Đất không phụ công người
Từ một vùng đất hoang đầy sỏi đá, khô cằn, hàng chục năm qua, ông Trần Văn Đại đã bỏ ra nhiều công sức, tiền của để cải tạo khu đồi cằn cỗi 10ha thành vườn cây sầu riêng tươi tốt, mang lại thu nhập hàng tỷ đồng và trở thành một trong những nông dân điển hình làm ăn kinh tế trên địa bàn.
Ông Trần Văn Đại quê ở Hà Tĩnh, từng đi khắp nơi để tìm kế mưu sinh, nhưng có lẽ, mảnh đất Tây Nguyên gắn bó lâu dài nhất. Năm 1999 khi còn làm việc tại Đăk Lăk, trong một lần tình cờ sang thăm bà con ở huyện Ngọc Hồi và thấy mảnh đất này có khả năng phát triển kinh tế nên ông đã mua, đầu tư công sức cải tạo vùng sỏi đá, khô cằn rộng 10ha tại địa bàn thôn Hòa Bình (xã Đăk Kan).
Suốt 10 năm (1999-2009) ròng rã, ông qua lại giữa Kon Tum và Đăk Lăk, vừa làm việc vừa tranh thủ thời gian về thăm gia đình. Đó là quãng thời gian khó khăn, vất vả nhất đối với ông. Tuy nhiên, nhận thấy cơ hội và tiềm năng phát triển kinh tế tốt nên ông Đại dành nhiều thời gian ở Ngọc Hồi để tập trung đầu tư cải tạo vùng đồi hoang, xây dựng đường giao thông nội bộ, lưới điện, đào ao trữ nước. Khi đã hoàn thiện hạ tầng, ông bắt đầu trồng 5ha cao su, 5ha cà phê và hồ tiêu. Khi vườn cây bước vào thời kỳ kinh doanh, có nguồn thu nhập ổn định, năm 2009, ông bán nhà và tài sản ở Đăk Lăk, chuyển sang mua đất làm nhà tại Tổ dân phố 3 (thị trấn Plei Kần), xác định lập nghiệp lâu dài trên vùng đất mới này.
|
Đến năm 2013, một lần ông mua 1 quả sầu riêng 5 kg, khi bóc ra cho cả nhà thưởng thức, chất lượng không ngon, trong khi đó, quả sầu riêng nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia có dịp ông được thưởng thức lại thơm ngon, có mùi vị đặc trưng, khiến ai cũng muốn ăn. Từ đó, ông quyết tâm học hỏi “bí quyết” trồng sầu riêng chất lượng cao. Ông và con trai đầu bỏ nhiều công sức, kinh phí thực hiện các chuyến đi vào “thủ phủ trái cây” miền Tây Nam bộ như Bến Tre, An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long để học hỏi nhà vườn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng, đặc biệt là các giống cây sầu riêng chất lượng cao được nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia.
Ngoài ra, ông còn kết hợp tự học hỏi, kiến thức trồng cây sầu riêng qua sách, báo, tạp chí chuyên ngành nông nghiệp, mạng Internet; tham gia các hội, nhóm trên các nền tảng mạng xã hội zalo, facebook để trao đổi kinh nghiệm về kỹ thuật trồng các loại giống sầu riêng. Nắm bắt cơ bản về kiến thức, kỹ thuật trồng, năm 2013 ông phá bỏ 1ha cà phê kém hiệu quả để trồng 100 cây sầu riêng. Năm 2016, ông thu bói lứa đầu tiên hơn 1 tạ, bán trên 30.000 đồng/kg.
Vào thời điểm đó, giá cà phê và cao su giảm sút, ông phá bỏ dần vườn cây cao su và cà phê, từng bước chuyển sang trồng cây sầu riêng, bình quân mỗi năm trồng mới khoảng 200 cây, đồng thời, đầu tư xây dựng hệ thống tưới nước tự động bài bản. Đến năm 2020, toàn bộ diện tích 10ha đất vườn của ông đã phủ toàn bộ cây sầu riêng; trong đó, có trồng xen kẽ một số ít cây ăn quả khác như bơ, nhãn.
Trong quá trình phát triển vườn cây sầu riêng rộng 10ha của mình, ông Đại mời các nhà khoa học tới vườn để nghiên cứu điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết, khí hậu để trồng giống sầu riêng nào cho phù hợp. Từ đó, ông chọn các loại giống sầu riêng Ri6 (miền Tây Nam bộ), giống Monthong và Dona (Thái Lan), giống Musang King (Malaysia) để trồng. Theo ông Đại, 1 héc ta đất trồng được 110 cây sầu riêng, từ năm thứ 4 cho thu bói, từ năm thứ 7 trở đi cho thu hoạch ổn định với sản lượng ngày càng tăng nếu biết cách chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật.
|
Để sản phẩm làm ra đạt chất lượng, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, toàn bộ quy trình trồng, chăm sóc, bón phân, thu hoạch đều được ông Đại thực hiện theo tiêu chuẩn “sản xuất nông nghiệp sạch” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đó là, không sử dụng các loại hóa chất độc hại; phân bón sử dụng cho cây sầu riêng là các loại phân xanh, phân chuồng, phân vi sinh; sử dụng các chế phẩm sinh học để diệt trừ sâu bọ gây hại; đồng thời, ông cũng đã đăng ký và được cơ quan chức năng cấp mã số vùng trồng cho 10ha cây sầu riêng.
Bình quân mỗi năm doanh thu từ vườn sâu riêng của ông Đại từ 1-3 tỷ đồng. Đỉnh điểm trong năm 2023, ông thu được 80 tấn, thương lái tới vườn đặt cọc mua sô với mức giá bình quân 65.000 đồng/kg, thu nhập 6,8 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí đầu tư, nhân công, ông có lãi trên 4 tỷ đồng.
Không những làm giàu cho gia đình, ông Trần Văn Đại còn quan tâm giải quyết việc làm cho nhiều người lao động tại địa phương. Trong đó, có từ 4-5 người làm việc thường xuyên, 15-20 người làm việc thời vụ tại trang trại với mức thu nhập tiền công từ 250.000-400.000 đồng/người/ngày.
Ông Mai Văn Minh- Phó Chủ tịch UBND thị trấn Plei Kần cho biết: Ông Trần Văn Đại là một nông dân có nghị lực cao, dám nghĩ, dám làm. Ông là tấm gương điển hình trong phong trào làm kinh tế giỏi, được người dân cảm phục đến học tập, làm theo.
Quang Định