Người đẽo tượng ở làng O
Ở làng O, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy, khi nói đến người đẽo tượng nhà mồ, mọi người nói ngay đến ông A Hyếu. Nhắc đến ông, mọi người trong làng thường dành cho ông những tình cảm tốt đẹp.
|
Trong văn hóa truyền thống của người Gia Rai ở làng O, xã Ya Xiêr nói riêng cũng như người Gia Rai ở địa bàn tỉnh nói chung, việc làm tượng nhà mồ là nét văn hóa khá đặc sắc, còn lưu truyền lại đến ngày nay. Quan niệm về việc làm nhà mồ và tượng nhà mồ của đồng bào Gia Rai cũng giống như quan niệm của người Kinh “sống có nhà, thác có mồ” khi làm mồ mả cho người chết.
Người đẽo tượng nổi tiếng cho các nhà mồ ở làng O trong các lễ pơ thi (bỏ mả) được UBND xã giới thiệu tôi gặp là ông A Hyếu. Không giấu lòng, A Hyếu tâm sự: Ngày trước, khi còn nhỏ, tôi thường nhìn người lớn đẽo tượng cho nhà mồ. Hình các tượng từ nhà mồ ăn sâu trong ý thức, lớn lên khi cầm được rìu, tôi đẽo tượng một cách tự nhiên. Thấy tôi có khả năng đẽo tượng, trước khi làm lễ bỏ mả cho người thân, bà con thường mang gỗ đến nhờ tôi đẽo tượng. Đây không phải là nghề kiếm cơm, kiếm tiền như các nghề truyền thống khác.
Công cụ được ông A Hyếu đẽo tượng là rìu, đục và dao. Tùy theo nhu cầu của người thân người mất muốn đẽo tượng gì, ông sẽ đẽo tượng nấy. “Cũng có khi nhìn vào hình thù khúc gỗ, tôi khuyên người nhà muốn nhờ nên để mình đẽo theo hình thế con người, con vật hoặc vật dụng cho phù hợp và sống động. Các hình tượng càng sống động, bà con càng ưng ý”- A Hyếu bày tỏ.
Các hình tượng ông đẽo thường là tượng người ngồi chờ, phụ nữ mang gùi, phụ nữ có bầu, đàn ông hút ống điếu, con voi, khỉ, chó, chim, xoong nồi… Nói chung là hình tượng về hoạt động sống động của con người, con vật và vật dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Các tượng chính to lớn, sống động nhất, thường được người dân người đã khuất đặt ở bốn góc nhà mồ, các tượng nhỏ hơn đặt ở xung quanh.
|
Theo lời A Hyếu, mục đích của việc đặt tượng ở nhà mồ theo quan niệm của người Gia Rai là giữ mồ cho người đã khuất; là cầu nối tâm linh giữa người sống với người đã khuất; cầu mong người đã khuất linh hồn siêu thoát, an vui nơi cõi âm, không quấy phá, phù hộ cho người thân sống yên lành, gặp nhiều may mắn và mùa nàng tốt tươi.
Ghi lại những lời A Hyếu, tôi lại nhớ đến Tiến sĩ Bùi Thị Thu Phương khi viết về tượng nhà mồ: Người Gia Rai quan niệm người chết có linh hồn biến thành ma (atâu). Sau khi chết, linh hồn cứ lẩn quất gần nơi chôn, lưu luyến với cuộc sống dương thế, không siêu thoát được. Người thân hàng ngày phải mang cơm nước đến, quét dọn nhà mả, gọi là thời kỳ giữ mả. Chỉ sau khi làm lễ bỏ mả thì linh hồn mới được siêu thoát, trở về với thế giới bên kia một cách nhẹ nhàng, không còn lưu luyến gì với cuộc sống trước đây. Người sống cũng yên tâm với ý nghĩ hồn ma đã yên nghỉ.
Có lẽ từ quan niệm này, dường như ở thôn làng nào của người Gia Rai cũng có ít nhất một người đẽo tượng.
