Tự hào Di tích lịch sử chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh
Đăk Tô - Tân Cảnh là địa danh đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng oai hùng của tỉnh Kon Tum. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nơi đây đã từng xảy những trận đánh ác liệt giữa ta và địch, đặc biệt là trận đánh giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh năm 1972… Ngày nay, Di tích lịch sử chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh đã trở thành niềm tự hào về truyền thống đấu tranh của nhân dân các dân tộc Kon Tum và là điểm đến của du khách gần xa khi ghé thăm Kon Tum.
Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tây Nguyên được biết đến là địa bàn chiến lược quan trọng, các nhà quân sự từng đánh giá "Ai chiếm được Tây Nguyên thì làm chủ Đông Dương". Trong đó, Kon Tum là tỉnh nằm ở phía bắc Tây Nguyên án ngữ ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia; nối liền tuyến hành lang Bắc - Nam và tuyến hành lang giữa Đông - Tây Trường Sơn nên càng trở nên quan trọng trong thế địa quân sự, địa chính trị của Tây Nguyên.
Để giữ vị trí chiến lược quan trọng này, đế quốc Mỹ và Ngụy quyền Sài Gòn tập trung xây dựng vùng Bắc Tây Nguyên thành một trong những hệ thống cứ điểm phòng ngự quân sự mạnh mà trung tâm là cụm phòng ngự Đăk Tô - Tân Cảnh.
|
Từ năm 1957 đến năm 1972, Mỹ - Ngụy đã cho xây dựng tại Đăk Tô - Tân Cảnh một hệ thống phòng ngự kiên cố nhất bao gồm Căn cứ E42 ở Tân Cảnh và Căn cứ Đăk Tô 2. Nơi đây là đại bản doanh của Sư đoàn 22, Trung đoàn 42 bộ binh, Trung đoàn 14 thiết giáp, lực lượng Biệt động quân biên phòng và 5 tiểu đoàn pháo binh…
Ở bờ tây sông Pô Kô, cách căn cứ Đăk Tô - Tân Cảnh 10km về phía tây nam là các căn cứ hỏa lực như Căn cứ Sạc Ly (điểm cao 1015), Căn cứ Đal Ta… Dọc theo biên giới Việt Nam - Lào là các tiền đồn biên phòng gồm Tiểu đoàn Biệt động quân 62 (cứ điểm Plei Kleng), Tiểu đoàn 95 (Bến Héc hay còn gọi là Cứ điểm Plei Kần), Tiểu đoàn 88 (Chi khu quân lỵ Đăk Pek) trấn giữ. Đi về phía đông nam có Bộ chỉ huy Lữ đoàn dù số 3, Căn cứ Non Nước, Cứ điểm Măng Đen, Măng Bút… Nơi đây trở thành cụm cứ điểm liên hoàn khép kín của địch ở Bắc Tây Nguyên với lực lượng đông đảo, bố phòng dày đặc và vũ khí tối tân nhất lúc bấy giờ.
Đăk Tô – Tân Cảnh diễn ra nhiều trận chiến quyết liệt giữa ta và địch. Trong đó, nhiều chiến dịch lớn đã diễn ra tại đây như Chiến dịch Đăk Tô I (1967), lực lượng vũ trang Tây Nguyên đã tiêu diệt bộ phận Sư đoàn Bộ binh 4, Sư đoàn kỵ binh không vận số 1 và Lữ đoàn dù 173 của Mỹ tại điểm cao 875; Chiến dịch Đăk Tô II (1969) ta cũng đã tiêu diệt được nhiều sinh lực địch góp phần đánh bại chiến lược chiến tranh cục bộ và kế hoạch “tìm diệt” của Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên; đặc biệt là Chiến dịch Xuân - Hè năm 1972, ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm tại Đăk Tô - Tân Cảnh vào ngày 24/4/1972 và liên tiếp tiêu diệt toàn bộ hệ thống phòng thủ quân sự của địch ở phía bắc Tây Nguyên, giải phóng được trên 4 vạn dân ở các huyện H67, H30, H9, H80, mở rộng vùng giải phóng, tạo thành một căn cứ địa liên hoàn của 3 nước Đông Dương từ Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia nối liền với Kon Tum và căn cứ Khu ủy khu V, giúp bộ đội ta chuyển hướng vận tải từ Tây Trường Sơn sang Đông Trường Sơn, rút ngắn thời gian vận chuyển nhân tài, vật lực, hàng hóa, vũ khí, đạn dược vào chiến trường miền Nam; góp phần quan trọng vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh, đến nay, di tích lịch sử này dù không còn nhiều hiện vật lưu lại nhưng giá trị và ý nghĩa lịch sử của nó mãi mãi trường tồn. Di tích lịch sử chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh đã trở thành địa chỉ về nguồn cho các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Đây là điểm đến ý nghĩa cho những du khách trong nước và quốc tế muốn khám phá, tìm hiểu chiến trường xưa.
