Đăk Hà: Siết chặt công tác quản lý bảo vệ rừng
Qua trinh sát, cơ quan cảnh sát điều tra (Công an tỉnh) vừa phát hiện một vụ cất giấu gỗ lậu lớn trong khu vực khai thác cát tại địa bàn xã Đăk Pxi (huyện Đăk Hà). Ngay sau đó, huyện Đăk Hà cũng đã chỉ đạo kiểm tra, làm rõ trách nhiệm từng tập thể, cá nhân có liên quan đến vụ việc, đồng thời, yêu cầu siết chặt các biện pháp quản lý bảo vệ rừng.
Phát hiện gỗ chôn dưới bãi chứa cát
Xã Đăk Pxi (huyện Đăk Hà) có tổng diện tích tự nhiên hơn 26.500 ha, trong đó, diện tích đất lâm nghiệp có hơn 21.6000 ha (gồm đất rừng sản xuất có hơn 7.600 ha và đất rừng phòng hộ gần 14.000 ha). Đây là địa bàn có trữ lượng gỗ lớn và có nhiều chủng loại gỗ quý hiếm, vì vậy, lâm tặc thường xuyên lén lút, tìm cơ hội để khai thác vận chuyển gỗ trái phép. Minh chứng là mới đây nhất, vào đầu tháng 3/2023, qua trinh sát, cơ quan cảnh sát điều tra (Công an tỉnh) đã phát hiện một vụ tàng trữ cất giấu khối lượng gỗ lớn (không có nguồn gốc) trong bãi chứa cát của điểm mỏ khai thác cát, sỏi trên sông Đăk Pxi tại địa bàn thôn 7 xã Đăk Pxi của Công ty TNHH 87.
|
Tại hiện trường, lực lượng công an phát hiện có 11 lóng gỗ tròn mới khác thác, 2 mặt phản và nhiều cây gỗ đã được ngâm lâu ngày dưới nước. Tất cả số gỗ bị phát hiện đều có chiều dài và đường kính lớn. Điều đáng nói, để che mắt lực lượng chức năng, lâm tặc cất giấu gỗ bằng cách lấp cát lên trên. Tuy nhiên, vẫn có một số gỗ với dấu hiệu mới được khai thác từ rừng lâm tặc ngang nhiên để lộ thiên trong bãi chứa cát.
Mở rộng kiểm tra các điểm lân cận, cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện một lượng gỗ lớn được giấu dưới lớp cát và trong vườn cao su. Điều đáng nói, có một số lóng gỗ có dấu hiệu mới khai thác từ rừng.
Theo lãnh đạo UBND xã Đăk Pxi cho biết, ước tính số lượng gỗ vi phạm trong vụ việc trên khoảng hơn 30 m³ bao gồm gỗ lóng, gỗ tấm, gỗ hộp và đặc biệt có lóng gỗ dài khoảng 20m và có đường kính khoảng 1m.
Để phục vụ cho công tác điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra (Công an tỉnh) đã tổ chức đưa toàn bộ tang vật gỗ vi phạm tại mỏ khai thác cát, sỏi của Công ty TNHH 87 thuộc địa bàn thôn 7 xã Đăk Pxi về nơi tạm giữ. Đồng thời, tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Triển khai quyết liệt biện pháp bảo vệ rừng
Ngay sau khi cơ quan cảnh sát điều tra (Công an tỉnh) phát hiện vụ cất giấu, khai thác gỗ lậu tại địa bàn xã Đăk Pxi, Huyện ủy, UBND huyện Đăk Hà đã có văn bản chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp điều tra, làm rõ vụ việc và chấn chỉnh không để tái phạm tình trạng khai thác lâm sản trái phép.
Làm việc với phóng viên Báo Kon Tum xung quanh vụ việc này, lãnh đạo UBND huyện Đăk Hà cũng thừa nhận bên cạnh nguyên nhân khách quan vẫn còn một số nguyên nhân chủ quan. Đó là công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương ở xã chưa được quan tâm đúng mức; còn có tình trạng cán bộ buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát thường xuyên; năng lực quản lý của một số chủ rừng còn hạn chế; công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa tốt trong công tác quản lý bảo vệ rừng...
|
Ông Nguyễn Minh Vương- Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà cho biết: Từ vụ việc trên, thời gian tới, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn và các đơn vị chủ rừng tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng đến doanh nghiệp, cộng đồng dân cư vào người dân trên địa bàn về ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ rừng theo chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh. Đặc biệt, triển khai thực hiện nghiêm Kế hoạch số 34-KH/TU ngày 02/5/2017 của Tỉnh ủy “thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12-01-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.
Song song với đó, thường xuyên phát động các đợt ra quân tuần tra, truy quét và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, trong đó, lưu ý các khu vực giáp ranh, các điểm nóng để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý.
Tiếp tục nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, trực tiếp chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ rừng có hiệu quả hơn và chịu trách nhiệm chính đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.
“Chủ tịch UBND các xã, thị trấn, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, chủ rừng chịu trách nhiệm trước UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện nếu để mất rừng và các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp tại địa bàn quản lý. Đồng thời, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý trách nhiệm và báo cáo Ban Thường vụ Huyện uỷ thay thế người đứng đầu địa phương buông lỏng quản lý để xảy ra các vụ việc vi phạm lâm luật…”-ông Vương nhấn mạnh.
Phúc Nguyên