Tạ Văn Sỹ với đất và người Kon Tum
Tạ Văn Sỹ, sinh năm 1955, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Kon Tum. Ông đã có những tác phẩm đoạt giải B cuộc thi thơ Tứ tuyệt của Tập san Áo trắng (1991), giải C cuộc thi thơ Lục bát của Báo Văn nghệ trẻ (2002) và một số giải thưởng thơ của tỉnh Kon Tum.
Các sáng tác của ông không chỉ tập trung ở mảng thơ mà còn ở một số thể loại như bút kí, tạp bút, tản văn, nghiên cứu khảo luận. Ở thể loại nào, ông cũng đều đem lại cho độc giả những suy tư, cảm thức đặc biệt.
Nhiều người biết đến Tạ Văn Sỹ là “gã xe thồ làm thơ” bởi con đường văn chương của ông được nuôi sống bằng cái nghề xe ôm nhọc nhằn ấy. Cái nghề dọc đường gió bụi đã đem lại cho ông những chiêm nghiệm sâu sắc về con người, cuộc sống, văn hóa của nhiều vùng đất. Thực sự cái nghề bạt nắng bạt gió này đã nuôi sống những hạt mầm nghệ thuật của hồn thơ Tạ Văn Sỹ.
|
Cho đến nay ông đã có 5 tập thơ in riêng gồm: Mặt đất in lần đầu với tên Những câu thơ mặt đất (1997), Cõi người (2003), Trời xa (2006), Tùy khúc (2010), Ở núi (2013). Ông đã có những bài thơ được phổ nhạc và trở nên quen thuộc với người Kon Tum, như Một chút Kon Tum, Đêm Tu Mơ Rông, Hai đầu thương nhớ. Thơ Tạ Văn Sỹ đậm chất tự sự của một con người mộc mạc, quê kiểng sinh ra nơi vùng đất Bình Định và lớn lên trên đất Tây Nguyên. Chất tự sự trong thơ ông được góp nhặt từ những chuyện đời không phải chỉ riêng mình mà còn là chuyện đời của rất nhiều người. Bởi thế độc giả đã tìm thấy chính mình trong thơ Tạ Văn Sỹ. Và cũng bởi thế bạn đọc gần xa đều biết và rất yêu mến hồn thơ và con người Tạ Văn Sỹ.
Tạ Văn Sỹ gắn bó với đất Kon Tum gần 60 năm. Khoảng thời gian ấy đã đem lại cho ông những tình cảm máu thịt với mảnh đất lắm mưa nhiều nắng. Ông luôn coi mình là người “mắc nợ với Kon Tum” - một món nợ tự nhận mà ông gọi là “món nợ công dân”, cho nên ông tìm cách trả nợ bằng những công trình khảo cứu về con người và vùng đất này. Nhưng hình như càng trả ông càng vướng nợ! Thế nên những tập sách của ông lần lượt ra đời.
Năm 2013, Kon Tum kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh, ông có tập biên soạn 100 năm thơ Kon Tum tập hợp 123 bài thơ của 123 tác giả có thơ viết tại Kon Tum và viết về Kon Tum.
Năm 2014 tập biên khảo Đồng bào thiểu số trong thơ ca Kon Tum 1945-1975 (năm 2019 NXB Hội Nhà văn in lại trong đề án Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam). Có lẽ đây là tập sách đầu tiên nói về hình ảnh đồng bào thiểu số ở Kon Tum trong thơ ca.
Năm 2017 có tập Di sản văn học từ Ngục Kon Tum ghi dấu lần đầu tiên có một tập hợp các sáng tác của tù chính trị tại Nhà đày này và khẳng định dòng văn học viết Kon Tum khởi sự từ đây.
Năm 2018 có tập Tạp bút miền quê núi (năm 2019 NXB Hội Nhà văn in lại trong đề án Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm VHNT các DTTS Việt Nam), với 58 bài viết mang tính biên khảo về Kon Tum đã được in rải rác trên các báo và tạp chí.
|
Nhận thấy những tư liệu về Kon Tum vốn đã rất ít ỏi lại nằm tản mạn, lẩn khuất trong các tư liệu hiếm hoi, xưa cũ, vì vậy Tạ Văn Sỹ bèn tự nguyện làm “sử gia làng” bỏ công âm thầm tìm kiếm, sưu tập, gom góp lại và biên soạn thành sách để người sau đỡ phần công sức. Cả đời là nông dân, hành nghề tự do mưu sinh, không được học hành chuyên nghiệp, nhưng cách làm việc cẩn trọng, khoa học, suy luận logic đã giúp ông hoàn thành những trang viết về Kon Tum có giá trị. Tuy rằng những cố gắng của “nhà nghiên cứu chân đất” này còn nhiều hạn chế về học thuật, cả về sức khỏe nữa (bởi ông đã trải qua ba lần nằm viện vì chứng nhồi máu não), nhưng với sự cố gắng của bản thân và sự giúp đỡ của bạn bè, ông cũng kịp cho ra đời những tập sách chuyên khảo về Kon Tum. Chỉ riêng trong năm 2023 vừa qua ông đã cho in đến 4 tập sách:
Văn học viết Kon Tum 1930-1975, khảo cứu và sưu tập tư liệu về lịch sử hình thành và phát triển dòng văn học viết ở Kon Tum, mà theo ông nó được khởi đầu từ những sáng tác của tù chính trị tại Nhà đày Kon Tum từ năm 1930.
Quản đạo Võ Chuẩn với Kon Tum, khảo cứu và sưu tập tư liệu về vị quan triều đình Huế đứng đầu tỉnh Kon Tum đã có rất nhiều tâm huyết và công trạng với Kon Tum giai đoạn 1933 - 1938.
Đăk Glei - Đăk Tô ngày ấy, khảo cứu và tập hợp tư liệu về Căng an trí Đăk Glei và Trại giam Đăk Tô thời kỳ 1940-1945, mà theo ông hai cơ sở tù đày này phải được coi là một, không thể tách rời.
Quanh miền nước biếc non xanh, tập hợp 53 bài khảo cứu, ghi chép tản mạn về Kon Tum, như tập Tạp bút miền quê núi in trước đó.
Kon Tum hiện là miền đất còn trong tình trạng rất hiếm các công trình nghiên cứu chuyên và sâu. bên cạnh đó cũng còn những điểm nhìn chưa đồng nhất, thậm chí phiến diện. Vì vậy, những tập sách làm cho Kon Tum của Tạ Văn Sỹ là cần thiết và quý giá. Có thể nói Tạ Văn Sỹ đã “đọc sách dùm bạn”, bởi qua những tập sách của ông chúng ta có thể sàng lọc được thông tin từ rất nhiều nguồn tư liệu không dễ tìm, mà cũng không dễ có thời gian để tìm. Điều đó cho thấy sức đọc và sức viết của ông thật bền bỉ và vô cùng tâm huyết với đất và người Kon Tum.
Đất và người Kon Tum sẽ được biết đến nhiều hơn qua những trang sách của Tạ Văn Sỹ. Không biết “món nợ công dân” của ông với vùng đất này đến bao giờ mới trả hết? Còn yêu mến, còn gắn bó là còn “nợ”. Còn được yêu mến và được trân trọng là còn “nợ”. Ông “nợ” Kon Tum, bạn đọc “nợ” ông.
TRẦN THÚY VÂN