Đăk Tô: Nông dân hưởng lợi từ các mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm
Thời gian qua, huyện Đăk Tô đẩy mạnh xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản chủ lực của địa phương với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để nâng cao giá trị nông sản. Thông qua các mô hình liên kết, bà con nông dân trên địa bàn huyện đã mạnh dạn hơn trong việc đầu tư phát triển kinh tế, chú trọng chăm sóc cây trồng để từng bước nâng cao đời sống gia đình.
Đang chất lên xe những bó mía đường để chở về nhà máy, ông A Năm, ở thôn Đăk Đring, xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô) phấn khởi cho biết: “Tháng 12/2021, gia đình tôi trồng 3,5 sào mía theo mô hình liên kết với Công ty Cổ phần Đường Kon Tum. Sau hơn 1 năm chăm sóc, vườn mía đã cho thu hoạch lần đầu với sản lượng khoảng 40 tấn. Sau khi trừ hết các chi phí về công làm đất, giống, phân bón, gia đình tôi thu được 28 triệu đồng. Cây mía trồng 1 lần thì thu được 3 năm, sản lượng mía sẽ tăng gấp đôi ở các năm sau nên lợi nhuận rất tốt”.
Ông A Xiếc (hiện ở thôn Đăk Rô Gia, xã Đăk Trăm) tâm sự: “Gia đình tôi trồng gần 5 sào mía theo mô hình liên kết, đến nay đã thu hoạch xong, lời được 32 triệu đồng. Nếu giá mía ổn định như hiện nay thì chỉ vài năm nữa gia đình tôi sẽ thoát nghèo”.
|
Xã Đăk Trăm hiện có gần 33ha mía của 115 hộ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với Công ty Cổ phần Đường Kon Tum, tất cả bà con đều là đồng bào DTTS Xơ Đăng. Tham gia mô hình liên kết sản xuất, người dân được Công ty hỗ trợ mua giống, phân bón và hướng dẫn về quy trình trồng, chăm sóc. Định kỳ, cán bộ của Công ty tiến hành kiểm tra, đánh giá chất lượng cây mía, kịp thời đưa ra các giải pháp để giúp người dân chăm sóc vườn mía đạt hiệu quả cao nhất. Trong niên vụ 2022-2023, năng suất mía đạt từ 80-100 tấn/ha, lợi nhuận đạt từ 60-70 triệu đồng/ha.
Hiện nay, tổng diện tích cây trồng thực hiện mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đăk Tô đạt 322,6 ha. Trong đó cây mắc ca 260ha; dứa 11,7ha; mía đường 18,9ha; đậu đỗ 30ha; cây dược liệu 2ha.
|
Bà Nguyễn Thị Hồng Huệ (ở khối phố 1, thị trấn Đăk Tô) chia sẻ: “Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình tôi liên kết trồng 3ha cây mắc ca với Công ty cổ phần Dương Gia Kon Tum. Trên cùng diện tích này, gia đình trồng xen cây dứa liên kết với công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu Rau quả DOVECO Gia Lai. Việc ký kết với Công ty trong khâu sản xuất, bao tiêu sản phẩm giúp gia đình tôi rất an tâm, không lo về đầu ra”.
Ông Tưởng Văn Khanh- Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Tô cho biết: “Các loại cây trồng liên kết với doanh nghiệp đều là những loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương. Hiện nay, nhiều loại cây trồng được địa phương khuyến khích người dân sản xuất theo mô hình liên kết với doanh nghiệp cho hiệu quả kinh tế khá cao. Cụ thể như cây đậu đỗ đang được triển khai trồng theo hình thức liên kết ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn vừa giúp bà con nông dân có thêm thu nhập, vừa giúp cải tạo đất. Hoặc diện tích trồng dứa đang được trồng liên kết trên địa bàn cũng đang sinh trưởng, phát triển tốt, dự kiến sẽ cho thu hoạch quả vào cuối năm 2023”.
Trong thời gian tới, huyện Đăk Tô tiếp tục chủ động làm việc với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để đẩy mạnh mô hình liên kết sản xuất, trong đó ưu tiên lựa chọn các loại cây trồng có giá trị kinh tế đưa vào sản xuất trên địa bàn nhằm góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và đa dạng hóa các loại hình trong phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn.
Tấn Lộc