Cần đẩy nhanh ứng dụng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà trong đó sự ra đời của công nghệ 4.0 đã tác động sâu sắc đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội. Nước ta nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng cũng không thể đứng ngoài cuộc cách mạng này. Nếu chúng ta nắm bắt và ứng dụng thành công các giải pháp công nghệ 4.0 và chuyển đổi số, đây là cơ hội lớn để tạo ra bước bứt phá phát triển nhảy vọt về kinh tế - xã hội.
Kon Tum là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch. Tuy nhiên, hiện nay Kon Tum đang gặp nhiều khó khăn trong ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số còn ở mức khiêm tốn so với cả nước; nguồn nhân lực công nghệ thông tin còn thiếu và yếu; cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn thiếu và lạc hậu; việc ứng dụng trong quản lý nhà nước, vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch, cảnh báo thiên tai, kinh doanh còn nhiều hạn chế.
Do vậy, để giúp tỉnh thoát ra khỏi vùng lõm, lạc hậu về công nghệ thông tin và kinh tế thì không có lựa chọn nào khác là nhanh chóng thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và ứng dụng hiệu quả các giải pháp công nghệ 4.0 và chuyển đổi số.
|
Trong lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng công nghệ 4.0 sẽ giúp hình thành nền nông nghiệp thông minh mang đến cơ hội tối ưu hóa sản xuất, giảm chi phí và tăng cường hiệu suất, nếu chúng ta ứng dụng thành công các giải pháp công nghệ sau: Công nghệ cảm biến và IoT trong quản lý nông trại, đó là sử dụng cảm biến đất, khí tượng, độ ẩm và IoT để theo dõi và đánh giá điều kiện môi trường nông trại. Cung cấp thời gian thực về đất đai, thời tiết và môi trường, giúp người nông dân có quyết định thông minh trong chăm sóc cây trồng và vận hành nông trại; ứng dụng trong phân tích dữ liệu lớn trong dự đoán mùa vụ, đó là sử dụng Big Data để phân tích lịch sử thời tiết, dữ liệu cây trồng và dữ liệu sản xuất để dự đoán mùa vụ và nhu cầu thị trường. Tối ưu hóa lịch trình trồng trọt, giảm rủi ro và tối ưu hóa giá trị thị trường; ứng dụng AI trong chuỗi cung ứng nông sản, đó là sử dụng AI để dự đoán nhu cầu thị trường, quản lý tồn kho và tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Giảm lãng phí, tăng hiệu quả và đảm bảo nguồn cung cấp ổn định; ứng dụng di động, đó là phát triển ứng dụng di động cho nông dân để theo dõi và quản lý nông trại từ xa. Cung cấp thông tin thời gian thực, gửi cảnh báo và cung cấp công cụ quản lý nông trại trực tiếp qua điện thoại di động; ứng dụng quản lý tưới nước tự động, đó là sử dụng cảm biến độ ẩm đất và hệ thống tưới tự động để điều chỉnh lượng nước tưới dựa trên điều kiện thời tiết và nhu cầu cây trồng hợp lý, giúp tiết kiệm nước, giảm chi phí và tăng năng suất; ứng dụng kết nối giữa nông dân với thị trường, công nghệ 4.0 giúp kết nối trực tiếp nông dân với thị trường, giảm môi giới trung gian, từ đó nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp của nông dân trên thị trường.
|
Việc ứng dụng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số sẽ giúp ngành nông nghiệp tối ưu hóa quá trình sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng quản lý, giám sát và dự báo, giải phóng sức lao động cho nông dân, giúp họ giới thiệu sản phẩm, tiếp cận thị trường nhanh và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Cùng với lợi thế nông nghiệp, Kon Tum còn là vùng đất rất giàu tiềm năng về du lịch. Là tỉnh đa sắc tộc, có bề dày và phong phú về văn hóa, lịch sử, nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú hấp dẫn rất phù hợp cho phát triển du lịch. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên giàu có này vẫn chưa được đánh thức và khai thác hiệu quả. Do vậy, việc ứng dụng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số là cơ hội lớn giúp ngành du lịch của tỉnh đưa thông tin, quảng bá các sản phẩm du lịch cho du khách trong và ngoài nước tìm hiểu, trải nghiệm trước khi quyết định đến với thế giới thực.
Trong phát triển du lịch thông minh hiện nay, thì ứng dụng công nghệ 4.0 đóng vai trò vô cùng quan trọng, biến du lịch trở nên thông minh và hiệu quả bằng các ứng dụng cụ thể như: Thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR), là tạo ra trải nghiệm trước khi đến, hướng dẫn tham quan ảo và trải nghiệm du lịch cho du khách trước khi đến với sản phẩm thực; công nghệ AI hướng dẫn, là cung cấp thông tin du lịch và hướng dẫn tùy chỉnh dựa trên sở thích cá nhân của du khách; chatbot và ứng dụng gọi điện tử, là việc cung cấp thông tin và hỗ trợ tư vấn cho du khách qua các chatbot và ứng dụng di động; ứng dụng dịch tự động, là dịch tự động qua ứng dụng di động giúp du khách hiểu nội dung và tương tác với người bản địa một cách thuận lợi; hệ thống đặt phòng trực tuyến, là giúp trải nghiệm đặt phòng thông qua các ứng dụng di động và website; IoT trong quản lý đô thị du lịch, giúp theo dõi thông tin về giao thông, môi trường, an ninh để cải thiện an toàn và quản lý đô thị; ứng dụng Blokchain trong thanh toán nhằm tăng tính an toàn và minh bạch trong các giao dịch thanh toán.
Việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực du lịch đã giúp ngành du lịch khép kín của tỉnh, mở được cánh cửa tiếp cận và thu hút khách du lịch trong và ngoài nước bằng cách quảng bá hình ảnh, văn hóa và sản phẩm du lịch đặc sắc của tỉnh thông qua ứng thành quả công nghệ 4.0.
Như vậy, vai trò và tầm quan trọng của áp dụng công nghệ 4.0 trong thời đại ngày nay đã được khẳng định. Bởi, ứng dụng công nghệ 4.0 đã thực sự mang lại những chuyển đổi tích cực và toàn diện mang tính cách mạng trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch.
Đối với tỉnh ta, việc ứng dụng công nghệ 4.0 thời gian qua đã tạo nên những bước chuyển đổi tích cực có tính đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch, giúp nâng cao năng suất, hiệu quả và tính bền vững của ngành nông nghiệp và du lịch. Trong thời gian tới, việc tiếp tục ứng dụng hiệu quả các thành tựu của công nghệ 4.0 và chuyển đổi số sẽ mang đến cơ hội lớn, mở ra hướng đi mới mang tính đột phá chiến lược để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tương lai, đưa Kon Tum vươn xa trên bản đồ kinh tế số và du lịch bền vững quốc tế.
Nguyễn Ngọc Sơn