Phụ nữ làng Plei Lay gìn giữ, phát huy nghề dệt thổ cẩm
Plei Lay là một trong số ít những ngôi làng ở xã Ia Chim (thành phố Kon Tum) còn giữ được gần như nguyên vẹn bản sắc văn hóa của dân tộc Gia Rai, trong đó có nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Hằng ngày, bên hiên ngôi nhà sàn, những người phụ nữ trong làng cần mẫn se sợi, dệt thổ cẩm và truyền nghề cho thế hệ con cháu của mình.
Theo lời kể của những phụ nữ lớn tuổi trong làng Plei Lay, nghề dệt thổ cẩm đối với người Gia Rai không chỉ có vai trò quan trọng trong cuộc sống mà còn mang ý nghĩa tâm linh. Từ thuở xa xưa, vị thần của người Gia Rai là Yang trời Kơ-dei đã chọn bà Tung, thay mình cai quản mặt đất và thế giới của hồn người chết. Trong nhà bà Tung có một khung dệt. Hằng ngày, bà Tung ngồi luồn từng sợi chỉ để dệt một tấm vải dài. Tấm vải đó chính là cuộc đời của tất cả những con người trên mặt đất và mỗi sợi chỉ trong tấm vải có những màu sắc khác nhau, chúng thể hiện cho số phận của mỗi người.
|
Ở làng Plei Lay, nếu như việc săn bắt, đan lát, làm khung dệt là những tiêu chí để đánh giá người đàn ông, thì sự khéo léo, cần mẫn trong dệt thổ cẩm lại là tiêu chí để khẳng định vẻ đẹp của người phụ nữ theo tiêu chuẩn của người Gia Rai. Bởi vậy, từ khi còn nhỏ, các bé gái trong làng đã được các bà, các mẹ truyền dạy nghề dệt thổ cẩm. Đến lúc 16 tuổi, khi trở thành các thiếu nữ, các em đã thành thạo quy trình, cách thức dệt và tạo hoa văn thổ cẩm.
Nghệ nhân Y Yưn, ở làng Plei Lay chia sẻ, dệt thổ cẩm truyền thống có vị trí rất quan trọng trong đời sống hằng ngày của người Gia Rai. Thổ cẩm là vật hồi môn mà người mẹ trao cho con gái trước khi về nhà chồng, là vật dụng để địu con trẻ hằng ngày, và cũng là thứ được đưa đi cùng người đã mất khi bước sang thế giới do Yàng cai quản.
Bên cạnh đó, thổ cẩm còn được dùng để trao đổi, mua bán trong cộng đồng. Ngày xưa, mỗi tấm thổ cẩm, tùy vào kích thước và độ tinh xảo có thể được định giá đến hàng chục ghè rượu, thậm chí là 2-3 con trâu. Cũng vì thổ cẩm có ý nghĩa như vậy nên vai trò, vị trí của người phụ nữ trong cộng đồng người Gia Rai luôn được coi trọng.
“Người Gia Rai chúng tôi rất quý trọng thổ cẩm. Chúng tôi hay dệt vải để cõng con, cõng cháu và dệt quần áo để mặc. Nếu dệt được nhiều, chúng tôi sẽ bán cho người trong làng” - nghệ nhân Y Yưn nói.
|
Qua trao đổi với nghệ nhân Y Yưn, chúng tôi được biết, đến nay, các nữ nghệ nhân tại làng Plei Lay vẫn giữ được cách nhuộm màu sợi để dệt thổ cẩm từ xa xưa bằng các nguyên, vật liệu có sẵn trong tự nhiên. Bảng màu trên thổ cẩm của người Gia Rai nơi đây không quá sặc sỡ, nhưng mỗi màu đều mang một ý nghĩa riêng. Màu đen là tượng trưng của đất, sự nảy mầm từ sinh sôi, sự che phủ của cây rừng. Màu đỏ tượng trưng cho lửa và máu, cho sức sống, sự vươn lên, niềm đam mê, tình yêu và khát vọng. Màu vàng tượng trưng cho ánh sáng mặt trời, sự kết hợp hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Màu xanh tượng trưng cho màu da trời, màu của cây lá, núi rừng.