Ngày nay, cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư xây hoàn chỉnh nên du khách tham quan Di tích chiến thắng Đăk Tô- Tân Cảnh càng trở nên thuận lợi khi đến với Kon Tum. Khu di tích nằm trên trục đường Hồ Chí Minh, cách thành phố Kon Tum 40km, cách thị trấn Đăk Tô khoảng 1km về hướng tây nam, cách biên giới Việt Nam - Lào khoảng 40km với tổng diện tích 370.500m2 bao gồm khu Căn cứ E42, khu quân sự Sân bay Phượng Hoàng và Sân bay L19. Năm 1992, Di tích được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Thời gian qua, tỉnh Kon Tum và huyện Đăk Tô đã có nhiều nỗ lực trong bảo vệ nguyên trạng khu vực di tích. Điểm trung tâm của di tích là Căn cứ E 42 Tân Cảnh với diện tích 20 ha, tọa lạc trên một ngọn đồi cao 600m so với mực nước biển; 2 điểm di tích Sân bay Phượng Hoàng và Sân bay L19 cũng được đưa vào khu vực khoanh vùng bảo vệ và quy hoạch cắm biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn các điểm du lịch.
Trên phần đất di tích hiện nay là các công trình di tích được tôn tạo như: Nhà bia được xây dựng liền kề với Nhà trưng bày chuyên đề về Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh, đối diện là Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đăk Tô - nơi yên nghỉ của những chiến sĩ cộng sản đã hy sinh trên mảnh đất Đăk Tô trong giai đoạn 1967-1972.
Trên ngã ba đường Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh) và Quốc lộ 40B đi Quảng Nam, nằm ngay thị trấn Đăk Tô là Khu tượng đài chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh xây dựng từ năm 1998, là biểu tượng của tinh thần bất tử quyết chiến quyết thắng của lực lượng vũ trang, Đảng bộ và nhân dân huyện Đăk Tô. Hai bên tượng đài là 2 chiếc xe tăng 377 và 472 trực tiếp tham chiến trong chiến dịch Đăk Tô - Tân Cảnh năm 1972, đây cũng chính là hiện vật gốc được phục chế nhằm phục vụ khách tham quan.
Đến tham quan Di tích chiến thắng Đăk Tô- Tân Cảnh du khách còn có cơ hội được thưởng ngoạn cảnh đẹp sơn thủy hữu tình ở nơi đây. Nằm cách khu căn cứ không xa về phía tây bắc là dòng Pô Kô khởi nguồn từ huyện Đăk Glei đổ về, chạy qua khu căn cứ quân sự Đăk Tô - Tân Cảnh, đổ xuống thung lũng rồi nhập vào dòng Đăk Bla để tạo thành dòng Sê San huyền thoại đổ ra sông Mê Kông. Phía tây nam của di tích là một dãy núi liên hoàn kéo dài đến phía tây của dãy Trường Sơn Tây đã từng đi vào thơ ca như Ngọc Linh Rua, Ngok Bơ Biêng, điểm cao 1015 (đồi Sạc Ly)…
Bao quanh khu di tích chiến thắng Đăk Tô –Tân Cảnh là những bản làng của đồng bào Xê Đăng sinh sống bên cạnh những khu dân cư của người Kinh từ các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Nam lên định cư từ sau năm 1954. Tại đây, bà con đồng bào Xê Đăng vẫn còn bảo tồn những giá trị lịch sử văn hóa đầy nhân văn, bản sắc văn hóa đặc trưng và nhiều câu chuyện cổ được kể lại qua trí nhớ của các cụ già hay nhịp chiêng diễn tấu trong các mùa lễ hội…
Tháng 4/2017, đúng dịp kỷ niệm 45 năm chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh, di tích lịch sử này trở thành điểm di tích lịch sử đầu tiên ở Tây Nguyên được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt. Hiện, di tích lịch sử cũng đã được ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum tham mưu với UBND tỉnh xin chủ trương lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt.
Hy vọng, sau khi di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh tiếp tục được bảo tồn, tôn tạo sẽ kết nối tuyến du lịch cột mốc 3 biên với các điểm du lịch, tuyến du lịch, tour du lịch của các địa phương trong tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia; đồng thời kết nối với các di tích lịch sử cách mạng khác trên địa bàn tỉnh hình thành tour du lịch về nguồn đầy ý nghĩa.
Tú Quyên – Bình Vương