Nghệ nhân A Ling nặng lòng với văn hoá truyền thống
Già A Ling là nghệ nhân đa tài của làng Pa Cheng (xã Đăk Long, huyện Đăk Hà), bởi ông không chỉ giỏi đánh cồng chiêng mà còn biết chế tác, chơi được nhiều nhạc cụ dân tộc; thuộc và kể được rất nhiều bài sử thi. Nặng lòng với văn hóa truyền thống, bao năm nay già A Ling luôn đau đáu tìm cách truyền dạy những gì mình biết được cho con cháu trong làng…
Người nghệ nhân đa tài
Già A Ling năm nay tuổi đã được 76 mùa rẫy, gốc là người làng Long Loi (thị trấn Đăk Hà). Năm 2011, gia đình ông cùng một số gia đình trong làng đã lên làng Pa Cheng định cư. Già A Ling được dân làng yêu mến gọi là người nghệ sĩ đa tài bởi ông không chỉ đánh chiêng giỏi, múa xoang dẻo mà còn biết chế tác nhiều loại đàn, kể được nhiều bài sử thi.
Già A Ling kể: Mình cũng không còn nhớ rõ đã học và biết đánh cồng chiêng từ khi nào nữa, chỉ nhớ rằng từ nhỏ đã yêu thích, đã mê những giai điệu truyền thống của dân tộc Ba Na. Hồi bé, mỗi khi thấy trong làng có lễ hội, già lại thích thú đến xem mọi người đánh cồng, đánh chiêng, chơi các loại nhạc cụ. Cứ thế, ngồi nghe nhiều rồi cũng xin vào đánh theo, đánh nhiều thành quen, được các già trong làng chỉ bảo thêm, thế rồi biết đánh, biết đàn thôi. Những âm điệu, làn điệu dân gian của dân tộc Ba Na cứ thấm đẫm vào trái tim, nuôi dưỡng tâm hồn và rồi nó thực sự trở thành một phần trong con người mình.
|
Theo già A Ling, chỉ cần nghe thấy tiếng cồng, tiếng chiêng vang lên là máu trong người cứ rạo rực, trong lòng thấy rưng rưng và dù có đang ở đâu, làm gì thì đôi bàn chân cũng cứ thúc giục trở về làng. Nghe tiếng chiêng vang, già sẽ biết ngay ở nhà, ở làng đang có việc gì. Ví như tiếng chiêng của lễ hội thì nhanh, rộn ràng thể hiện sự vui vẻ; tiếng chiêng trong đám chết thì trầm buồn, da diết...
Không chỉ giỏi đánh cồng chiêng, già A Ling còn biết chế tác và chơi được rất nhiều loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc như tơ rưng, tingning, brok ok, brok doong... “Hồi còn trẻ, những đêm trăng sáng, những ngày nông nhàn, già thường hay rủ đám bạn cùng làm các loại đàn; hay cả những khi đi làm rẫy cũng tranh thủ làm các loại đàn để khi có lễ hội, tiệc tùng hay những ngày nông nhàn mang ra chơi. Chưa hết đâu, khi ở trên rẫy buồn vắng, già còn làm các loại đàn nước, đàn gió để chúng cất lên những âm thanh xua đi cái vắng vẻ, mệt nhọc, cô đơn. Nhưng đó là chuyện của ngày xưa rồi, bởi hồi đó, nguyên vật liệu rất sẵn, với lại tay còn khoẻ, mắt còn tinh nên già rất thích làm và làm rất nhanh; làm xong còn thường xuyên sử dụng chứ giờ cái gì cũng khó nên thỉnh thoảng chỉ làm cho vui, cho đỡ nhớ thôi” – già A Ling tâm tình.
Dù giờ không còn đủ sức khoẻ, cũng ít có cơ hội để kể sử thi, nhưng già A Ling vẫn còn thuộc và có thể kể được rất nhiều bài sử thi. “Ngày xưa, đêm đêm nhà già lúc nào cũng chật người đến để nghe già kể sử thi. Những câu chuyện như “Ông Giông, ông Vắt làm nhà rông” , “Ông Giông đi hỏi vợ”, “Ông Giông làm rẫy”... dài hơn cả con dốc, rộng hơn cả cái rẫy có thể kể cả tháng, cả năm cũng không hết. Những câu chuyện sử thi nói về phong tục, tập quán, cội nguồn, về cuộc sống lao động của dân làng, giáo dục cho con cháu lối sống tốt đẹp với những hình tượng anh hùng, những tình tiết thần thoại, những người tốt luôn chiến thắng, những kẻ xấu luôn thua và bị trừng phạt...rất hay và ý nghĩa” – già A Ling chia sẻ.
Nỗ lực gìn giữ và truyền dạy
Những giai điệu gần gũi, thân thương của cồng chiêng, của âm nhạc truyền thống gắn với cuộc sống hằng ngày của người trong làng đã được già A Ling giữ gìn, yêu quý và nỗ lực để truyền dạy cho các thế hệ con cháu. Bao năm nay, già A Ling luôn miệt mài với công việc “vác tù và hàng tổng” là vận động, chỉ dạy cho các lớp thanh thiếu niên trong làng về cồng chiêng, múa xoang, làm nhạc cụ dân tộc mà không hề có một đồng tiền công nào.
