Đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Xúc tiến thương mại được xem như “bà mối”, góp phần tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm hàng hóa. Vì vậy, để nối lại các kênh phân phối- tiêu thụ, thúc đẩy lưu thông hàng hóa của tỉnh, ngành Công thương tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại thời kỳ hậu Covid-19, góp phần phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo đánh giá của Sở Công thương, trong thời gian dài, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chuỗi cung- cầu, sản xuất- tiêu thụ, tác động đến “sức khỏe” của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, sau khi các hoạt động kinh tế- xã hội, du lịch khởi động lại và dần hồi phục, việc đưa hàng hóa chiếm lĩnh thị trường nội địa được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn.
|
Ông Võ Văn Mười- Giám đốc Trung tâm Khuyến công- Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) cho biết: Nhằm phát huy thế mạnh thương hiệu OCOP, thúc đẩy sức mua, đơn vị phối hợp với các ngành chức năng tích cực đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, chủ lực của tỉnh. Do đó, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, năm 2022, ngành Công thương tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia trao đổi, kết nối với các cửa hàng bán sản phẩm OCOP tại Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Quảng Ninh…Tham gia các hội nghị kết nối sản phẩm tại một số tỉnh, thành phố trong nước như: Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định…Qua đó, không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm hàng hóa của tỉnh, mà còn giúp doanh nghiệp tìm kiếm được các hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm nhiều tỉnh thành và các trung tâm thương mại, siêu thị trong cả nước. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp đánh giá lại sản phẩm của mình, nhận ra các hạn chế, thiếu sót, từng bước khắc phục, hoàn thiện sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Hội chợ là kênh xúc tiến thương mại truyền thống nhưng được đánh giá là khá quan trọng. Năm qua, với sự hướng dẫn của ngành Công thương, các doanh nghiệp tỉnh ta tích cực tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh như Hội chợ triển lãm thương mại giới thiệu sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên- Gia Lai; Hội chợ Quốc tế Thương mại, du lịch và đầu tư hành lang kinh tế Đông Tây- Đà Nẵng; Hội chợ Công thương và sản phẩm OCOP - Kon Tum 2022, Phiên chợ Sâm Ngọc Linh và các sản phẩm dược liệu khác.
Trong các dịp hội chợ, những sản phẩm thế mạnh của tỉnh như: Sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh, sâm dây, chè dây, khổ qua rừng, nấm lim xanh, cà phê, trái cây sấy, trái cây tươi, nước yến... được quảng bá rộng rãi và nhận được đánh giá cao của khách hàng bởi sự khác biệt, chất lượng cao, bao bì mẫu mã đẹp. Ngoài ra, hơn 650 mặt hàng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ đưa lên Sàn thương mại điện tử Kon Tum, tạo lập các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử lớn của Việt Nam như lazada, shopee.
|
Thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, năm qua, ngành Công thương tổ chức 10 chuyến đưa hàng Việt về nông thôn tại các xã vùng sâu, vùng xa như Đăk Long, Đăk Kroong (huyện Đăk Glei); Măng Ri, Đăk Na, Ngọc Yêu (huyện Tu Mơ Rông); Pờ Ê, Ngọc Tem (Kon Plông) với các mặt hàng thiết yếu như đồ gia dụng, quần áo, sản phẩm tiêu dùng hằng ngày. Qua đó, không chỉ giúp người dân nông thôn nhận biết, mua sắm hàng Việt có chất lượng, giá cả hợp lý, mà còn giúp doanh nghiệp mở rộng mạng lưới phân phối và bán hàng Việt.
Các hoạt động xúc tiến thương mại đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa cũng được tỉnh ta chú trọng. Theo đó, các ngành, đơn vị tạo điều kiện hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp tham gia Hội chợ tại các nước Lào, Campuchia, Thái Lan. Kết nối với Bộ Công thương và các ngành liên quan tham gia các Hội nghị trực tuyến về xuất khẩu cung cấp thông tin kịp thời về tình hình xuất, nhập khẩu giúp các địa phương, doanh nghiệp có định hướng trong quản lý và tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp để sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng trưởng cao, năm 2022 ước đạt 320,8 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ và tăng 19% so với kế hoạch năm.
Theo ông Võ Văn Mười, để tiếp tục đưa hàng hóa của tỉnh “phủ sóng” rộng rãi trên thị trường và hướng đến xuất khẩu bền vững, ngành Công thương tập trung thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại. Trong đó, chú trọng triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, hỗ trợ cơ sở sản xuất, kinh doanh, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản nội địa. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp phát huy lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do để mở rộng xuất khẩu, đa dạng hóa đối tác, nguồn hàng. Theo dõi, tham mưu kịp thời các cấp, các ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hợp tác xã để khơi thông sản xuất, kinh doanh.
Có thể thấy, xúc tiến thương mại là “đòn bẩy” để mở rộng đầu ra cho sản phẩm hàng hóa của tỉnh, nhất là trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. Từ đó, tạo động lực để các cơ sở, doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Thiên Hương