Thơm ngon rượu cần Y Thơi
Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp về thôn 7 (xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy) thăm Tổ hợp tác “Phụ nữ DTTS trồng lúa nếp than và sản xuất rượu cần nếp cẩm” của chị Y Thơi. Sản phẩm rượu cần Y Thơi hiện đã đạt 3 sao cấp tỉnh, là một trong những sản phẩm OCOP tiềm năng từ nghề truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.
Chị Y Thơi là người sáng lập và hiện là Tổ trưởng của Tổ hợp tác “Phụ nữ DTTS trồng lúa nếp than và sản xuất rượu cần nếp cẩm”. Căn nhà của chị được đặt làm trụ sở của Tổ hợp tác, nơi thu mua nếp than của các thành viên và bà con trong vùng để làm rượu.
Mời chúng tôi vào nhà, chị Y Thơi giới thiệu căn phòng nơi thực hiện các công đoạn ủ và lên men rượu. Từng ghè rượu lớn, nhỏ được sắp xếp ngay ngắn đẹp mắt. Các bao nếp than mới thu hoạch cũng được chị đóng bao bảo quản kỹ càng. Mùi men rượu nếp đang ủ phả ra thơm nồng cả căn phòng, sực vào mũi làm chúng tôi tò mò về “bí quyết” của loại rượu đặc biệt này.
|
Chọn một ghè rượu đã ủ lâu ngày, chị Y Thơi dùng ống nhựa hút rượu từ ghè ra ly mời chúng tôi thưởng thức. Rượu có màu tím đậm, có mùi thơm, vị ngọt nhẹ, tự nhiên, pha chút đắng rất đặc trưng. Theo chị giải thích, nếp cẩm còn được gọi là nếp than, có tới hai loại là than lợt (màu đỏ đậm) khi nấu rượu sẽ thành màu đỏ và than đen (màu tím đen) khi nấu rượu sẽ thành màu tím đậm. Loại nếp mà Tổ hợp tác của chị trồng là than đen nên sẽ nấu ra loại rượu màu tím đậm đặc trưng.
“Loại rượu này rất dễ uống như nước ngọt, tưởng chừng không say nhưng lại có “độ” không hề nhẹ, nếu không cẩn thận sẽ say lúc nào không biết” – Y Thơi vui vẻ chia sẻ.
Nhấp một ngụm rượu để chung vui cùng khách, chị Y Thơi bắt đầu chia sẻ cái duyên đưa chị đến với nghề nấu rượu. Chị kể rằng, được cha mẹ truyền nghề, khi còn là thiếu nữ chị đã ủ được những ghè rượu thơm ngon có tiếng trong vùng. Lớn lên, chị tiếp tục làm rượu để phục vụ bà con trong làng, dùng trong gia đình, nhất là trong các dịp lễ hội, dưới mái nhà rông chứ chưa bao giờ nghĩ đến việc làm rượu để bán.
Qua thời gian, tiếng tăm của loại rượu đặc trưng tại vùng đất này được lan truyền, nhiều người biết đến và có nhu cầu đặt mua nhiều. Nhận thấy lợi ích về kinh tế, lại được sự vận động của địa phương, dân làng nên vào năm 2016, Y Thơi bắt đầu làm rượu để bán. Ban đầu làm ra số lượng ít nên lúc nào cũng “cháy hàng”.
Thấy công việc ý nghĩa lại có lượng khách hàng ổn định, cho thu nhập tốt nên vào năm 2018, Y Thơi mạnh dạn vay 30 triệu đồng (do Hội LHPN xã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện) để khởi nghiệp từ nghề truyền thống. Với số tiền vay được, chị Y Thơi đầu tư mua ghè và thu mua nếp than của bà con trong xã đem về xay xát để làm rượu. Tuy nhiên, thời gian đầu, lượng nếp than của bà con cung cấp luôn thiếu, không đủ để làm rượu đáp ứng nhu cầu của khách ngày một tăng cao.
|
Với mong muốn mở rộng mô hình để phát triển bền vững, tăng thêm thu nhập cho bà con, cuối tháng 7/2019, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, chị Y Thơi đã thành lập Tổ hợp tác “Phụ nữ DTTS trồng lúa nếp than và sản xuất rượu cần nếp cẩm”. Ban đầu Tổ hợp tác có 8 thành viên, hỗ trợ các chị em trong thôn có hoàn cảnh khó khăn trồng nếp than và cùng làm rượu cần để bán. Các thành viên ngoài trồng nếp than còn chịu trách nhiệm tìm nguyên liệu rừng về để làm men, hỗ trợ trong một vài công đoạn để ra sản phẩm rượu ổn định, đảm bảo chất lượng, uy tín cho người dùng.
