Thăm lại những địa chỉ đỏ
Đầu tháng 7, theo chân những người lính năm xưa, chúng tôi đi thăm một số cơ sở bí mật giữa lòng địch ở thị xã Kon Tum (nay là thành phố Kon Tum) trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Những địa chỉ đỏ ngày ấy nay đã trở thành các dãy nhà san sát nhau, sầm uất, nhộn nhịp, nhưng trong kí ức của các cán bộ, đội viên, nhân viên và cơ sở của H5, những địa chỉ này mãi là chứng tích đáng nhớ, một thời giúp bộ đội ta chiến đấu, làm nên những chiến công oanh liệt.
Đứng trước tiệm may Phong số 365 đường Trần Hưng Đạo, bà Bùi Thị Tưởng – cán bộ cơ sở H5 ngày ấy bỗng nhiên chựng lại, xúc động: “Nơi này ngày trước là nhà của tôi đấy. Chính nơi đây đã góp phần làm nên bao chiến công của bộ đội ta”.
Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất năm 1960, Tỉnh ủy Kon Tum chủ trương xây dựng thị xã Kon Tum lấy Trung Tín làm bàn đạp, Phương Quý làm hành lang để tiến tới xây dựng ở Trung Lương thành căn cứ lõm nội thị. Và cách đây hơn 50 năm về trước, tiệm may Phong bây giờ là quán giải khát Cao Nguyên - một trong những cơ sở vùng lõm được xây dựng nằm trong lòng địch. Nửa thế kỉ qua đi, cảnh vật có sự thay đổi lớn, đường sá được trải nhựa, sầm uất nhưng chỉ cần đi qua khu vực này, trong kí ức của cô chủ quán giải khát ngày ấy – Bùi Thị Tưởng, mọi thứ từ vị trí đường hầm, cái bàn, tấm ghế đều nguyên vẹn.
Ngày ấy, quán Cao Nguyên to, rộng, thoáng mát, là một trong những điểm đến giải khát lý tưởng của địch. Đến nỗi, người ta vẫn bảo nhau rằng, chưa đến quán Cao Nguyên coi như chưa đặt chân đến Kon Tum. “Quán này được đầu tư nới rộng không phải chỉ để kinh doanh đâu, tất cả đều nằm trong chiến lược, kế hoạch của Ban cán sự H5 hết đấy” – bà Tưởng nhớ lại.
Giác ngộ cách mạng, theo chiến lược của Ban cán sự H5, năm 1966 gia đình bà Tưởng mở rộng quán giải khát Cao Nguyên. Theo lời bà Tưởng, quán mở ra một phần để thu hút sĩ quan ngụy đến uống nước, nói chuyện, từ đó thu thập các thông tin bí mật; phần khác, Ban cán sự muốn “biến” quán thành nơi tập trung đông người, thành cơ sở để đưa cách mạng từ khu trù mật Trung Tín về đây ở một cách hợp pháp, tiện cho việc theo dõi, nắm bắt tình hình của địch.
Quán được mở rộng, Ban cán sự H5 liền đưa đoàn viên thanh niên vào chạy bán, phục vụ để nghe ngóng thông tin của địch. Điều đáng nói, phía trên là quán giải khát nhưng phía dưới là hệ thống hầm bí mật được chuẩn bị kĩ lưỡng để nuôi cán bộ, giấu vũ khí…
Và đúng theo chiến lược của Ban cán sự, quán giải khát Cao Nguyên nhanh chóng thu hút đông đảo lính ngụy đến uống nước, bàn chuyện. Dạo ấy, cùng với các đoàn viên trong quán, theo lệnh của cấp trên, bà Tưởng vừa tìm hiểu, nắm thông tin của địch, dò các đợt hành quân, địa điểm, thời gian rồi bí mật vào khu trù mật Trung Tín báo cho Ban cán sự.
“Có những đợt tôi đem quần áo ra khu trù mật cho Bí thư Ban cán sự H5 – Trần Thanh Dân và Phó Ban cán sự H5 – Nguyễn Thế Vũ ngụy trang thành người dân vào quán, vừa ở lại, vừa nghe ngóng thông tin. Bọn địch cứ nghĩ rằng, giữa vòng vây của mình, bộ đội sẽ không dám vào, nhưng chúng không ngờ được, suốt một thời gian dài, cơ sở này đã nuôi giấu được rất nhiều cán bộ. Và cũng chính nơi đây, những thông tin về các trận đánh, lực lượng, đồn bốt của địch đều được liên lạc của ta nắm bắt, truyền về đơn vị nhanh chóng, kịp thời” – bà Tưởng nói.
|
Rời cơ sở quán giải khát Cao Nguyên nổi tiếng một thời, dẫn chúng tôi về phía ngôi nhà của mình ở số mới 443 Trần Hưng Đạo, vừa rót ngụm nước trà nóng, bà Tưởng vừa bảo: Chỗ này ngày trước cũng là cơ sở trong căn cứ lõm Trung Lương. Cùng với quán Cao Nguyên, gia đình tôi đào hầm bí mật, hầm công khai tại điểm này và 13B Cường Để (bây giờ là đường Trần Bình Trọng). Và tại cơ sở nào, bộ đội ta cũng được ngụy trang kĩ càng, hoạt động trong suốt thời gian dài.
