Động lực cho tăng trưởng
Trong quá trình phát triển của một địa phương, quy hoạch đóng vai trò hết sức quan trọng, như một trong những động lực tăng trưởng. Vì vậy, quy hoạch luôn phải đáp ứng nhiều yêu cầu, trong đó có “dài hơi” và “đi trước một bước”.
Mới đây, ngày 16/8, đã diễn ra một sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận trong tỉnh, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp. Đó là Hội thảo góp ý Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mang ý nghĩa hoạch định tầm nhìn dài hạn, Quy hoạch tỉnh mà chúng ta đang xây dựng sẽ là công cụ định hướng, quản lý toàn diện các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, phát triển không gian địa giới hành chính của tỉnh…, trở thành động lực cho tăng trưởng.
Nhìn lại giai đoạn 2011-2020, các ngành, địa phương của tỉnh đã nỗ lực triển khai có hiệu quả Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum đến năm 2020 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 20/4/2011). Từ đó tạo tiền đề để tỉnh Kon Tum phát triển mạnh mẽ, hài hòa, bền vững trong thời kỳ quy hoạch.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum đến năm 2020 được xây dựng phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với quy hoạch ngành, lĩnh vực.
Quá trình thực hiện đã đáp ứng yêu cầu khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương và huy động, sử dụng tốt mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững và bảo vệ môi trường; đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, sớm đưa Kon Tum thoát khỏi tỉnh nghèo.
|
Từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng và đô thị hóa; đẩy mạnh phát triển một số vùng kinh tế động lực để tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các khu vực khó khăn phát triển.
Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước phát triển. Quan tâm hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS phát triển toàn diện; bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia; giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác trong Tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.
Đến nay, tỉnh đã có 11/11 đô thị đã được phủ kín quy hoạch chung đô thị, các khu vực trong thành phố Kon Tum cơ bản đã được lập quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2.000); tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) so với quy hoạch chung đạt trung bình khoảng 31,8%.
Có 85/85 xã được phê duyệt quy hoạch xây dựng nông thôn và 48/85 xã đã có quy hoạch chi tiết trung tâm xã. Hiện nay, các huyện, thành phố đang triển khai rà soát, lập quy hoạch chung xã cho giai đoạn 2021-2030.
Việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị được thực hiện đúng thẩm quyền, phù hợp với thực tế của địa phương, được tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng dân cư trước khi trình thẩm định, phê duyệt.
Đánh giá về công tác quy hoạch thời gian qua, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận định, các quy hoạch được phê duyệt đã cho thấy mức độ định hướng rất tốt để triển khai nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, bảo đảm đúng định hướng cũng như thu hút đầu tư, từ đó thúc đẩy phát triển mạnh hơn.
|
Bên cạnh đó, quy hoạch cũng đã tạo nên một diện mạo mới cho mạng lưới đô thị, khắc phục được nhiều tồn tại hạn chế, từ giao thông, cấp nước đến xây dựng. Nhờ đầu tư và triển khai đồng bộ nhiều dự án phát triển kết cấu hạ tầng, trong những năm qua diện mạo đô thị, nhất là thành phố Kon Tum- đô thị trung tâm, đã khang trang, hiện đại hơn.
Phát huy những kết quả đạt được trong thời kỳ quy hoạch 2011-2020, Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện để sớm hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Mục tiêu tổng quát là huy động tối đa mọi nguồn lực để tập trung phát triển; từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu thời kỳ phát triển tiếp theo; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Theo đó, UBND tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; ban hành các quyết định phê duyệt Dự toán chi phí lập Quy hoạch tỉnh, kế hoạch lựa chọn nhà thầu lập Quy hoạch tỉnh.
Đến nay, đơn vị tư vấn hoàn thành ý tưởng Khung Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành báo cáo đầu kỳ và hiện đang triển khai xây dựng các nội dung chính của quy hoạch tỉnh.
Tại Hội thảo góp ý Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các chuyên gia nhấn mạnh rằng, quy hoạch đóng vai trò hết sức quan trọng, như một trong những động lực tăng trưởng.
Một quy hoạch tốt phải làm lợi cho người dân, tức là để khi quy hoạch người dân được hưởng lợi từ quy hoạch đó; tạo điều kiện tốt nhất để thu hút doanh nghiệp đầu tư có hiệu quả; đảm bảo vai trò quản lý của Nhà nước.
Cần xác định ngay từ đầu rằng, quy hoạch phải đáp ứng nhiều yêu cầu, trong đó có “dài hơi” và “đi trước một bước”. Các cơ quan chức năng, tổ chức đã được phân công tham gia xây dựng quy hoạch cần thực hiện với tất cả trách nhiệm để quy hoạch đạt hiệu quả tối đa.
Muốn như vậy, chất lượng đội ngũ thực hiện quy hoạch là rất quan trọng. Đòi hỏi làm tốt khâu đào tạo, thu hút sự tham gia của đội ngũ kiến trúc sư, chuyên gia. Triển khai công tác lập thẩm định và phê duyệt quy hoạch chặt chẽ và thận trọng.
Trong quá trình lập quy hoạch cần có sự tham gia của các nhà phản biện xã hội, các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, chuyên gia xây dựng, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ.
Và cuối cùng, cần quan tâm hơn đến việc lấy ý kiến của cộng đồng dân cư. Thực tế cho thấy, vai trò của cộng đồng đối với quy hoạch rất quan trọng, giúp cho quy hoạch mang tính khả thi, có tính thực tiễn cao, bởi được người dân đồng thuận, ủng hộ.
Điều này cũng sẽ giúp cho quy hoạch thoát khỏi nguy cơ trở thành quy hoạch “treo”.
Hồng Lam