Chứng nhận VietGAP- góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm trồng trọt
Hiện nay, Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và dịch vụ khoa học và công nghệ tỉnh (trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ) là đơn vị duy nhất trên địa bàn tỉnh được Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp phép hoạt động chứng nhận VietGAP cho sản phẩm trồng trọt. Điều này đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm trồng trọt có nhu cầu đăng ký làm thủ tục chứng nhận VietGAP.
Theo chân cán bộ của Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và dịch vụ khoa học và công nghệ tỉnh, chúng tôi về xã Đăk Kan (huyện Ngọc Hồi) để theo dõi quy trình chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt trong trồng trọt (VietGAP) cho diện tích chuyên canh cây mắc ca của Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ thương mại Đức Hân (gồm 5ha cây mắc ca đã cho thu hoạch 2 năm). Đây là hợp tác xã đang phát triển vùng nguyên liệu cây mắc ca rộng khoảng 100ha, trong đó có hơn 80ha do người dân liên kết trồng.
Ông Lê Tất Huy- cán bộ phụ trách công tác đánh giá tiêu chuẩn VietGAP của Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và dịch vụ khoa học và công nghệ tỉnh cho biết, điều kiện để được chứng nhận VietGAP là các cá nhân, tổ chức phải đảm bảo quy trình sản xuất, an toàn lao động, sản phẩm an toàn và đảm bảo truy xuất nguồn gốc của sản phẩm.
|
“Khi các cá nhân, tổ chức gửi đơn đăng ký chứng nhận VietGAP, chúng tôi đều tư vấn và hỗ trợ các cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục hồ sơ, sau đó, tiến hành lập kế hoạch đi đánh giá thực địa. Nếu đủ các điều kiện và đạt các yêu cầu theo quy định, các cá nhân, tổ chức sẽ được cấp giấy chứng nhận VietGAP và sau 12 tháng từ khi được cấp giấy chứng nhận VietGAP, các cá nhân, tổ chức sẽ được chúng tôi đánh giá, giám sát lại”- ông Huy cho biết.
Đúng như ông Huy chia sẻ, ngoài kiểm tra trực tiếp ngoài thực địa, từ vườn trồng đến nhà xưởng chế biến và các điều kiện khác, các cán bộ của Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và dịch vụ khoa học và công nghệ tỉnh còn hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho hơn 20 hộ dân là thành viên liên kết vùng nguyên liệu với Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ thương mại Đức Hân.
Bà Xa Thị Hoàng (thôn Hòa Bình, xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi), thành viên của Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ thương mại Đức Hân cho hay, gia đình bà có 6ha trồng cao su và cà phê lâu năm. Cách đây 2 năm, bà bắt đầu trồng xen canh hơn 20 cây mắc ca vào diện tích cao su và cà phê của gia đình. Nhờ tham gia buổi tập huấn do Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và dịch vụ khoa học và công nghệ tỉnh tổ chức, bà Hoàng hiểu được lợi ích của việc áp dụng quy trình VietGAP vào trồng trọt, nhất là trồng cây mắc ca.
“Sản xuất theo VietGAP giúp sản phẩm mắc ca đạt tiêu chuẩn an toàn, dễ tiếp cận người tiêu dùng, cạnh tranh được về giá cả và có chỗ đứng trên thị trường”- bà Xa Thị Hoàng cho biết.
|
Ông Dương Đình Vương, đại diện Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ thương mại Đức Hân chia sẻ, ngay từ đầu quy hoạch vùng trồng mắc ca, Hợp tác xã đã định hướng phải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong số 15ha mắc ca trồng chuyên canh có 5ha đã cho thu hoạch 2 năm, Hợp tác xã lựa chọn 5ha này làm hồ sơ đăng ký để cơ quan có thẩm quyền đánh giá, cấp giấy chứng nhận VietGAP.
Số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh phát triển 208.917,3ha cây trồng, trong đó, có 114.648,7ha cây lương thực (lúa, ngô, rau đậu các loại), cây cà phê, cây ăn quả và cây mắc ca, đây đều là những loại cây trồng nằm trong danh mục được cấp chứng nhận VietGAP. Hiện nay, toàn tỉnh cũng có 17.668,5ha diện tích cây trồng ứng dụng công nghệ cao, được chứng nhận đạt các tiêu chuẩn Global GAP, VietGAP, UTZ, Fairtrade Certificate, hữu cơ (riêng VietGAP có 292,8ha).
Có thể nói, diện tích cây trồng có nhu cầu đăng ký cấp giấy chứng nhận các tiêu chuẩn trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là tiêu chuẩn VietGAP còn rất lớn. Việc trên địa bàn tỉnh có đơn vị được cấp giấy chứng nhận VietGAP cho sản phẩm trồng trọt sẽ thúc đẩy sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, có nhiều nông sản đạt chất lượng cao, an toàn cho sức khỏe, đủ sức cạnh tranh và tiêu thụ trên thị trường.
Đức Thành