Rời nhà bà Tưởng, chúng tôi đến chùa Trung Khánh cũng là một trong những cơ sở điểm được xây dựng nên. Ngày ấy, cán bộ ta cải trang thành những chú tiểu, những người ở quê lên để sống hợp pháp trong chùa, đào hầm, “lót ổ” trong lòng địch. Bây giờ lối đường hầm ngày xưa đã được xây dựng nền móng nhưng bà Tưởng vẫn nhớ như in từng đường đi lối lại. Chỉ tay lên phía bồn nước đã được sơn vàng phủ lớp rêu phong, bà Tưởng bảo: Tại bồn nước này, ngày xưa bộ đội ta đã đứng lên đây để nắm địa hình của địch. Bộ đội ta cũng đã lên kế hoạch đưa Bí thư Tỉnh ủy vào hoạt động tại cơ sở điểm này.
Không chỉ có các căn cứ trong nội thị, tại ấp Trung Tín ngày trước – nơi bị địch biến thành khu trù mật, tạo tuyến phòng ngự, bảo vệ tuyến bắc và tây bắc thị xã Kon Tum cũng có rất nhiều cơ sở nuôi cách mạng của ta. Ông Phan Đình Bảo, một trong những người từng hoạt động trong H5 nhớ lại: Hồi đó địch đưa dân ra khu trù mật này và đinh ninh rằng khi thấy cách mạng, dân sẽ báo cho chúng biết. Nhưng chúng đã sai lầm và không ngờ rằng, tại ấp Trung Tín, đa số người dân chúng tôi đều hoạt động cách mạng bí mật.
Ngày ấy, nhà bà Huỳnh Thị Quán (bà nội ông Bảo) (bây giờ là Trường Mầm non Hoa Sữa, phường Ngô Mây) cũng là căn cứ nuôi giấu bộ đội. Trong khoảnh vườn nhà bà Quán, xung quanh đều được đào hầm bí mật. “Lúc đó, tôi mới 13 tuổi thôi nhưng làm cảnh giới rất nhanh nhẹn. Nghe theo lệnh, tôi cứ chạy xung quanh nhà, quanh hầm, hễ thấy địch là báo cho bà nội, báo cho cán bộ dưới hầm ngay. Nhờ vậy, khu căn cứ không bao giờ bị phát hiện” – ông Bảo nói.
Hay như nhà ông Võ Ảnh, từ năm 1966, khi lên Kon Tum, cả gia đình ông đều tham gia cách mạng. Ngày ấy dù ở trong ấp Trung Tín nhưng theo chỉ đạo, ông tham gia nắm tình hình của địch trong địa bàn thị xã Kon Tum; lén mua muối, vải vóc rồi đi rải truyền đơn, nắm thông tin để đến những điểm căn cứ báo cho cách mạng và vẽ sơ đồ đường đi của địch. “Cả nhà tôi ngày ấy một lòng theo cách mạng, nhiều lúc cận kề cái chết nhưng ai cũng quyết đấu tranh giữ từng tấc đất quê hương” – ông Ảnh nói.
Chỉ qua phía chùa Thanh Trung tại phường Ngô Mây bây giờ, ông Ảnh bảo, khu vực này gần nơi gia đình ông sinh sống và hoạt động. Chính nơi đây ngày trước là một trong những cơ sở tại khu trù mật Trung Tín để làm bàn đạp tiến vào căn cứ vùng lõm Trung Lương. Ngôi chùa nuôi giấu cách mạng, ghi dấu những oai hùng nhưng cũng đầy những vết tích của chiến tranh.
|
Trong một thời gian dài, các cơ sở bí mật này đã phối hợp nhịp nhàng trong việc cất giấu, luân chuyển vũ khí, đạn dược, các nhu yếu phẩm cũng như đưa đón các đồng chí đặc công vào “lót ổ” bên trong nội thị thành công. Tuy vậy, sau thất thủ ở chiến trường Đăk Tô – Tân Cảnh năm 1972, địch tăng cường phòng thủ thị xã, lấy bàn đạp Trung Tín làm địa bàn đánh lấn ra vùng giải phóng của ta, dồn dân vào thị xã. Lúc ấy các cơ sở ở bàn đạp cũng như các cơ sở trong căn cứ vùng lõm đều bị lộ và bị bắt, các hệ thống hầm bí mật đều bị phát hiện và phá hủy gây cho ta nhiều khó khăn.
“Gia đình tôi bị bắt hết, tất cả các cơ sở xây dựng lên đều bị san bằng. Dù bị tra tấn nhưng máu cách mạng đã thấm vào trong từng tế bào, bị bắt trở về, chúng tôi lại tiếp tục hoạt động, cùng với cán bộ, nhân dân làm nên những chiến công lừng lẫy” – bà Tưởng nhớ lại.
Thời gian qua đi, thăm lại những cơ sở bí mật – nơi ghi dấu những bước chân, chiến công anh hùng, nghe những câu chuyện kể lại càng cảm nhận được sự gan dạ, lòng dũng cảm của bộ đội ta.
Dòng máu đỏ của các anh đã vẽ nên màu xanh Tổ quốc, viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc. Kon Tum ngày càng đổi mới, ngày càng phát triển. Và trong mỗi chặng đường phát triển ấy, mỗi người dân phố núi vẫn luôn nhớ về các anh hùng, những cứ điểm, những chiến công vang dội một thời…
Bài, ảnh: Hoài Tiến
Bình luận (1)