Vang mãi giai điệu cồng chiêng Plei Lay
Từ bao đời nay, dân làng Plei Lay ở xã Ia Chim (thành phố Kon Tum) luôn gìn giữ, phát huy văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình. Trong làng hiện có nhiều gia đình sở hữu bộ chiêng quý; có nhiều nghệ nhân cồng chiêng tâm huyết và tài năng. Tất cả như “báu vật sống” đang tiếp nối truyền thống, gìn giữ và bảo tồn để cho tiếng cồng chiêng mãi ngân vang.
|
Ngồi trước hiên nhà, anh A Byang- Đội trưởng Đội cồng chiêng xoang làng Plei Lay cẩn thận gỡ bộ cồng chiêng trong giỏ mây ra giới thiệu với chúng tôi. Bộ cồng chiêng có xuất xứ từ nước Lào, đã gắn bó với các thế hệ trong gia đình anh A Byang hơn 100 năm nay. Người mua bộ cồng chiêng là ông nội của anh A Byang, sau đó truyền đến cha anh và giờ đến anh.
Anh A Byang chia sẻ, người Gia Rai ở làng Plei Lay có truyền thống để lại tài sản quý giá nhất của gia đình là căn nhà, đất ở và bộ cồng chiêng cho con trai út. Bởi theo phong tục người dân nơi đây, con trai út luôn là người cùng sinh sống và trực tiếp chăm sóc cha mẹ của mình, còn người con trai cả hoặc con trai thứ khi lập gia đình sẽ được cha mẹ hỗ trợ ra ở riêng. Trong trường hợp gia đình không có con trai thì bộ cồng chiêng được trao lại cho vợ chồng người con gái út, với điều kiện người con rể phải có đạo đức tốt và đam mê cồng chiêng.
Chính vì có phong tục này mà ở làng Plei Lay rất nhiều gia đình có con cái hiếu thảo và các bộ cồng chiêng đều được gìn giữ, truyền tay qua nhiều thế hệ khác nhau.
“Cồng chiêng của Lào khác cồng chiêng của mình nhiều lắm. Nó có màu đen, to và nặng hơn, đặc biệt khi đánh dùi vào, âm thanh phát ra lớn và vang rất xa. Mỗi lần gia đình chúng tôi đem bộ cồng chiêng này ra đánh, người thân ở làng Lung Leng (xã Sa Bình, huyện Sa Thầy) bên kia sông Đăk Bla vẫn nghe thấy được”, anh A Byang tự hào nói.
Để chứng minh cho lời nói của mình, anh A Byang đeo chiếc cồng lên vai rồi đánh cho chúng tôi nghe. Cứ đánh một tiếng, anh A Byang lại lắc lư người và đung đưa chiếc cồng qua lại. Âm thanh phát ra từ chiếc cồng cứ thế to dần và ngân vang xa.
Đặt chiếc cồng xuống rồi cầm từng chiếc chiêng lên lau qua, anh A Byang bộc bạch, cũng khá lâu rồi gia đình anh không sử dụng bộ cồng chiêng này bởi vì nó là tài sản có giá trị lớn của gia đình. Ông nội của anh từng kể, ông phải đổi cả chục con trâu và bò để có được bộ cồng chiêng này.
Hiện nay, cả làng Plei Lay có 24 bộ cồng chiêng thuộc sở hữu của các gia đình và 1 bộ cồng chiêng chung của làng. Trong những bộ cồng chiêng mà các gia đình sở hữu, chỉ có 3 bộ cồng chiêng cổ có xuất xứ từ Lào. Giống như gia đình anh A Byang, các gia đình đều gìn giữ rất cẩn thận và hiếm khi đem ra sử dụng, bởi nếu có chiếc cồng hay chiếc chiêng nào bị hư hỏng hoặc khi đánh dùi vào âm thanh phát ra bị lạc điệu, sẽ rất khó tìm được người chỉnh chiêng.
Ông A Dring- nguyên Đội trưởng Đội cồng chiêng xoang làng Plei Lay, người duy nhất trong làng biết chỉnh chiêng cho biết, ông năm nay 86 tuổi và đã từng chỉnh rất nhiều bộ cồng chiêng, nhưng những bộ cồng chiêng có xuất xứ từ Lào vẫn là thử thách lớn đối với bản thân ông. “Thật sự rất khó để chỉnh chiêng Lào”, ông A Dring giãi bày.
Dù chưa chỉnh được chiêng Lào thành thục nhưng ông A Dring vẫn người am hiểu và đánh cồng chiêng rất điêu luyện. Ông cống hiến rất nhiều cho đội cồng chiêng xoang của làng Plei Lay và truyền dạy cồng chiêng cho nhiều thế hệ thanh thiếu nhi trong làng, trong đó có anh A Byang.
|
Dẫn chúng tôi đến nhà rông của làng Plei Lay, nơi mỗi chiều, sau giờ đi rẫy về, người dân trong làng đều tụ họp vui chơi thể thao và cũng là nơi các thành viên trong đội cồng chiêng xoang làng thường tập luyện, ông A Dring và anh Byang đem bộ cồng chiêng ra biểu diễn cho chúng tôi xem. Dù tiết tấu bài thay đổi nhanh, chậm liên tục nhưng nhịp chiêng của 2 người vẫn đều và hòa quyện với nhau, đôi tay mỗi người thoăn thoắt, thể hiện đúng thần thái của những nghệ nhân cồng chiêng tài năng.
Với bộ cồng chiêng chung của làng, tài sản mà các hộ dân trong làng cùng đóng góp kinh phí để mua về sử dụng, ông A Dring luôn dặn anh A Byang và các thành viên trong đội cồng chiêng xoang, nhất là các thành viên trẻ tuổi phải trân trọng, cất giữ thật chắc chắn và sử dụng thật tốt.
Nối tiếp truyền thống các thế hệ đi trước, đàn ông và thanh thiếu nhi làng Plei Lay luôn nỗ lực tập luyện để đánh cồng chiêng giỏi, qua đó góp phần đưa tiếng tăm về đội cồng chiêng xoang của làng ngày càng lan rộng và được nhiều người biết đến. Thời gian ông A Dring còn là đội trưởng đội cồng chiêng xoang của làng, đội đã đi biểu diễn ở thành phố Kon Tum, thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Còn vừa qua, trong Hội thi cồng chiêng xoang các DTTS xã Ia Chim lần thứ Nhất năm 2022, đội đã xuất sắc vượt qua 8 đội cồng chiêng xoang khác trên địa bàn xã để đạt giải Nhất, qua đó đại diện cho xã tham dự Hội thi cồng chiêng xoang các DTTS cấp thành phố.
|
Ông A Dring và anh A Byang cùng chia sẻ, qua những lần đi biểu diễn và tham gia Hội thi như vậy, các thành viên trong đội cồng chiêng xoang và dân làng đều cảm thấy hãnh diện và tự hào. Mọi người đều rất vui vì truyền thống văn hóa về cồng chiêng của làng Plei Lay ngày càng được gìn giữ và phát huy. Hiện nay, nếu nhắc đến làng Plei Lay, ai cũng đều biết làng có nhiều bộ cồng chiêng quý và nhiều người đánh cồng chiêng giỏi.
Đức Thành