Theo già A Ling, ngày xưa đồng bào DTTS có rất nhiều lễ hội để cho người dân được biểu diễn cồng chiêng, múa xoang; nhưng bây giờ một phần là do nhận thức của người dân đã được nâng cao nên đã biết loại bỏ bớt một số lễ hội cổ hủ; một phần do sự thay đổi của cuộc sống nên một số lễ hội không còn phù hợp để duy trì. Hiện nay, người dân ở làng Pa Cheng cũng như Long Loi chỉ còn giữ lễ hội Giọt nước và lễ mừng nhà rông mới, chính vì thế, cồng chiêng cũng ít có dịp được cất lên. Bên cạnh đó, tác động của lối sống hiện đại với âm nhạc điện tử khiến cho những người trẻ xao nhãng dần với văn hoá, nhạc cụ truyền thống.
Già A Ling lo lắm, lo rằng nếu cứ thế này thì mai này khi lớp người già về với tổ tiên, cồng chiêng sẽ chẳng mấy mà trôi vào quên lãng. Vậy là chẳng ai nhờ, ai mướn nhưng vì không nỡ nhìn văn hoá truyền thống của dân tộc bị mai một nên cứ rảnh rỗi, khi lũ trẻ được nghỉ hè, già A Ling lại vận động các cháu đến nhà để nghe, xem và bày cho chúng cách đánh cồng chiêng, múa xoang.
Mấy năm nay, vào những tối thứ Bảy, Chủ nhật của mùa hè, những đợt lễ tết, khi rảnh rỗi, trong sân nhà già A Ling lại rộn ràng tiếng cồng chiêng, nối nhịp vòng xoang. Ông già mái tóc bạc phơ hiền lành, cần mẫn cầm tay, chỉ bảo từng em nhỏ từ cách cầm dùi, nâng chiêng, gõ nhịp chiêng, rồi đến từng động tác cơ thể, từng cách di chuyển đôi bàn chân...
Già A Ling cho biết: Để vận động được bọn trẻ học đánh cồng chiêng, múa xoang là cả một quá trình. Đầu tiên, già dạy con, cháu trong nhà, con trai đứa nào cũng thạo chiêng, biết làm đàn dân tộc, đánh đàn và hát dân ca; con gái thì biết múa xoang, dệt vải, có như vậy, khi mình nói người dân mới tin và nghe. Sau đó, già rủ mọi người, nhất là thanh niên, thiếu niên đến nhà kể cho chúng nghe về sự độc đáo, ý nghĩa, niềm tự hào đối với văn hoá cồng chiêng của dân tộc; đến khi chúng hiểu và thấy thích rồi mới từ từ chỉ bạo, dạy dỗ.
Tuy nhiên, cũng theo già A Ling, cồng chiêng là nhạc cụ dân tộc truyền thống, ai thích cũng có thể chơi được, thế nhưng để hiểu và chơi giỏi thì không có nhiều người. Chính vì vậy, già A Ling dạy hết, nhưng ông chú ý rồi tìm tòi, đào tạo cho những người có năng khiếu, kỹ năng để trở thành những thành viên chủ lực của đội cồng chiêng. Dưới sự dìu dắt của già A Ling, nhiều người đã trở thành những người đánh cồng chiêng giỏi như A Nhã, A Nhào, A Huynh, A Sông...
Không chỉ có những người trưởng thành, già A Ling còn rất chú trọng việc dạy các em nhỏ từ khoảng 9 - 14 tuổi bởi đây là lớp kế cận, tiếp nối giữ gìn văn hoá truyền thống cho mai sau. Hiện nay, trong làng Pa Cheng dưới sự dìu dắt của già A Ling và một vài người lớn tuổi khác, đã có một đội chiêng nhí.
Tôi có may mắn được đội chiêng nhí biểu diễn cho xem bài chiêng “Đón khách” (tiếng Ba Na gọi là Tach Tơ Mõi). Dù không am hiểu sâu về văn hoá cồng chiêng, nhưng khi nghe từng tiếng chiêng cất lên, tôi cũng cảm nhận được thanh âm rộn ràng, vui nhộn thể hiện sự nồng nhiệt chào đón của người dân; vòng xoang nhịp nhàng, uyển chuyển thể hiện sự thân tình, ấm áp mời khách đến chơi...
Với tài năng và những đóng góp của mình, đầu năm 2016, già A Ling đã được trao tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú. Thế nhưng, già vẫn còn nhiều điều phải trăn trở, trong đó trăn trở lớn nhất chính là chưa thể truyền dạy được kho bài sử thi đồ sộ, hoành tráng; lối kể khan độc đáo của dân tộc cho lớp trẻ.
“Cái khó của sử thi là truyền miệng; những câu chuyện lại rất dài nên rất khó nhớ, vì thế mà lớp trẻ ngại học. Không chỉ thuộc lời, kể sử thi khó nhất là người kể còn phải có tài, khiếu dẫn dắt câu chuyện, tùy hoàn cảnh, tùy ngẫu hứng người kể có thể sáng tác thêm những lời mới, ý mới nhưng không làm mất đi cốt của câu chuyện... Già cũng chưa biết làm thế nào để dạy được bọn trẻ khi mà tuổi mình thì càng ngày càng lớn, sức thì ngày một yếu đi; sắp lực bất tòng tâm rồi”- già A Ling giãi bày.
Chia tay già A Ling trong chiều muộn, dưới sự hướng dẫn của già, đội chiêng nhí của làng Pa Cheng đánh bài chiêng “Tiễn khách”, chào tạm biệt già, trong lòng tôi đan xen nhiều cảm xúc. Tôi vui khi thấy những đứa trẻ hồ hởi, chăm chú với từng nhịp chiêng xoang như sự tiếp nối tất yếu; nhưng vẫn thấy vấn vương với trăn trở của già A Ling khi còn những điều già chưa thể làm được...
Thuỳ Hương