Động lực phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn
Những năm qua, hoạt động bình chọn, hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh. Thông qua đó, chính quyền và ngành chức năng phát hiện, tôn vinh và hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và chủ thể sản xuất đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Từ năm 2016 đến nay, chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được tỉnh ta triển khai định kỳ 2 năm một lần. Việc bình chọn được tiến hành từ cấp huyện đến cấp tỉnh, sau đó các sản phẩm đạt tiêu chuẩn cấp tỉnh tiếp tục được lựa chọn để dự thi cấp khu vực và quốc gia. Trong 6 năm qua, hoạt động này thu hút nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp ở nông thôn với số lượng sản phẩm tham gia bình chọn tăng cao qua từng đợt.
|
Theo thống kê của Trung tâm Khuyến công- Xúc tiến thương mại tỉnh, đến nay, tỉnh ta đã tổ chức được 4 đợt bình chọn. Kết quả, có 44 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; 9 sản phẩm được công nhận ở cấp khu vực và 6 sản phẩm đạt danh hiệu ở cấp quốc gia. Hiện tại, Sở Công thương đang lập hồ sơ đề nghị Bộ Công thương xét bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung- Tây Nguyên đối với 5 sản phẩm gồm: Nước yến sâm Kon Tum (Công ty TNHH Yến sào Kon Tum); Đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa (Hợp tác xã Nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo Kon Tum); Trà Sâm dây Ngọc Linh DATO (Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên); Chè sạch Đông Trường Sơn (Hợp tác xã Chè sạch Đông Trường Sơn) và Hồng đẳng sâm Vinnate (Công ty TNHH Vinnate).
Ông Võ Văn Mười- Giám đốc Trung tâm Khuyến công- Xúc tiến Thương mại tỉnh cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng và quyền lợi khi sản phẩm được công nhận là tiêu biểu các cấp như được in logo của chương trình lên bao bì sản phẩm, ưu tiên xét chọn hỗ trợ kinh phí khuyến công, xúc tiến thương mại, hỗ trợ giao công nghệ, tham gia các hoạt động nối cung- cầu hàng hóa... nên các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể sản xuất ngày càng hào hứng tham gia bình chọn. Đặc biệt, để tham gia chương trình, nhiều cơ sở sản xuất quan tâm đầu tư đổi mới cải tiến công nghệ, thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn với cải tiến mẫu mã, bao bì đóng gói. Hoạt động bình chọn được xét duyệt qua nhiều bước nên đã tìm ra các sản phẩm thật sự tiêu biểu, có chất lượng, có tiềm năng phát triển.
Có thể thấy, việc được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp được xem như “giấy chứng nhận” sản phẩm tốt, tạo niềm tin với người tiêu dùng, đối tác. Qua đó, từng bước thiết lập kênh phân phối rộng rãi, đưa sản phẩm vươn ra thị trường rộng lớn trong khu vực, trong nước và nước ngoài.
Ông Đặng Xuân Hùng - Giám đốc Công Ty TNHH Yến Sào Kon Tum chia sẻ: Lần đầu tiên tham gia bình chọn, đơn vị của chúng tôi đã có sản phẩm được công nhận ở cấp tỉnh và được lựa chọn để tham gia xét chọn cấp khu vực, là sự khích lệ rất lớn với doanh nghiệp. Đây chính sự công nhận về chất lượng, giá trị sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu của các thị trường, giúp chúng tôi thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các kênh phân phối, mở rộng thị trường.
Cùng với việc bình chọn, tôn vinh sản phẩm, việc hỗ trợ mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp nông thôn được ngành Công thương chú trọng.
Theo ông Võ Văn Mười, thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều hoạt động khuyến công, hỗ trợ về vốn, máy móc, trang thiết bị nhằm nâng cao năng lực sản xuất, năng lực quản lý cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Trung tâm Khuyến công- Xúc tiến thương mại luôn tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm, trưng bày sản phẩm ở trong và ngoài nước; hội nghị giao thương, kết nối cung cầu với các nhà phân phối lớn trong toàn quốc.
Tuy nhiên, thực tế, số lượng sản phẩm được công nhận so với tiềm năng, thế mạnh về sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn còn khá khiêm tốn, chưa đa dạng về lĩnh vực, ngành nghề sản xuất. Một số cơ sở có sản phẩm tiêu biểu, nhưng quy mô sản xuất còn nhỏ, thiếu vốn đầu tư, số lượng sản phẩm sản xuất giới hạn nên không đáp ứng được yêu cầu cung ứng sản phẩm với số lượng lớn, thường xuyên cho các nhà phân phối, từ đó mất cơ hội canh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Mặt khác, dù đã qua 4 mùa bình chọn, nhưng một số địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm, coi trọng phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu nên chưa tích cực trong việc hướng dẫn, tổ chức triển khai bình chọn ở cấp huyện.
Công nghiệp nông thôn đóng vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, góp phần khai thác thế mạnh của các địa phương, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá chất lượng cao của tỉnh, đóng góp vào việc giải quyết việc làm cho người dân nông thôn. Vì thế, việc đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác bình chọn, hỗ trợ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu chính là nguồn động lực thúc đẩy các ngành nghề công nghiệp ở nông thôn phát triển.
Thiên Hương