Tiếng hát bên đập Mùa Xuân
Sau ngày giải phóng miền Nam, Quân khu 5 đã quyết định đầu tư xây dựng đập Mùa Xuân (còn gọi là đập Đăk Uy) nhằm giúp người dân địa phương có nguồn nước tưới, phục vụ sản xuất. Đây là công trình thủy lợi lớn nhất Kon Tum lúc bấy giờ được dựng xây bằng mồ hôi, công sức của "Bộ đội Cụ Hồ" như một món quà tri ân với những người dân đã hết lòng nuôi giấu, chở che bộ đội và góp phần hồi sinh "vùng đất chết" bởi bom đạn chiến tranh. Đến hôm nay, bài ca lao động ngày ấy vẫn còn âm vang mãi…
Chuyện kể từ một người con trai xứ Bắc, vào thăm người thân, nghe tiếng đập Mùa Xuân nên tìm đến chơi, ngờ đâu số trời run rủi, ở ngôi làng nép bên lòng hồ Đăk Uy, gặp gỡ và bén duyên với cô gái có tên gọi thân thương - Thương, nên quyết định ở lại lập nghiệp. Cuộc sống của họ cứ thế yên bình và hạnh phúc bên đập Mùa Xuân lộng gió, hiền hòa cho đến nay.
|
Người con trai xứ Bắc ấy chèo thuyền đưa chúng tôi đi thăm chơi hồ. Dưới ánh hoàng hôn, lòng hồ loang loáng nước, phản chiếu bóng dáng những thôn, làng trù phú, vài chiếc thuyền độc mộc đang thảnh thơi trở về sau một ngày buông lưới. Sóng nước lòng hồ rì rào vỗ vào mạn thuyền như đang kể lại những câu chuyện ngày khai bờ đắp đập…
Đã mấy chục năm trôi qua, đập Mùa Xuân vẫn là một trong những nhân tố quyết định sự trù phú của vùng đất Đăk Hà anh hùng. Được dòng nước mát từ đập Mùa Xuân vỗ về, tưới tắm, những vùng chuyên canh lúa nước, cà phê hình thành, phát triển, đem lại cuộc sống no ấm cho hàng chục nghìn hộ gia đình. Không chỉ vậy, đập Mùa Xuân còn góp phần ổn định môi trường, điều tiết nước, tạo cảnh quan đẹp, đem lại nguồn lợi nuôi trồng thủy sản lớn cho người dân sinh sống quanh vùng hồ.
Theo nhiều người kể lại, ý tưởng xây dựng đập Mùa Xuân được hình thành từ năm 1975, nhưng theo lời kể của cố Thiếu tướng Đoàn Y Thanh (mất năm 2016 tại Quảng Ngãi), người chỉ huy thi công đập, thì ý tưởng xây dựng một đập thủy lợi tại vùng đất này đã có từ trước giải phóng (năm 1973).
Trong hồi ký, ông đã viết: Năm 1973, Kon Tum mới giải phóng một số nơi, nhưng trên cục diện chúng tôi biết sẽ đến ngày chiến thắng nên vừa chiến đấu, quân đội vừa bắt tay vào sản xuất. Và chúng tôi xác định xây dựng kinh tế trong hòa bình phải có cơ sở hạ tầng, phục vụ sản xuất và đời sống. Phải hướng đồng bào tới một nền sản xuất lớn hơn chứ không chỉ "phát, đốt, chọc, trỉa”, tức phải làm lúa nước và cây công nghiệp. Công trình thủy lợi Đăk Uy được xây dựng từ chủ trương đó.
Ngày 22/12/1975, trước sự chứng kiến của hàng chục ngàn chiến sĩ và nhân dân trong vùng, công trình thủy lợi Đăk Uy được khởi công. Theo yêu cầu nhiệm vụ, Đoàn kinh tế 331, đơn vị chủ lực thi công đập, được trang bị 10 máy cạp Mỹ, 8 máy cạp Nhật; cần cẩu có sức nâng 20 tấn; máy ủi Ko-ma-su, T100, ĐT75; máy đầm chân đê, xe trộn bê tông tự hành; xe vận tải GMC... Có thể nói, để xây dựng đập Đăk Uy, Quân khu 5 đã tập trung một lực lượng mạnh với trang thiết bị hiện đại, đủ sức thi công những công trình thủy lợi lớn nhất Tây Nguyên thời bấy giờ.
Trong ký ức của Anh hùng lực lượng vũ trang A Tranh - Bí thư chi bộ đầu tiên của xã Đăk Ui, từng tham gia xây dựng đập, đó là những ngày gian khổ nhưng hào hùng. Lúc này, bản làng rất thưa thớt, đâu đâu cũng đói rét. Lao động nặng nhưng mỗi người một ngày chỉ có vài lạng gạo, có lúc bo bo, bắp, khoai lang trừ bữa; thực phẩm chỉ có cá khô, nước mắm, rau cũng thiếu. Đã có nhiều người tử vong vì sốt rét. Rồi trong khi rà phá, đào cuốc có người bị trúng bom mìn, rắn cắn, lũ cuốn...
