Duy trì “phong độ” xuất khẩu hàng hóa
Trong bối cảnh tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng năm 2023, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của tỉnh vẫn đạt được những kết quả tích cực. Đây là động lực để tỉnh ta tiếp tục duy trì “phong độ” xuất khẩu, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2024.
Theo thống kê của Sở Công thương, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ta ước đạt 359,5 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 124% kế hoạch đề ra.
Đặc biệt, cán cân thương mại đạt được kết quả tốt khi tỷ trọng giá trị xuất khẩu chiếm tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với nhập khẩu trong tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh. Cụ thể, tỷ lệ giá trị hàng hóa xuất khẩu chiếm tới 98%, tỷ lệ giá trị hàng hóa nhập khẩu chỉ chiếm 2%.
Nhóm hàng nông sản vẫn chiếm ưu thế trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu với doanh thu đạt 349,7 triệu USD, chiếm 97% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, cao su thô là mặt hàng khẩu chủ lực với kim ngạch thu về khá ấn tượng, đạt 317 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ; tinh bột sắn giữ vững được mục tiêu là 29,72 triệu USD, chiếm 8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu; còn lại là các mặt hàng cà phê, dây thun khoanh, bàn ghế gỗ các loại.
|
Trong năm 2023, thị trường xuất khẩu chiếm ưu thế trong hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp tỉnh ta vẫn là Trung Quốc. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp từng bước chủ động tiếp cận và mở rộng sang một số thị trường mới, chẳng hạn như mặt hàng cà phê nhân xuất sang thị trường Anh, Singapore, Hàn Quốc và một số nước ở Châu Âu; mặt hàng cao su và các sản phẩm từ cao su xuất sang Hồng Kông, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Indonesia, Ấn Độ, Italia, Đức, Đài Loan, Philipines, Nhật, Colombia, Israel, Yemen, Singapore; gỗ và các sản phẩm từ gỗ xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Singapore.
Đây là kết quả từ nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự chủ động của các doanh nghiệp trong việc tổ chức sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu cao su, cà phê, tinh bột sắn. Các doanh nghiệp trong các lĩnh vực đã duy trì hoạt động sản xuất ổn định, giữ vững các thị trường truyền thống và không ngừng tìm kiếm cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường mới.
Năm 2024, tỉnh ta đặt mục tiêu phấn đấu, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 320 triệu USD.
|
Theo nhận định của ngành Công thương, việc Việt Nam gia nhập sâu rộng vào thị trường thế giới thông qua việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là điều kiện thuận lợi và tiền đề để các doanh nghiệp trong nước, trong đó có doanh nghiệp tỉnh ta hướng đến xuất khẩu sang các thị trường mới, các thị trường tiềm năng.
Chẳng hạn, tinh bột sắn sẽ có cơ hội xuất sang thị trường một số nước Châu Á như Singapore, Malaysia, Ấn Độ; cao su thô, cao su tổng hợp hướng đến xuất khẩu sang các nước khu vực Châu Âu và Châu Mỹ như Đức, Italia, Pháp, Chi Lê, New Zealand, Anh; cà phê nhân, cà phê bột cũng thuận lợi xuất sang thị trường như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand.Đây là những mặt hàng tiếp tục đóng góp lớn cho ngành xuất khẩu của tỉnh trong thời gian tới. Ngoài ra, chuối cũng là một trong những mặt hàng nông sản mới xuất khẩu của tỉnh có tiềm năng phát triển.
Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, hoạt động xuất khẩu trong năm 2024 sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức do tình hình kinh tế trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường; yêu cầu về sản phẩm hàng hóa của thị trường xuất khẩu ngày càng cao. Trong khi đó, các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu của tỉnh ta hầu hết có quy mô vừa và nhỏ, năng lực hạn chế, chưa có thương hiệu, hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là mới qua sơ chế hoặc chế biến thủ công nên giá trị gia tăng thấp, ít tính cạnh tranh.
Do đó, để thực hiện đạt mục tiêu đề ra, ngành Công thương đã chủ động đề ra nhiều giải pháp đồng bộ và cụ thể trong hoạt động xuất khẩu năm 2024. Trong đó, chú trọng vào việc tìm hiểu, nắm bắt thị trường để cung cấp đầy đủ thông tin về thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp; cung cấp các văn bản, chính sách ưu đãi, hỗ trợ trong lĩnh vực này để doanh nghiệp biết và chủ động triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, định vị thương hiệu cho các mặt hàng nông sản có lợi thế của tỉnh để xuất khẩu; xây dựng các kênh thông tin về các mặt hàng có chất lượng tốt và giá trị xuất khẩu cao cho thị trường; đẩy mạnh công tác kết nối, xúc tiến thương mại, kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa của tỉnh.
Để giữ mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2024, cùng với cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt cơ hội và ứng phó kịp thời trong sản xuất và xuất khẩu; xây dựng thương hiệu, giảm tính lệ thuộc hoặc xuất khẩu qua trung gian; tham gia các chương trình kết nối giao thương trong và ngoài nước để quảng bá sản phẩm, mở rộng kênh phân phối và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Có thể nói, việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế của tỉnh. Bởi, đây chính là động lực để sản xuất tiếp tục phục hồi và phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Thiên Hương