Cũng theo ông A Hyếu, trong việc chọn gỗ, ngày xưa khi gỗ trong rừng tự nhiên nhiều, chính quyền chưa cấm, dân làng thường chọn các loại gỗ quý như cà chít, trắc, cẩm… không bị mối mọt, chịu đựng được mưa nắng làm tượng nhà mồ. Ngày nay, gỗ quý ngày càng hiếm, rừng được các chủ rừng và các cấp chính quyền quản lý nghiêm, người dân làm tượng gỗ nhà mồ chủ yếu là lấy các loại cây gỗ tạp từ trong vườn, trên rẫy. “Hơn nữa, các tượng gỗ quý ở nhà mồ thường bị bị kẻ trộm lấy. Do vậy, ngày nay, bà con chỉ làm tượng gỗ tạp cho nhà mồ thôi!”- A Hyếu chia sẻ.
Từ quan niệm ăn sâu trong tâm thức, dường như nhà nào ở làng O có người thân chết khi làm lễ bỏ mả cũng mời A Hyếu đẽo tượng đặt ở nhà mồ. Bình quân mỗi năm, A Hyếu đẽo từ 10-20 tượng. Dưới con mắt nghệ sĩ, chỉ cần nhìn qua khúc gỗ là ông phác họa trong đầu hình tượng cần đẽo. Theo đó, tay rìu, tay đục của ông cứ thế thoăn thoắt làm theo phác họa. Mặc dù các tượng thường thiên đường nét, hình khối, ít trau chuốt cầu kỳ, nhưng lúc nào các tượng cũng có hồn. Đây là nét đặc sắc của tượng nhà mồ ở Tây Nguyên.
Trong việc đẽo tượng, cùng một chủ đề, nhưng mỗi tượng gỗ được A Hyếu đẽo không hề rập khuôn mà luôn có những đường nét khác nhau, bởi được thể hiện trong từng bối cảnh và cảm xúc rất riêng khi đẽo.
Không chỉ nổi tiếng ở làng O, thấy A Hyếu đẽo tượng đẹp và có hồn, trước đây, Trung tâm Văn hóa tỉnh từng đặt ông đẽo một số tượng để trưng bày. Đánh giá cao tay nghề A Hyếu, già làng A Sút, làng O khẳng định: Dân làng khi làm tượng nhà mồ đều như nhờ A Hyếu đẽo tượng. Tượng là hình thức kết nối tâm linh giữa người sống và người chết. Khi dân làng nhờ đẽo tượng, A Hyếu đều nhận đẽo chu đáo theo yêu cầu và chưa lấy tiền của ai bao giờ. Tuy nhiên, bà con cũng không quên ơn, thường biếu A Hyếu thịt khi làm lễ bỏ mả cho người đã khuất.
Trong quá trình tìm hiểu việc đẽo tượng, tôi nhận thấy quan niệm dùng tượng gỗ của người Gia Rai cũng khác so người Mơ Nâm (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng). Nếu như người Mơ Nâm, xã Măng Cành, huyện Kon Plông thường dùng tượng gỗ để trang trí, gắn với các yếu tố tâm linh trong những thời điểm như gieo mạ, lễ ăn lúa mới, lễ mừng nhà rông, lễ mừng giọt nước, lễ mừng chuồng trâu, còn người Gia Rai dùng tượng gỗ chủ yếu đặt ở nhà mồ, ít khi thấy bà con đặt ở nơi nào khác.
|
Ông A Ỷh - công chức phụ trách Văn hóa – thông tin xã Ya Xiêr khẳng định, tượng nhà mồ là nét đẹp trong văn hóa tâm linh của người Gia Rai. Tượng chỉ đặt ở nhà mồ mà ít có ở nơi nào khác. Nếu có cũng chỉ đặt ở các khu trưng bày, điểm du lịch cộng đồng. Để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, Nhà nước cần tiếp tục công nhận nghệ nhân đẽo tượng tâm huyết ở các làng.
Đồng tình với quan niệm này, ông Nguyễn Văn Niệm – Chủ tịch UBND xã Ya Xiêr cho biết, trong những năm qua, UBND xã phối hợp với các đơn vị truyền dạy việc phát huy các nghề truyền thống, trong đó có kỹ năng tạc tượng nhà mồ. Đồng thời trước yêu cầu đặt ra, trong thời gian đến, UBND xã phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tiếp tục việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với việc phát triển du lịch ở địa phương.
Văn Nhiên