Giúp đồng bào DTTS nâng cao đời sống
Những năm qua, ở 2 huyện nghèo Tu Mơ Rông và Kon Plông đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp và linh hoạt lồng ghép các nguồn vốn tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, đồng thời, tạo mọi điều kiện hỗ trợ cho người dân vay vốn phát triển sản xuất, qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con đồng bào DTTS, giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tu Mơ Rông là huyện nghèo với hơn 95% dân số là dân tộc Xơ Đăng. Đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên những năm qua, Đảng bộ và chính quyền các cấp trong huyện đã tạo mọi điều kiện tốt nhất, hỗ trợ người dân để giúp họ nâng cao đời sống, cải thiện thu nhập. Chính quyền ưu tiên nguồn vốn đầu tư của trung ương, của tỉnh tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, thủy lợi nhằm tạo thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, thuận lợi trong đi lại, giao thương, trao đổi hàng hóa.
Cùng với đó, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo mọi điều kiện để hỗ trợ người dân vay vốn phát triển sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập. Ông Nguyễn Chí Thành- Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tu Mơ Rông cho biết: Đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông đạt 408.001 triệu đồng với gần 6.000 khách hàng dư nợ, thông qua 144 tổ tiết kiệm và vay vốn. Trong đó, tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế và việc làm bao gồm cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với dư nợ 336.827 triệu đồng, chiếm 82,5% tổng dư nợ và tín dụng phục vụ đời sống sinh hoạt bao gồm cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường với dư nợ đạt 71.174 triệu đồng, chiếm 17,5% tổng dư nợ.
|
Đơn cử như tại xã Đăk Rơ Ông, theo thống kê, đến nay, xã có 791 hộ vay vốn với dư nợ 56.403 triệu đồng. Theo bà Mai Thị Luận- Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Ông, khoảng 3 năm trước đây, dù được tuyên truyền, vận động nhưng người dân trên địa bàn xã rất e ngại, không dám vay vốn. Thế nhưng gần đây, xã là một trong những địa phương có nhiều hộ dân vay vốn với dư nợ cao. Từ nguồn vốn vay, có 706 hộ đầu tư chăn nuôi trâu, bò, 79 hộ đầu tư trồng cà phê, cao su, bời lời và 39 hộ đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh... Qua theo dõi, người dân sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và từng bước phát huy được hiệu quả.
Anh A Phải (ở thôn La Giông, xã Đăk Rơ Ông) là hộ điển hình trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay để phát triển kinh tế gia đình. Năm 2021, anh A Phải đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh. Đến nay, mấy trăm cây sâm Ngọc Linh trồng từ nguồn vốn vay đang sinh trưởng, phát triển tốt và đã cho bói hạt. Ngoài trồng sâm Ngọc Linh, A Phải còn trồng 2ha mì, 2 ha cà phê mỗi năm cho thu nhập cả hàng trăm triệu đồng và gia đình anh không chỉ thoát khỏi hộ nghèo mà còn vươn lên là hộ khá giả của thôn.
Tương tự như Tu Mơ Rông, Kon Plông cũng là huyện nghèo, với có 98% dân số là đồng bào DTTS, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Những năm qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp uỷ đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở trong việc giúp đỡ, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế hộ gia đình nên đời sống của đồng bào DTTS từng bước được cải thiện rõ rệt. Đồng bào DTTS đã biết chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị cao, như hồng đẳng sâm, chè, sả Java, cây ăn quả, cà phê xứ lạnh. Đặc biệt, trong lĩnh vực chăn nuôi, người dân đã mạnh dạn chuyển từ chăn nuôi truyền thống thả rông gia súc trong rừng sang chăn nuôi tập trung có chuồng trại.
|
Từ sự thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm, đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã mạnh dạn kết hợp với nguồn vốn tích lũy của gia đình với nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mua cây, con giống, máy móc cơ giới hóa phục vụ sản xuất. Nhờ đó, nhiều hộ dân đã có sự tích lũy để xây dựng nhà ở khang trang, sạch đẹp. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện từ hơn 44% năm 2021 xuống còn hơn 22% năm 2024.
Anh A Truân (thôn Vi Gơ Lơng, xã Hiếu, huyện Kon Plông) chia sẻ: Trước đây, tôi không biết trồng cà phê, nhưng khi tham gia liên kết với HTX trồng cà phê xứ lạnh thì tôi được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc nên giờ tôi đã biết cách bón phân, chăm sóc, tỉa cảnh cà phê đúng kỹ thuật. Nhờ đó, cây cà phê phát triển tốt, năm vừa rồi thu hoạch bán được gần 50 triệu đồng. Gia đình tôi đã thoát khỏi hộ nghèo, đời sống ngày càng được nâng cao.
Bà Y Thị- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kon Plông cho biết: Nhằm giúp đồng bào DTTS nâng cao đời sống, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chương trình MTQG, nhất là triển khai hỗ trợ sinh kế gắn với chuỗi giá trị; tập trung triển khai các mô hình sinh kế gắn với sản xuất để nhân dân tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước giúp đồng bào DTTS phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao đời sống cho bà con đồng bào DTTS trên địa bàn.
Phúc Nguyên