Người giữ nghề dệt ở làng Kon Gu I
Trời ngả về chiều, trên chiếc giường đặt cạnh cửa sổ, bà Y Tăk (61 tuổi), ở làng Kon Gu I, xã Ngọc Wang (huyện Đăk Hà) vẫn thoăn thoắt đôi tay, miệt mài bên khung cửi. Đã mấy chục năm trôi qua, bà Y Tăk vẫn vẹn nguyên tình yêu với thổ cẩm.
Theo chỉ dẫn của người trong làng, tôi không khó để tìm ra nhà của bà Y Tăk. Trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ, những sản phẩm dệt được bà Y Tăk treo ngay ngắn trên tường. Trò chuyện với chúng tôi, bà nói “nếu ngừng dệt một ngày sẽ thấy đôi tay khó chịu, trong lòng bứt rứt”.
Qua dòng hồi ức, bà bảo rằng hồi còn nhỏ, từ sáng sớm khi thức giấc, bà quen với hình ảnh cha ngồi đan lát, tiếng nan tre sột soạt; mẹ ngồi dệt vải, tiếng con thoi đập vào khung gỗ lách cách. Trong con mắt tuổi thơ, hình ảnh người mẹ cần mẫn bên khung dệt thổ cẩm luôn là hình ảnh ấm áp, thân thương nhất. Lớn thêm chút nữa, khi biết chạy nhảy, Y Tăk thường hay ngồi nhìn mẹ dệt nhiều giờ đồng hồ.
|
Y Tăk thông minh, nhanh nhẹn, cô thường hỏi mẹ những gì mà mình chưa biết, quan sát và nhớ kỹ cách luồn từng sợi chỉ. Có lần, trong lúc đang dệt, mẹ bà ra ngoài có việc, vì quá thích dệt nên Y Tăk lẻn vào ngồi khung cửi. Y Tăk nhớ lại những kỹ năng mẹ thường làm khi mới ngồi vào khung cửi, rồi bắt chước làm theo. Tuy nhiên, đôi tay nhỏ bé vụng về cầm con thoi, những sợi chỉ không nghe theo lời Y Tăk, chúng không xếp vào hàng mà xáo trộn. Y Tăk sợ mẹ phát hiện, vội rời khỏi khung cửi, trả mọi thứ về lại vị trí ban đầu.
“Nhìn thì tưởng dễ, đến khi ngồi vào khung cửi dệt mới thấy khó, lúc ấy mới biết những người mẹ, người bà tốn nhiều công sức thế nào để dệt ra được tấm vải”- bà Y Tăk cười hiền.
Sau lần dệt lén không thành công, Y Tăk xin mẹ cho ngồi vào khung cửi và mong mẹ chỉ dạy cho mình. Nghe Y Tăk xin, mẹ vui lắm, cho con gái ngồi vào khung cửi, cầm tay hướng dẫn tận tình. Y Tăk sáng dạ, mẹ chỉ đến đâu nhớ đến đó. Qua vài lần, Y Tăk đã học được các kỹ năng dệt cơ bản.
Năm lên 12 tuổi, Y Tăk tự tay dệt được những tấm vải trơn, dệt được những chiếc khăn riêng cho bản thân mình. Lúc này, Y Tăk cũng phụ mẹ đảm đương lo nhiều việc trong nhà.
Tờ mờ sáng, khi cả nhà còn đang say giấc, Y Tăk đã lọ mọ thổi bếp, chuẩn bị cơm nước cho một ngày lao động dài. Khi bố mẹ lên rẫy, Y Tăk cũng theo chân. Đến khi xế chiều, người mẹ vào rừng tìm vỏ cây, rễ cây về nhuộm màu, Y Tăk cũng lặn lội đi theo.
“Ngày xưa để dệt được tấm vải, người Tơ Đrá tốn nhiều công sức. Để có sợi dệt, phụ nữ phải vào rẫy lấy quả bông về kéo sợi. Để có nhiều màu khác nhau, những người phụ nữ phải vào tận rừng sâu, vượt nhiều triền núi hiểm trở để lấy vỏ cây, rễ cây… giã nhỏ, đun nước để nhuộm màu cho sợi” - bà Y Tăk tâm sự.
