Giải ngân vốn đầu tư công thấp: Cần “trị” đúng “bệnh”
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công luôn được quan tâm trong những năm gần đây. Phần vì vai trò đặc biệt quan trọng của đầu tư công- vừa là nguồn lực, vừa là động lực dẫn dắt, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; phần vì giải ngân vốn đầu tư công luôn không đạt kế hoạch.
Tỷ lệ giải ngân được cải thiện
Theo UBND tỉnh, trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn có sự chỉ đạo quyết liệt nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Vì vậy, nhìn chung kết quả giải ngân vốn đầu tư công tiến triển khả quan.
Việc phân bổ kế hoạch được thực hiện kịp thời, các chủ đầu tư đã chủ động triển khai thực hiện các thủ tục phê duyệt dự án đầu tư, đảm bảo giải ngân kế hoạch ngay từ những ngày đầu năm.
Như năm 2022, tỷ lệ giải ngân của tỉnh đạt khoảng 92% kế hoạch vốn Trung ương giao, nằm trong các địa phương có tỷ lệ giải ngân khá cao trong cả nước. Năm 2023, tỷ lệ giải ngân đạt khoảng 95% trên tổng số kế hoạch vốn địa phương giao.
|
Bước sang năm 2024, ngay từ đầu năm, công tác phân bổ và đôn đốc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công được Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành quyết liệt ngay từ đầu năm.
Đây là nhiệm vụ được xác định vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược, và là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát động Phong trào thi đua “Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Kon Tum” năm 2024. Các sở, ngành, cơ quan và địa phương, chủ đầu tư đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong triển khai thực hiện.
Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá dự án đầu tư công cũng được tăng cường. Qua đó phát hiện và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Tháng 2/2024, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở KH&ĐT khẩn trương đề xuất cụ thể về hình thức xử lý kỷ luật đối với các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân (tính đến ngày 31/1/2024) dưới 50% do nguyên nhân chủ quan.
Báo cáo số 235/BC-UBND ngày 15/7/2024 của UBND tỉnh cho thấy, tính đến ngày 30/6, đã giải ngân đạt hơn 617 tỷ đồng, đạt 26,8% trên thực nguồn kế hoạch vốn năm 2024 (617,056 tỷ đồng/2.298,2 tỷ đồng); tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2023 (23,7%).
Trong đó, nguồn ngân sách địa phương giải ngân 262,648 tỷ đồng, đạt 38,8%; nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ ngành, lĩnh vực giải ngân 64,059 tỷ đồng, đạt 7,7%; nguồn vốn các chương trình MTQG giải ngân 290,349 tỷ đồng, đạt 36,3%.
Cần “trị” đúng “bệnh”
Tuy nhiên, cũng theo UBND tỉnh, có những “căn bệnh” chưa được trị dứt điểm, dẫn đến tỷ lệ giải ngân trong 6 tháng đầu năm chưa đạt như kỳ vọng, ảnh hưởng đến chất lượng, tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.
Trong đó, có những “bệnh” xuất phát từ khách quan. Như về thể chế, một số dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh “vướng” quy trình, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng sang mục đích khác, vốn rất phức tạp, phải xin nhiều cấp, ý kiến nhiều bộ, ngành, làm mất rất nhiều thời gian.
Có thể lấy ví dụ từ dự án Đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 676 nối huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum với các huyện Sơn Tây, Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi- một dự án trọng điểm, liên vùng của tỉnh.
Sau gần 2 năm, dự án mới được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển mục đích sử dụng rừng. Khi hoàn thành thủ tục nộp tiền trồng rừng thay thế, địa phương phải mất nhiều thời gian hoàn thiện hồ sơ trình xem xét chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác.
|
Các dự án khác không vướng quy định này cũng “đụng” quy định khác, từ phân cấp, phân quyền chưa triệt để; công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương thực hiện 3 chương trình MTQG chậm, đến công tác di dời lưới điện; khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu đất đắp nền…
Bên cạnh đó là nhiều “bệnh” đến từ “bên trong”. Như năng lực công tác khảo sát, lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư chưa tốt, còn phát sinh những điểm chưa phù hợp với thực tế dẫn tới phải điều chỉnh; việc triển khai thực hiện chưa quyết liệt. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao; năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu còn hạn chế.
Vấn đề đặt ra cho thời gian tới là cần “trị” đúng “bệnh” trong giải ngân vốn đầu tư công, nếu muốn hoàn thành mục tiêu tỷ lệ giải ngân cả năm 2024 đạt trên 95%.
Theo đó, việc tiếp tục kiến nghị Chính Phủ, bộ ngành Trung ương xe m xét tháo gỡ khó khăn về thể chế, các chủ đầu tư phải nâng cao vai trò trách nhiệm, thực sự chủ động, quyết liệt phối hợp tốt trong công việc; xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc. Chủ động phối hợp tốt với các sở, ngành, các địa phương để khắc phục các nguyên nhân; xử lý theo quy định các trường hợp.
Các sở, ngành chuyên môn của tỉnh tăng cường kiểm tra dự án để chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Kiên quyết xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ giao vốn, điều chỉnh vốn, thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công.
Xử lý nghiêm trách nhiệm đối với các chủ đầu tư để chậm tiến độ giải ngân nguồn vốn được giao. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực.
UBND các huyện, thành phố phải quyết liệt hơn nữa trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án; tích cực tuyên truyền, vận động, đặc biệt là giải thích rõ các quy định pháp luật, về giá đất bồi thường và chính sách bồi thường, hỗ trợ để người dân thống nhất thực hiện.
Và nhất là, kiên quyết thực hiện việc điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Thành Hưng