Mùa ngũ vị tử
Cứ vào dịp tháng 9, tháng 10, tranh thủ những ngày nông nhàn, người Xơ Đăng ở vùng núi Ngọc Linh huyện Tu Mơ Rông lại rủ nhau vào rừng hái “lộc rừng”- Ngũ vị tử. Đây là một trong những loại dược liệu được thiên nhiên ban tặng cho đồng bào DTTS dưới chân núi Ngọc Linh. Loại dược liệu này đang trở thành đặc sản, giúp bà con có thêm thu nhập, cải thiện đời sống.
Rủ nhau đi hái “lộc rừng”
Ngũ vị tử là một loại dây leo thân gỗ, thường mọc ở khu vực giáp ranh rừng non và rừng già. Quả chín mọc thành từng chùm, chín rộ khoảng tháng 9, tháng 10 hàng năm. Đây là một trong những loại dược liệu quý mà thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất Tu Mơ Rông.
Cuối tháng 9/2023, sau bao lần lỡ hẹn, chúng tôi mới có dịp trở lại mảnh đất Ngọc Lây để cùng người dân đi hái “lộc rừng”- Ngũ vị tử. Thật may mắn, sau bao ngày mưa dầm dề, hôm chúng tôi cùng người dân đi vào rừng hái ngũ vị tử thì trời lại nắng đẹp vì thế, chuyến đi cũng đỡ vất vả hơn. Sau khi đi được 3-4km, tới khu rừng ở thôn Đăk Sia, bỏ lại chiếc xe ngoài bìa rừng, chúng tôi bắt đầu hành trình leo lên đồi cao tìm ngũ vị tử. Dù trời nắng, nhưng do mấy hôm trước mưa nên đường vào rừng vẫn trơn trượt, chúng tôi bám theo anh A Thiên (28 tuổi), A Thương (cùng trú tại thôn Đăk Sia 1, xã Ngọc Lây) và một vài người dân vào rừng đi tìm hái ngũ vị tử. Chúng tôi cố gắng nhanh chân rảo bước cho kịp đoàn nhưng bụng lại lo ngay ngáy vắt, rắn cắn, rồi trượt ngã. Sau khi leo lên quả đồi cao, phát hiện trên cây rừng cổ thụ có ngũ vị tử với vài chùm chín đỏ nhưng vì cây quá cao, lại ít quả nên A Thiên, A Thương quyết định không hái mà đi tìm cây khác thấp hơn, nhiều quả hơn. Thế mới biết, cũng không dễ gì để hái được ngũ vị tử!
Tiếp tục hành trình luồn lách trong khu rừng, A Thiên và A Thương đã phát hiện được cây ngũ vị tử khá sai, nhiều quả chín đỏ. Hai anh mỗi người một cây cùng chiếc gùi sau lưng leo lên cây hái ngũ vị tử. Vừa hái A Thiên vừa kể, vào tháng 9, tháng 10 hàng năm là mùa ngũ vị tử chín rộ nên thường ngày, sau khi ăn vội bữa sáng, rồi chuẩn bị xong cơm nắm (ăn tạm vào bữa trưa), nước uống và các vật dụng cần thiết như bao, gùi, 6 giờ sáng, anh cùng vài người trong làng nhập thành một nhóm bắt đầu cuộc hành trình đi lên rừng hái ngũ vị tử. “Ngũ vị tử rừng ở đây có từ lâu lắm rồi, nhưng trước đây chẳng ai hái đâu, chủ yếu là khi đi rẫy, đi rừng, tiện tay thì hái ăn rồi đem về cho lũ nhỏ thôi. Nhưng, từ vài năm trở lại đây, có thương lái vào tận xã thu mua, thế là từ đó đến nay, cứ đến mùa ngũ vị tử không ai bảo ai, chúng tôi lại rủ nhau đi hái loại “lộc rừng” này. Muốn tìm được những cây to, quả nhiều chúng tôi phải vào sâu trong rừng có độ cao từ 1.200m trở lên”- A Thiên chia sẻ.
Sau gần một buổi sáng đi bộ hái ngũ vị tử, A Thiên, A Thương cũng thu được khoảng hơn 20kg. A Thương chia sẻ: Chúng tôi thường đi thành từng nhóm, khi đến nơi thì chia ra cho dễ kiếm và hẹn địa điểm tập trung tới chiều cùng về. Đường lên núi khó đi, lúc về thì mang thêm ngũ vị tử càng mệt. Vất vả lắm nhưng ai cũng cố gắng kiếm càng nhiều càng tốt để bán lấy tiền lo cho cuộc sống gia đình. Trung bình mỗi ngày, cũng thu được từ 30-50kg. Giá bán dao động từ 10.000 đồng đến 12.000 đồng/kg. Khoản thu nhập được từ mùa ngũ vị tử cũng giúp nâng cao đời sống người dân rất nhiều.