Việc nhuộm sợi để dệt thổ cẩm mất rất nhiều thời gian và công đoạn thực hiện tỉ mỉ. Phụ nữ ở làng Plei Lay sử dụng những cây, lá có sẵn trong rừng, trong vườn nhà, như lá chàm, lá nghệ, lá cà ri, hoa pơ lang…để tạo nên màu nhuộm cho sợi dệt. Theo dòng chảy của thời gian, ngày nay, phụ nữ ở làng Plei Lay còn học hỏi thêm một số màu nhuộm sợi dệt khác từ các dân tộc khác để làm phong phú thêm bảng màu trên trang phục thổ cẩm, như màu xanh lá cây được nhuộm từ cây lá dứa, màu tím được nhuộm từ cây lá cẩm, màu nâu được nhuộm từ hạt cà phê…
So với các dân tộc khác, phụ nữ Gia Rai ở làng Plei Lay có kinh nghiệm nhuộm màu cho sợi để dệt thổ cẩm hết sức độc đáo. Mọi người dùng vỏ hến hoặc vỏ ốc suối phơi khô cất giữ trong gùi, khi cần sẽ đem đốt trên than hồng sau đó giã mịn thành bột. Số bột này sẽ được trộn cùng dung dịch nhuộm màu theo tỉ lệ thích hợp. Làm như vậy, sẽ giữ độ bền màu nhuộm cho sợi dệt và tấm thổ cẩm.
|
Nghệ nhân Y NgLich, ở làng Plei Lay cho biết, lúc còn nhỏ, khi thấy mẹ của mình làm bông, kéo sợi, bà đã học cách làm theo. Đến năm 15 tuổi, bà đã dệt thổ cẩm một cách thành thạo. “Tôi đã từng dệt rất nhiều hoa văn trên những tấm thổ cẩm mình làm ra. Tôi được mẹ chỉ cho cách nhuộm màu cho sợi dệt. Những phụ nữ trong làng khi lớn lên cứ nhìn các bà, các mẹ dệt thổ cẩm rồi làm theo. Cứ vậy, chúng tôi giữ gìn nghề dệt thổ cẩm cho đến tận bây giờ” - nghệ nhân Y NgLich nói.
Dệt thổ cẩm cũng là cách người phụ nữ Gia Rai kể chuyện về ngôi làng, chuyện về thiên nhiên, về đời sống sinh hoạt hằng ngày của dân làng. Trên những tấm thổ cẩm do các nữ nghệ nhân làng Plei Lay dệt, có thể nhìn thấy những hoa văn truyền thống, tiêu biểu là hoa văn “hla dot”, hoa văn lượn sóng hay các hoa văn hình quả trám. Bên cạnh hoa văn truyền thống, trên những tấm thổ cẩm xuất hiện những họa tiết, như động vật, cây cối, đài radio, máy bay trực thăng…
Giữ được thổ cẩm là giữ được những giá trị văn hóa mà cha ông bao đời để lại, giữ được sắc màu cho những lễ hội, cho những nhịp xoang, điệu cồng chiêng. Với tâm niệm ấy, các nữ nghệ nhân của làng Plei Lay đã và đang tích cực truyền nghề dệt thổ cẩm cho các thanh, thiếu nữ trong làng. Đến nay, ngoài các nữ nghệ nhân, làng Plei Lay đã có thêm 30 người biết dệt thổ cẩm. Các nữ nghệ nhân của làng Plei Lay cũng đang tham gia Tổ hợp tác dệt thổ cẩm do UBND xã Ia Chim thành lập, qua đó, xây dựng sản phẩm thổ cẩm trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương, hướng đến phục vụ phát triển du lịch, tạo công việc và nguồn thu nhập ổn định cho phụ nữ trong làng.
Cùng với sự phát triển của xã hội, sản phẩm thổ cẩm ở làng Plei Lay đã có những biến đổi để phù hợp với xu thế thị trường. Dẫu vậy, các sản phẩm thổ cẩm nơi đây vẫn giữ được những đặc trưng, bản sắc truyền thống vốn có của dân tộc Gia Rai. Mỗi tấm thổ cẩm, mỗi họa tiết được dệt bằng thủ công là sự kết tinh của sợi dệt, khung cửi, sắc màu thiên nhiên, sự khéo léo của đôi tay, hơi thở và tâm tình của những nữ nghệ nhân.
Đức Thành