Hiện nay, Tổ hợp tác của chị Y Thơi đã có tổng cộng 10 thành viên với diện tích nếp than trồng được khoảng 4,5ha (riêng chị Y Thơi trồng 1,5 ha). Loại nếp than được trồng lấy từ giống địa phương, được trồng riêng đảm bảo tạo nguồn thuần chủng. Mỗi năm, các thành viên chỉ trồng một vụ kéo dài 6 tháng, thu hoạch vào tháng 11 hằng năm.
Chia sẻ về công đoạn làm rượu, chị Y Thơi cho biết, những hạt nếp được mang từ rẫy về được lựa chọn, sàng lọc kỹ càng, đảm bảo hạt đầy đặn, tròn, dài. Gạo nếp được lọc sạch trấu, nấu lên thành cơm, sau đó để nguội rồi được trộn với bánh men làm từ vỏ và rễ của cây rừng. Hỗn hợp cho vào ghè để ủ được nén thật chắc, kín miệng, được bảo quản nơi khô, thoáng, trong khoảng 2 tuần là có thể sử dụng được.
“Để làm ra một ché rượu thơm ngon ưng ý thì rất tốn công, đặc biệt là công đoạn làm men, tùy loại gạo mới, cũ mà thêm tỉ lệ cho phù hợp. Tôi đã dùng những kinh nghiệm làm rượu của người xưa, kết hợp với thử nghiệm, cải tiến một số công đoạn để rượu phù hợp và dễ sử dụng, thơm ngon hơn. Rượu làm ra phải dễ uống, không quá nồng nhưng phải đảm bảo đủ các vị cơ bản như đắng, ngọt, hơi chát và chút mùi thơm, bổ dưỡng để già trẻ, trai gái đều có thể uống” – chị Y Thơi chia sẻ.
|
Hiện nay, sản phẩm rượu cần Y Thơi hiện đã đạt 3 sao cấp tỉnh, là một trong những sản phẩm OCOP tiềm năng từ nghề truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện. Rượu cần Y Thơi còn được quảng bá rộng rãi trên các kênh của facebook, zalo được rất nhiều người biết đến và đặt mua. Đây là mô hình thiết thực giúp đỡ hội viên, phụ nữ trên địa bàn tham gia khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, góp phần giảm nghèo bền vững.
Những ngày cuối năm, chị Y Thơi lại tất bật với các đơn hàng được khách đặt mua để sử dụng tết. Rượu của chị có đủ các loại từ ghè 4-25 lít, với giá bán từ 250 – 900 nghìn đồng, mỗi năm trung bình chị bán khoảng 100 ghè cho thu nhập 20 – 30 triệu đồng. Ngoài các thành viên trong Tổ hợp tác, nhiều thành viên khác trong thôn muốn học cách ủ rượu đều được chị hướng dẫn, hỗ trợ.
Từ niềm đam mê hương vị rượu cần truyền thống, chị Y Thơi đã trở thành tấm gương phụ nữ điển hình khởi nghiệp thành công của xã Đăk Tơ Lung và góp phần bảo tồn những nét đẹp mang giá trị truyền thống của người dân nơi đây. Chị còn rất nhiều dự định đang ấp ủ để đưa sản phẩm của mình “vươn xa”, và hơn hết là giữ gìn và lan tỏa được nét đẹp của các sản phẩm truyền thống của người Tơ Đrá.
“Là một người con của núi rừng, tôi rất tự hào về món rượu cần của người Tơ Đrá chúng tôi. Vì vậy, tôi luôn mong muốn gìn giữ và truyền nghề cho bà con, nhất là thế hệ trẻ để vừa giữ gìn nét đẹp văn hóa đặc sắc, lan tỏa những giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc mình, vừa có thể trở thành nghề để nuôi sống bản thân” – chị Y Thơi tâm tình.
Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Địa – Phó Bí thư Đảng ủy xã Đăk Tơ Lung cho biết: “Rượu cần Y Thơi được làm hoàn toàn bằng tự nhiên, rất tốt cho sức khỏe và được người dân, du khách ưa chuộng. Đây còn là sản phẩm điển hình của địa phương trong vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của đồng bào Xơ Đăng nơi đây. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển rượu cần Y Thơi và khuyến khích các hộ khác làm theo để tạo thành thương hiệu trên địa bàn”.
Hoàng Thanh