Không riêng gì anh A Thiên, A Thương, cứ tầm tháng 9, tháng 10 năm nào cũng vậy, tranh thủ lúc lúa chưa chín hay khi gặt xong, người dân ở các xã Ngọc Lây, Đăk Na, Tê Xăng, Măng Ri tập hợp thành từng nhóm vào rừng hái ngũ vị tử để lo chuyện ăn, chuyện mặc cho gia đình.
|
Anh A Dũng (ở thôn Mô Bành 1, xã Đăk Na) kể: Trong tháng 9, gia đình tôi thường cùng bà con trong làng vào rừng để tìm quả ngũ vị tử. Ngày xưa, quả nhiều nên mỗi chuyến đi hái quả được cả gùi lớn. Sau này, người dân phải đi sâu trong rừng để tìm kiếm.Nếu gặp những cây lớn, có thể thu về cả tạ. Thương lái đang thu mua với giá 10.000-12.000 đồng/kg. Với giá này, gia đình có thể thu về từ 500.000 đồng đến triệu đồng mỗi ngày.
Anh Dũng vừa cùng người dân đi hái quả, vừa hướng dẫn bà con cách thu hái gắn với công tác quản lý, bảo vệ cây ngũ vị tử và bảo vệ rừng; phối hợp cùng chính quyền địa phương xây dựng thương hiệu cho cây ngũ vị tử. Qua đó, giúp cho bà con thêm nguồn thu từ nguồn lâm sản phụ này.
Đặc sản núi rừng
Ngũ vị tử là thứ quả đặc biệt mà rừng xanh ban tặng cho người dân vùng núi Ngọc Linh. Cho đến nay, trên địa bàn tỉnh ta, ở vùng rừng Tu Mơ Rông mới phát hiện có ngũ vị tử. Theo người dân, loại cây này thường mọc ở giữa khu rừng non và rừng già, nằm ở độ cao từ 1.200m đến 1.600m. Ngũ vị tử ra quả từ khoảng tháng 7, tháng 8 đến cuối tháng 9, tháng 10 cho thu hoạch. Ngũ vị tử kết trái thành từng chùm, khi chín, quả đỏ mọng nước, bóng, có vị ngọt chua, chát.
Đây là một trong những loại dược liệu riêng có của vùng rừng núi Ngọc Linh ở Tu Mơ Rông. Trước đây, người dân chỉ hái ngũ vị tử để “ăn cho vui”, để “làm quà cho mấy đứa nhỏ sau ngày ba mẹ đi rẫy về”. Còn bây giờ, ngũ vị tử ở vùng Tu Mơ Rông đã trở thành đặc sản, được các tiểu thương tìm thu mua ngay tại xã. Loại dược liệu này đã và đang được đồng bào DTTS Xơ Đăng gìn giữ, bảo vệ và tận dụng khai thác để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Ở Tu Mơ Rông hầu hết các xã đều có ngũ vị tử nhưng tập trung nhiều nhất là tại các xã Ngọc Lây, Măng Ri, Tê Xăng và Đăk Na. Vậy nên, người dân ở các xã này đến mùa ngũ vị tử chín là rủ nhau đi hái.
Theo ông Nguyễn Anh Vũ- Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lây, ngũ vị tử được phân bổ đều ở 9/9 thôn, với diện tích khoảng hơn 10ha. Cả xã có khoảng 300 hộ dân đến mùa thu ngũ vị tử họ lại tranh thủ thời gian đi làm rẫy thu hái về bán cho thương lái, doanh nghiệp. Mỗi năm ước tính người dân thu được từ 10-20 tấn. Hiện tại, ngay tại xã có doanh nghiệp và HTX thu mua ngũ vị tử của người dân.
Cũng theo ông Vũ, ngoài 2 đơn vị trực tiếp thu mua thì một số HTX ở ngoài địa bàn cũng tiến hành thu mua ngũ vị tử như HTX dược liệu An Thành cũng thường xuyên thu mua ngũ vị tử trên địa bàn xã để về chế biến ra các sản phẩm.
|
|
Hiện nay, ngũ vị tử chín ngoài để ăn trực tiếp, người ta còn dùng ngâm rượu. Những quả chín tím được ngâm cùng với đường đến khi lên men, rồi lấy nước đó pha với rượu để thành thứ rượu ngũ vị tử đặc sản. Bởi vậy, cho đến hôm nay, từ quả ngũ vị tử rừng vốn “ăn cho vui”, ở Tu Mơ Rông thì một số hộ gia đình, HTX trên địa bàn đã chế biến thành rượu ngũ vị tử, ngũ vị tử lên men, ngũ vị tử khô và làm nguyên liệu để chế biến ra các sản phẩm khác như trà.
Chắc chắn một điều rằng, nếu ai đã từng đến vùng núi Ngọc Linh Tu Mơ Rông, được nếm vị ngọt - ngon - chát của quả ngũ vị tử chín mọng khi mới hái về; được uống ly nước siro dịu ngọt ngâm từ ngũ vị tử rừng sẽ luôn nhớ mãi.
Phúc Nguyên
Theo ông Dương Thái Khoa- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tu Mơ Rông, hiện nay, toàn huyện có khoảng hơn 30 ha cây ngũ vị tử, mọc tập trung nhiều ở khu vực rừng các xã Đăk Na, Ngọc Lây, Tê Xăng, Măng Ri. Hiện, huyện đang có chủ trương khoanh nuôi, bảo vệ, gìn giữ phát triển và khai thác hiệu quả loại dược liệu này trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương.