Thổi hồn vào tượng gỗ
Chỉ với rìu, dao, đục, bằng đôi bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú, nghệ nhân A Bình ở làng Đăk Rô Gia, xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô) đã “biến” những khúc gỗ vô tri thành những bức tượng mang cảm xúc, thể hiện nhịp sống sống động, gần gũi trong sinh hoạt hàng ngày của người Xê Đăng.
59 tuổi, với “thâm niên” tạc tượng gỗ hơn 41 năm nên chỉ cần nhìn vào khúc gỗ thô, trong đầu già A Bình đã hình dung ra được phải đục, đẽo như thế nào. Ấy thế nhưng, mỗi lần mang một gốc gỗ về, nghệ nhân A Bình vẫn dành nhiều thời gian để ngắm nghía, hình dung rồi mới mày mò “sáng tác”.
“Làm một bức tượng gỗ đã khó nhưng để bức tượng đó toát lên phần hồn, ý nghĩa càng khó hơn. Nhiều lúc phải trăn trở nhiều lắm, bởi mình phải suy nghĩ làm sao để tác phẩm đó dung dị, gần gũi với đời thường, chứ không thể biến khúc gỗ thành một hình tượng không hồn” – già A Bình chia sẻ.
Với già A Bình, một người tạc tượng giỏi không phải làm nhiều tượng mà thể hiện ở sự khéo léo, để mỗi bức tượng toát ra thần thái, ý nghĩa. Bởi vậy, không quá coi trọng và chạy theo số lượng hay thời gian, già A Bình tập trung trí lực vào sáng tác, khắc họa để mỗi bức tượng toát lên được phần hồn.
|
Với trí tưởng tượng, sáng tạo phong phú, già A Bình có thể làm nhiều hình tượng khác nhau. Song chia sẻ với chúng tôi, người nghệ nhân tài hoa nói rằng, ông vẫn thấy say mê với việc đẽo hình chim gỗ treo trên cây nêu trong các lễ hội mừng lúa mới theo phong tục của người Xê Đăng và tạc những bức tượng để trước nhà rông, nhà mồ…
“Đến nay, trong làng, trong xã, tất cả các bức tượng trước nhà rông đều do già A Bình tạc cả. Mỗi bức tượng già làm đều giản dị, bình thường, phù hợp với đời sống của người Xê Đăng” – anh A Hiếu, cán bộ văn hóa xã Đăk Trăm nói.
Già A Bình dẫn chúng tôi ra nơi đặt khúc gỗ tạp phía sau nhà để trổ tài. Ông ngắm nghía khúc gỗ sần sùi bởi tác động của gió, của nắng, của mưa rồi bảo: Thông thường tượng tạc trên gỗ dổi mới bền, mới chắc và chịu được sự tác động của gió, mưa, nắng. Với cây gỗ tạp này thì khó tạc lắm, những người không có kinh nghiệm, kĩ thuật không tạc được đâu, phải cẩn thận nếu không là vỡ, nứt ngay.
Với kinh nghiệm dày dạn của mình, không vội vàng, già A Bình cứ từ từ sử dụng bút khắc họa từng đường nét, ý tưởng rồi mới dùng rìu, dùng đục thể hiện.
Dưới ánh nắng ban mai, già A Bình cứ thong thả vừa suy nghĩ, vừa sáng tạo tác phẩm theo kiểu riêng của mình. Vừa làm, già vừa kể đủ chuyện về tạc tượng từ ngày xưa cho đến bây giờ.
Già bảo rằng, ngày nay, dù máy đục, máy cắt, cưa… rất hiện đại nhưng già không bao giờ sử dụng mà chỉ sử dụng rìu, dao, đục để tự chế tác nên một tượng gỗ. Với già, làm thủ công vất vả hơn, tốn thời gian nhưng chính điều đó sẽ giúp nghệ nhân tạc tượng thêm kiên nhẫn, chú tâm vào từng đường nét, tỉ mỉ từng li từng tí. Và cũng chính làm bằng các vật dụng thô sơ, các tác phẩm mới toát lên được nét thô mộc vốn có, thể hiện được bản sắc văn hóa trong đời sống tinh thần của người Xê Đăng.
Dày dạn kinh nghiệm với việc làm tượng gỗ nhưng già A Bình vẫn bảo rằng việc tạc tượng chẳng hề giản đơn. “Mỗi một người sẽ tạc tượng theo cảm nhận và sự sáng tạo của riêng mình nhưng phải thoát ra và đừng bị ràng buộc bởi khuôn mẫu. Nếu ai bị theo khuôn mẫu thì các tác phẩm chỉ có một màu và rất gượng ép” – già nói.
Và đặc biệt già khẳng định rằng, tạc tượng gỗ rất khó, yêu cầu người tạc phải có sức sáng tạo, mắt quan sát và hơn hết phải kiên nhẫn. Bởi theo già, đây là một trong những việc yêu cầu tính tỉ mỉ, phải khắc họa chi tiết vào ánh mắt, khuôn mặt, mũi, miệng… nếu ai không kiên trì, rất khó để làm.
Chính vì am hiểu về tượng gỗ, kinh nghiệm hơn nửa đời người làm tượng, hơn nữa vì sức sáng tạo, tâm huyết với từng bức tượng nên nghệ nhân A Bình luôn rinh giải lớn trong các cuộc thi tạc tượng.
Già bảo rằng, giải thưởng có ý nghĩa khích lệ, động viên nhưng với già sản phẩm thể hiện được thần thái, cảm xúc, và mọi người hiểu được ý nghĩa là điều khiến già vui nhất.
Các giải thưởng được rinh về với niềm tự hào của cả làng, cả xã và của già A Bình. Ấy thế nhưng, tâm sự với chúng tôi, già A Bình lại buồn trầm ngâm: Mình cũng lớn tuổi rồi mà lớp kế cận chẳng mấy ai chịu học tạc tượng. Kiểu này rồi cũng mai một hết thôi.
Già bảo, tạc tượng gỗ chỉ để phục vụ đời sống tinh thần và giữ lại nét văn hóa truyền thống chứ không đem lại hiệu quả kinh tế nên chẳng mấy ai mặn mà. Gỗ ngày càng hiếm dần, các lễ hội văn hóa cũng thưa thớt hơn, mỗi năm người dân chỉ cần những hình tượng chim muông và một vài bức tượng đặt trước nhà rông. Và những lần như thế, người tạc tượng như già A Bình chỉ nhiệt tình giúp đỡ, tạc tượng cho dân làng mà không lấy tiền.
Có lẽ vì không đem lại thu nhập, hơn nữa việc đục đẽo không dễ dàng nên nhiều người theo học rồi cũng bỏ dở giữa chừng. “Hiện tại, chỉ có 1 người theo mình học nghề thôi, nhưng cũng chỉ biết làm sơ sơ chứ chưa thạo. Chỉ cần thế hệ trẻ muốn học, mình sẽ cố gắng truyền dạy” – nghệ nhân A Bình nói.
Trời về trưa, tác phẩm của già A Bình vẫn chưa thành hình. Người nghệ nhân già vẫn tiếp tục đục, đẽo, làm bức tượng với tất cả niềm đam mê của mình. Với già A Bình, dù lớn tuổi nhưng tình yêu, niềm say mê với làm tượng gỗ không bao giờ già đi cùng thời gian. “Mình tự hào vì mình giữ được truyền thống của dân tộc, mình sẽ tiếp tục giữ gìn đến khi nào còn có thể” - già A Bình chia sẻ…
Bình An