Năm lên 18 tuổi, Y Tăk thành thạo trong việc kéo sợi, nhuộm màu, dệt được những tấm vải cỡ lớn, nhiều họa tiết khác nhau. Trong mắt của dân làng, Y Tăk là cô gái thùy mị, nết na mà bao đàn ông trong làng mong muốn làm vợ. Bởi ngày xưa, với người Tơ Đrá, phụ nữ biết dệt rất dễ bắt được chồng, là mẫu người đảm đang, chăm lo cho gia đình.
|
Y Tăk kén chồng, nhiều chàng trai ngỏ lời thương nhưng Y Tăk không đồng ý. Đến khi gặp được người đàn ông biết đan lát, chịu khó làm ăn, bà mới mở lòng nhận lời yêu và cưới.
Lập gia đình, Y Tăk ra ở riêng cùng chồng. Thương con gái, người mẹ cho những tấm vải lớn cùng một bộ khung dệt làm quà cưới. Với bà Y Tăk, món quà cưới của mẹ cho tuy giá trị vật chất không lớn, nhưng đó lại là niềm vui và mong ước của bà.
Có chồng, ngoài thời gian dành cho việc rẫy, việc làng, bà còn tranh thủ mọi lúc để theo đuổi đam mê dệt thổ cẩm. Có những hôm, cả ngày ròng rã phơi mình trên rẫy, tối đến bà Y Tăk vẫn ngồi vào khung dệt. Thành thói quen, buổi tối không ngồi vào khung dệt, bà cảm thấy không thể ngủ ngon.
Sản phẩm do chính tay bà Y Tăk dệt ra ngày càng nhiều, với những họa tiết ngày càng sắc sảo hơn. Tại các lễ hội, bà Y Tăk diện những chiếc váy do chính tay mình dệt khiến nhiều chị em trong làng để ý. Tiếng lành đồn xa, nhiều người dân trong và ngoài làng biết đến tay dệt của bà, họ sẵn sàng mang gạo, mang gà, heo đến đổi, hay đặt những tấm vải lớn.
Sau này, khi cuộc sống con người ngày càng phát triển, quần áo được bày bán khắp nơi, tiếng thoi lách cách cũng ngày càng vắng dần. Nhiều phụ nữ Tơ Đrá trở nên “lười” dệt bởi họ thấy sự tiện lợi từ các sản phẩm quần áo may sẵn.
Nhưng bà Y Tăk lại khác, bà luôn giữ gìn và miệt mài với nghề dệt. Bà chỉ tiếc rằng, các sản phẩm bà dệt ra không còn được làm từ sợi bông, được nhuộm màu từ vỏ cây, rễ cây rừng bởi có trên thị trường. Tuy nhiên, để sợi chỉ có tuổi thọ cao, màu sắc lâu phai, bà thường dùng nước gạo luộc các sợi chỉ sau khi mua về rồi mang ra phơi giữa nắng. Làm như thế, những tấm thổ cẩm bà dệt chống chịu với mưa nắng.
|
Cùng với đó, bà Y Tăk còn bắt kịp xu thế, thay đổi họa tiết, hoa văn cho phù hợp. Không chỉ dệt các họa tiết hoa văn truyền thống, bà còn dệt họa tiết ca rô, sọc dọc, sọc ngang để bà con có nhiều sự lựa chọn. Những tấm thổ cẩm bà bán giá cả tương đối “mềm”, phù hợp với túi tiền của bà con trong làng, tùy theo kích thước, mỗi tấm có giá từ 200 - 250 nghìn đồng.
“Giờ đây, dệt không chỉ phục vụ đời sống sinh hoạt mà là công việc giúp kiếm thêm thu nhập. Mỗi tháng, tôi dệt và bán ra hơn chục tấm vải, đủ tiền trang trải sinh hoạt tuổi già. Tôi có 4 cô con gái, các cháu đều biết dệt, mong rằng sau này khi tôi về với Giàng, khung cửi sẽ không cất dưới bếp mà vẫn hoạt động, tạo ra nhiều tấm vải mới”- bà Y Tăk trải lòng.
Ông Hoàng Văn Đạt- Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Wang cho biết: Bà Y Tăk là 1 trong 6 người còn duy trì nghề dệt thổ cẩm trên địa bàn xã. Thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức đồng bào DTTS ở địa phương về tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống để tham gia bảo tồn, lưu giữ những sản phẩm truyền thống độc đáo của dân tộc; xây dựng các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng có gắn với công tác bảo tồn và phát triển nghề truyền thống; xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu, mua bán, ký gửi các sản phẩm nghề truyền thống trên địa bàn xã; mở các lớp dạy nghề truyền thống để trao truyền lại cho lớp trẻ.
Văn Tùng