Nghệ nhân ưu tú nỗ lực truyền dạy cồng chiêng
Dù đã nhiều tuổi nhưng mỗi khi nhắc đến chiêng, cồng, Nghệ nhân ưu tú A Nhất ở thôn Kon Bưu (xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy) vẫn nhớ như in từng nốt nhạc, nhịp điệu trong các bài chiêng cổ. Ông luôn gắng sức giữ gìn chúng như “báu vật” và truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Nghệ nhân A Nhất (74 tuổi, dân tộc Xơ Đăng - nhánh Tơ Đrá), từng làm Trạm trưởng Trạm y tế xã Tân Lập nhiều năm. Đến năm 2021 ông về hưu. Tuy nhiên, sau khi về hưu, ông vẫn tham gia hoạt động ở các tổ chức hội, đoàn thể tại địa phương và đã từng làm Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi xã Tân Lập. Đến năm 2015, ông được bầu làm già làng thôn Kon Bưu. Với uy tín của mình, ông đã tích cực vận động bà con, nhân dân thay đổi nếp nghĩ cách làm trong phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
|
Trong nhiều năm công tác, ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và cống hiến trong phong trào văn hóa, văn nghệ, đặc biệt là truyền dạy cồng chiêng, giữ gìn âm nhạc truyền thống. Với những đóng góp tích cực, vào năm 2015, ông vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực trình diễn dân gian. Đây vừa là niềm tự hào, vừa là động lực cho nghệ nhân A Nhất cùng với bà con nơi đây tiếp tục nỗ lực trên con đường truyền dạy, gìn giữ những nét đẹp văn hóa dân tộc.
Những ngày đầu thu tiết trời hơi se lạnh, chúng tôi có dịp gặp nghệ nhân A Nhất tại căn nhà sàn truyền thống khi ông đang tập chiêng cùng với các nghệ nhân khác tại làng. Dù là thành viên cao tuổi nhất nhưng ông luôn tràn đầy nhiệt huyết, “truyền lửa” cho các thành viên khác cùng hăng say tập luyện.
Do tuổi đã cao nên đôi mắt của ông A Nhất không còn tinh anh. Nhưng đôi tai và tâm hồn dường như ngược lại, càng ngày càng tinh tế và nhạy cảm hơn với âm nhạc. Đến buổi tập sớm hơn mọi người, trong lúc chờ các thành viên khác chuẩn bị, ông tranh thủ lau từng chiếc chiêng, nhắm mắt cảm nhận như để “chạm” tới những miền ký ức xa xưa với âm nhạc truyền thống.
|
Thấy chúng tôi chăm chú theo dõi, nghệ nhân A Nhất chia sẻ: “Bộ chiêng này quý lắm, cả làng chỉ còn một bộ thôi. Trong dàn cồng chiêng này có những chiếc chiêng quý sưu tập từ nhiều nơi được đội chiêng “lắp ghép” lại cho thành bộ. Không ngờ chúng hợp nhau đến lạ, âm thanh trầm bổng, réo rắt hòa quyện vào nhau trong từng bài nhạc. Chúng tôi rất nâng niu và gìn giữ bộ chiêng này”.
Sau một hồi chuẩn bị, đội chiêng đã sẵn sàng cho bài tập. Như thường lệ, đội chiêng mở màn bằng một tràng những âm thanh từ thấp đến cao, chậm rãi, chắc chắn như để “khởi động” đôi tai và đôi tay cho linh hoạt. Kết thúc bằng tiếng cồng vang lên chắc nịch, cả đội bắt đầu hòa tấu những giai điệu ngắn, lặp đi lặp lại nghe đơn giản nhưng vô cùng hay và cuốn hút. Tận sâu ánh mắt các nghệ nhân thể hiện rõ tình yêu sâu sắc với tiếng cồng chiêng, lấp lánh niềm vui và lòng tự hào.
