Tây của tỉnh. Tuy nhiên, Quốc lộ 14C vẫn còn 62km (từ km10 - km72) chưa được đầu tư vào cấp theo quy hoạch được phê duyệt (cấp IV miền núi).
|
Hoặc tuyến đường Ngọc Hoàng -Măng Bút -Tu Mơ Rông-Ngọc Linh có chiều dài 58 km nối thông 3 huyện vùng sâu là Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông mới chỉ đầu tư mặt đường và vẫn còn 5 cây cầu qua ngầm, sông suối chưa được đầu tư hoàn thiện nên tuyến đường chưa thực sự phát huy hiệu quả. Trong khi đó, đây là con đường được kỳ vọng sẽ mở ra sự phát triển cho các xã vùng sâu, vùng xa, thúc đẩy phát triển liên kết vùng, tạo vành đai giao thông khép kín và thúc đẩy phát triển du lịch thực sự hấp dẫn đối với khách du lịch, nhất là những du khách thích khám phá, trải nghiệm.
Một “điểm nghẽn” nữa là hiện nay, toàn tỉnh chưa có tuyến cao tốc nào được đầu tư. Điều đó cũng là gây ảnh hưởng và kiềm chế sự phát triển kinh tế xã hội, thiếu sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
|
Theo Sở GTVT, những “điểm nghẽn” đó là do nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ bố trí trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh hạn chế, chưa đáp ứng đủ cho các mục tiêu xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông đã đề ra.Trong khi đó, nội lực của tỉnh dành cho đầu tư xây dựng các dự án công trình giao thông còn hạn chế, việc huy động vốn theo hình thức PPP và các nguồn vốn hợp pháp gần như không có, phải trông chờ hoàn toàn vào nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương.
Để gỡ “điểm nghẽn” nói trên, ngành GTVT đang tham mưu UBND tỉnh tiếp tục kêu gọi, khuyến khích, ưu tiên các doanh nghiệp tham gia đầu tư trong lĩnh vực đường bộ; ban hành các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư. Tiếp tục làm việc với Bộ GTVT và các bộ ngành Trung ương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đầu tư hoàn chỉnh dự án nâng cấp Quốc lộ 24 đoạn qua địa bàn tỉnh; đầu tư tuyến tránh đường Hồ Chí Minh qua các đô thị; xây dựng các cầu trên tuyến đường Ngọc Hoàng-Măng Bút- Tu Mơ Rông- Ngọc Linh; triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án đường cao tốc Pleiku - Kon Tum - Ngọc Hồi - Bờ Y; bổ sung tuyến cao tốc Quảng Ngãi- Kon Tum vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đặc biệt, tập trung triển khai phương án phát triển mạng lưới giao thông trong Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được duyệt tại Quyết định số 1756/QĐ-TTg ngày 31/12/2023 của Thủ tướng Chinh phủ). Trong đó, định hướng phát triển GTVT trên địa bàn tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại, phát huy lợi thế về vị trí địa lý của tỉnh là giao điểm quan trọng nối liền các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ Việt Nam với các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan trong hành lang kinh tế Đông-Tây; chú trọng, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông hiện đại kết nối với vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh là thành phố Kon Tum, Khu du lịch Quốc gia Măng Đen (huyện Kon Plông) qua đó, góp phần thuận lợi giao thương, thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh phát triển.
Phúc Nguyên