Chú trọng phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông
Những năm qua, hệ thống đường giao thông được tập trung đầu tư, nâng cấp, bảo đảm sự kết nối giữa các vùng trong tỉnh và giữa các tỉnh trong khu vực, tạo nên mạng lưới giao thông từng bước đồng bộ và hoàn chỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh của địa phương và cải thiện nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
|
Trước năm 2000, hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh phát triển không đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa. Khi ấy, giao thông đối ngoại chỉ bằng đường bộ hướng về phía Gia Lai theo Quốc lộ 14 và về Quảng Ngãi theo Quốc lộ 24, tuy nhiên, chất lượng đã hư hỏng, xuống cấp. Hệ thống đường địa phương chủ yếu là đường đất và cấp phối, việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn, hệ thống giao thông còn quá thiếu, đa số các điểm vượt sông là ngầm tạm, cầu gỗ, cầu treo tải trọng nhỏ.
Xác định giao thông “đi trước mở đường” cho phát triển nên sau khi tách tỉnh, tỉnh ta đã ưu tiên các nguồn vốn và huy động các nguồn lực khác để đầu tư hạ tầng giao thông. Đồng thời, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và sự quan tâm của tỉnh, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh được đầu tư phát triển mạnh cả về chất và lượng. Mạng lưới hệ thống giao thông đã nối liền tỉnh Kon Tum với các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải Miền Trung, thông thương với các nước bạn Lào, Campuchia và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan.
Từ năm 2002 đến nay, hàng loạt tuyến đường huyết mạch quan trọng đã và đang được đầu tư nâng cấp, cải tạo và mở mới như: đường Hồ Chí Minh; tuyến tránh thành phố Kon Tum; các quốc lộ 24, 14C, 40B; các tỉnh lộ 671, 675, 677, 678, đường tái định cư thuỷ điện Plei Krông, đường Sa Thầy-YaLy - thôn Tam An (xã Sa Sơn) - Ya Mô - làng Rẽ (Mô Rai), huyện Sa Thầy (Tỉnh lộ 674); đoạn tránh đèo Văn Rơi; đường Ngọc Hoàng-Măng Bút-Tu Mơ Rông-Ngọc Linh... cùng nhiều tuyến đường huyện, đường đô thị, đường giao thông nông thôn được xây dựng, tạo nên mạng lưới giao thông hoàn chỉnh. Đây là tiền đề quan trọng mở thông thương, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, từ đó đời sống đồng bào các dân tộc trong tỉnh ngày càng được cải thiện, nâng cao.
|
Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển hệ thống giao thông hơn 6.130 km đường. Mạng lưới đường giao thông được phân bố tương đối hợp lý, rộng khắp toàn tỉnh. So với năm 2001, toàn tỉnh tăng 3.551km đường; chất lượng các tuyến đường cũng được cải thiện, trong số hơn 6.130 km đường thì tỷ lệ mặt đường bê tông nhựa chiếm 23,22%; mặt đường bê tông xi măng chiếm 31,43%; mặt đường nhựa chiếm 20,32%; còn lại là đường cấp phối và đường đất.
Điều đáng mừng là hệ thống giao thông nông thôn (GTNT) đã phát triển mạnh trong những năm gần đây. Các huyện, thành phố đã huy động sức dân tham gia làm đường GTNT theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Với hình thức Nhà nước hỗ trợ vật tư xi măng, nhân dân đóng góp ngày công lao động, hàng nghìn kilômet đường GTNT đã được mở rộng nền, mặt đường, đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại và lưu thông hàng hóa của nhân dân. Đến nay, tất cả các xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa cơ bản đã đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT và hiện toàn tỉnh đã có 64/85 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông.
Hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư xây dựng, không những đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại mà còn góp phần to lớn trong thúc đẩy kinh tế- xã hội của tỉnh, đời sống của người dân từng bước được nâng cao. Giao thông đi lại thuận lợi hơn đã giúp cho sản phẩm của người dân làm ra như lúa, mì, cà phê được mua bán, trao đổi, tiêu thụ thuận tiện hơn, hạn chế tình trạng tư thương ép giá. Và cũng từ đó, thu nhập của người dân được nâng cao
Theo ngành GTVT, thời gian tới, ngành tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn, tập trung nguồn lực để nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bờ Y- Ngọc Hồi - Plei Ku. Nghiên cứu đề xuất lựa chọn phương án tuyến cao tốc Bờ Y-Đăk Glei – Thạnh Mỹ (tỉnh Quảng Nam) thuộc tuyến cao tốc Bờ Y- Thạnh Mỹ- Đà Nẵng. Tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng các quốc lộ qua địa bàn tỉnh như đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 24, Quốc lộ 24D, Quốc lộ 14C, Quốc lộ 40, Quốc lộ 40B vào cấp theo quy hoạch. Đồng thời, đầu tư xây dựng tuyến tránh đường Hồ Chí Minh đoạn các thị trấn Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Đăk Glei, tuyến tránh Quốc lộ 24 qua thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, qua trung tâm huyện Kon Rẫy,... tạo sự đồng bộ, liên thông với mạng lưới giao thông vận tải của vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng Tây Nguyên và cả nước.
Phúc Nguyên