Để đẩy nhanh tiến độ thi công, Quân khu 5 chỉ đạo Đoàn kinh tế 331 mở chiến dịch "Ba mươi tháng Tư toàn thắng”. Một không khí thi đua bùng lên sôi nổi chưa từng thấy. Quân khu điều thêm các Đoàn kinh tế 332, 352 đến tiếp sức; bổ sung thêm xưởng sửa chữa xe máy, bộ phận thông tin, bộ phận quân y và Trung đoàn công binh 270. Vướng mắc về trang thiết bị, nhiên liệu, hậu cần được giải quyết kịp thời; những cá nhân, đơn vị vượt khối lượng, thời gian, đảm bảo chất lượng được tuyên dương tại công trường…
|
Đêm đêm, dưới ánh sáng máy phát điện của Đoàn kinh tế 332, tiếng máy cạp, máy ủi, tiếng hò khoan, hò đối đáp nam nữ, tiếng đầm đất nhịp nhàng của hàng ngàn chiến sĩ làm kênh mương vang động góc trời phía bắc thị xã Kon Tum. Làm ca đêm, không có một chế độ bồi dưỡng nào, nhưng không ai kêu ca, phàn nàn; nhiều người ngủ ngay tại đập, sáng mai kẻng đánh dậy tập thể dục, ăn cơm với cá mực khô rồi đi làm luôn. Mỗi ngày, công trình mỗi mở ra, bề thế hơn, khang trang hơn.
Đúng ngày 30/4/1977, đập chính dài 680m, cao 34m, chân đập rộng 270m, mặt đập 6m, 10 cây số kênh chính (kênh cấp I) và 49 công trình trên kênh, cầu máng, tràn xả lũ đã hoàn thành, kịp chào mừng ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam (30/4) và mừng sinh nhật Bác Hồ kính yêu (19/5). Ngày vui, nhưng nước mắt cứ lăn dài trên những khuôn mặt nhiều người. Bởi để hoàn thành công trình đại thủy nông này, 186 chiến sĩ đã phải nằm lại vì bệnh tật, vì sốt rét rừng, vì bom mìn…
Sau lễ khánh thành đập chính, Đoàn kinh tế 331 tiếp tục xây dựng các công trình: kênh máng, cửa cống, tràn xả lũ và triển khai xây dựng cánh đồng lúa nước. Máy ủi, máy cày san lấp đến đâu, bộ đội tay cuốc, tay rựa đào gốc cây, đắp bờ vùng, bờ thửa đến đó. Chỉ sau 1 tháng, cánh đồng rộng 5ha đã hoàn thành. Đoàn kinh tế 331 cử người tìm mua giống lúa mới và ra tận tỉnh Thái Bình tuyển dụng quân nhân là các thợ cấy đưa vào.
Cùng với việc mở cánh đồng trồng lúa nước, bộ đội “anh Thanh” còn đẩy mạnh vận động bà con ở các làng xung quanh làm theo. Đây cũng là việc khó, bởi từ xa xưa, bà con đã quen với làm lúa rẫy, với chuyện phát đốt chọc trỉa, làm gì biết chuyện be bờ, dẫn nước, làm đất, gieo cấy…
Trong hồi ký Như núi như sông (NXB Văn học), Anh hùng lực lượng vũ trang A Tranh kể lại: Với sự bền gan vận động của chính quyền, của cán bộ, sự gương mẫu đi đầu của những đảng viên, và nhất là khi thấy 5ha lúa nước của bộ đội trồng cho năng suất cao gấp nhiều lần so với làm lúa rẫy, bà con đã thay đổi suy nghĩ và làm nên một cuộc cách mạng trên đồng ruộng: khắp nơi đều đua nhau làm lúa nước. Từ chỗ không làm lúa nước đến việc chỗ nào dẫn được nước là làm. Những cánh đồng lúa nước cứ mở rộng, cứ trải dài mãi, quanh năm xanh tốt.
Cuối năm 1979, Trung tướng Chu Huy Mân - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị vào làm việc và xuống thăm đập. Đồng chí Chu Huy Mân đã xúc động nói: từ đây cuộc sống sẽ sinh sôi, no ấm, hãy đặt tên đập Mùa Xuân.
Tên gọi đập Mùa Xuân bắt đầu từ đấy!
Đúng như mong ước của Trung tướng Chu Huy Mân, qua mấy mươi năm, công trình thủy lợi này đã góp phần đem lại sự hồi sinh trên vùng đất bị bom đạn Mỹ tàn phá, hủy diệt trong chiến tranh; tiếp tục góp phần làm cho cuộc sống sinh sôi, nảy nở như cây cối đâm chồi, nảy lộc vào mùa xuân trên vùng chiến trường xưa.
Chiều đi bên đập Mùa Xuân, từng thanh âm của câu hát: “Mùa xuân ơi, hồ mùa xuân. Ta mơ làm dòng nước mát chảy theo dòng kênh xa, cho màu xanh thức dậy khắp núi đồi bao la. Mùa xuân ơi, hồ mùa xuân, ta nghe từ dòng nước mát hương lúa thơm ngào ngạt, hương cà phê tỏa ngát khắp Đăk Hà quê ta...” (“Hát bên đập Mùa Xuân của tác giả Phan Gia Bửu) cứ vang vọng, khiến lòng tôi cũng rộn rã niềm vui trước sự đổi thay trù phú của vùng đất một thời từng bị bom cày đạn xới.
Bài, ảnh: Sông Côn