Nghê nhân A Nhất chia sẻ: “Từ nhỏ, chúng tôi đã được dạy rằng cồng, chiêng là một món quà vô giá, nhà nào sở hữu nhiều cồng chiêng được xem như là giàu có. Ngày nay, đời sống của người dân thôn làng đã khấm khá hơn, nhu cầu sinh hoạt văn hóa cũng đa dạng hơn nhưng ai cũng luôn nhớ đến những âm thanh truyền thống, đặc biệt là cồng chiêng. Vì vậy, tiếng chiêng luôn vang vọng tại thôn Kon Bưu, nhất là vào các dịp lễ hội”.
Kể về cái duyên đến với cồng chiêng, âm nhạc truyền thống, nghệ nhân A Nhất cho biết, ông xuất thân từ gia đình không có truyền thống chơi nhạc, chơi chiêng. Nhưng với niềm đam mê, ông thích thú các loại chiêng, cồng và say mê các giai điệu đến lạ. Sở thích của ông khi còn nhỏ là được quây quần bên đống lửa nghe các già làng, nghệ nhân tập chiêng, đánh đàn, nhạc cụ truyền thống. Khác với bạn bè cùng trang lứa, ông hăng say tập luyện, không bao giờ bỏ cuộc khi gặp khó khăn. Với tâm hồn và khả năng cảm thụ âm nhạc đặc biệt, ông học rất nhanh và nhanh chóng nắm bắt được những kỹ thuật diễn tấu cồng chiêng.
|
Bởi có tố chất đặc biệt, khả năng chỉnh, sửa chiêng, “lên dây” chiêng của ông cũng đến một cách tự nhiên. Ông có thể nghe và chỉnh sửa chính xác nhiều chiếc chiêng bị lệch âm. Sau này, khi được chọn tham gia nhiều lớp đào tạo, tập huấn về đánh, chỉnh sửa cồng chiêng, ông càng am hiểu và nâng cao tay nghề. Tiếng tăm của ông cứ thế vang xa và được nhiều người biết đến.
Ngoài việc chơi chiêng thành thạo, có khả năng chỉnh âm cồng chiêng chuẩn xác, nghệ nhân A Nhất còn được xem là “thầy giáo” của buôn làng, đã đứng lớp truyền dạy nhiều bài chiêng hay, độc đáo cho các nghệ nhân trẻ.
Anh A Hen (45 tuổi) - Đội trưởng Đội chiêng làng Kon Bưu cho biết: “Nhờ sự chỉ dạy của nghệ nhân A Nhất mà đội chiêng đã thành thạo nhiều bài chiêng truyền thống để biểu diễn vào mỗi dịp lễ hội. Vào những ngày rảnh rỗi hoặc khi sắp có các hội thi, lễ hội, đội cồng chiêng sẽ tập hợp để luyện tập và chỉnh sửa những chiếc chiêng bị lệch âm. Những lúc ấy không thể thiếu già A Nhất để chỉ dạy, hướng dẫn các thành viên trong đội mỗi khi đánh bị lạc nhịp hoặc quên bài”.
Giờ đây, khi đã lớn tuổi, không còn tham gia được nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ như trước đây, nghệ nhân A Nhất xem mỗi buổi tập với các nghệ nhân là cơ hội để ông truyền những hiểu biết, đam mê của mình về cồng chiêng. Theo ông, đó là cách ông “trả ơn” những lớp nghệ nhân đi trước, góp một phần nhỏ bé của mình trong việc gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, giữ được tiếng chiêng của cha ông, của đại ngàn còn vang mãi.
Đối với thế hệ trẻ, ngoài kỹ thuật đánh chiêng, ông còn truyền cho các em tình yêu và ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của cha ông để lại. Một đời gìn giữ âm nhạc dân gian của dân tộc, những điệu cồng, điệu chiêng truyền thống đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của nghệ nhân A Nhất.
Hoàng Thanh