Nghề dệt thổ cẩm của người Ba Na
Kon Tum không chỉ hấp dẫn bởi cảnh quan thiên nhiên đẹp mà còn để lại nhiều ấn tượng với những nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc. Trong đó, có thể kể đến các sản phẩm dệt thổ cẩm độc đáo của người Ba Na.
Bà Đậu Ngọc Hoài Thu - Trưởng phòng Quản lý văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Thời gian qua, với sự vào cuộc của các cấp, ngành, sự nỗ lực của cộng đồng người Ba Na trên địa bàn, nghề dệt thổ cẩm của người Ba Na đã dần phục hồi và phát triển, tạo ra những sản phẩm độc đáo, có giá trị kinh tế. Đặc biệt, niềm vui ấy còn được “nhân đôi” khi vừa qua, nghề dệt thủ công truyền thống dân tộc Ba Na của tỉnh tại các huyện Đăk Hà, Sa Thầy, Kon Rẫy và thành phố Kon Tum được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là sự khẳng định thương hiệu của các sản phẩm dệt thổ cẩm, giúp cộng đồng dân tộc Ba Na trên địa bàn tỉnh có thêm động lực để tiếp tục gắn bó với nghề.
|
Dân tộc Ba Na là 1 trong 7 DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh, gồm có 3 nhánh là Ba Na, Rơ Ngao và Jơ Lâng, sinh sống chủ yếu ở các huyện như Kon Rẫy, Đăk Hà, Đăk Tô, Sa Thầy và thành phố Kon Tum. Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Ba Na hiện tại đã phát triển mạnh, tạo thành những tổ hợp dệt vừa giúp phát triển kinh tế gia đình, tạo ra những sản phẩm hàng hóa được định hướng gắn với việc phát triển du lịch của địa phương.
Nghề dệt thổ cẩm của người Ba Na đã có từ lâu, được trao truyền từ đời này sang đời khác và duy trì cho đến ngày nay. Nghề dệt thổ cẩm đòi hỏi sự kiên trì, đôi bàn tay khéo léo cũng như sự sáng tạo của các nghệ nhân. Các thiếu nữ Ba Na từ lúc 12 - 13 tuổi đã bắt đầu được các bà, các mẹ cho đi rẫy hái bông, se sợi, dệt vải để may quần áo, chăn màn, các vật dụng bằng thổ cẩm dùng phổ biến trong đời sống thường ngày. Dệt thổ cẩm khi ấy được xem là tiêu chuẩn để đánh giá tài năng, sự khéo léo của người phụ nữ, nên đa phần phụ nữ Ba Na khi xưa đều rất khéo tay trong việc đan dệt, kéo sợi.
|
Để tạo thành tấm thổ cẩm đẹp mắt, công phu, người Ba Na trình tự thực hành qua nhiều bước. Ở giai đoạn chuẩn bị nguyên liệu, bông sau khi thu hoạch được phơi khô, loại bỏ hết tạp chất, tiếp tục lấy kén bông để tách bông ra khỏi hạt bằng dụng cụ cán bông (pơtă). Sau khi tách bông khỏi hạt, người Ba Na sử dụng dụng cụ bật bông (pơnĕnh) để làm cho bông tơi xốp, mịn màng hơn, thuận lợi khi xe thành sợi. Sau khi bông đã bật tơi xốp, người Ba Na sử dụng dụng lông nhím (so\ng khĕm) vón bông thành từng cục hình trụ tròn với chiều dài khoảng 20cm, rồi tiếp tục đưa bông vào dụng cụ xa kéo sợi (xiơ hoặc xia). Lúc này bông đã được xe thành sợi và cuộn vào thoi sợi.
Trong quá trình nhuộm sợi, người Ba Na chuẩn bị các loại củ, cây trong tự nhiên để thực hiện, sau đó họ phơi sợi dưới bóng mát. Để thuận lợi trong quá trình dệt, người làm sợi tiếp tục cuộn tròn sợi như quả bóng bằng dụng cụ cuộn sợi. Trước khi đưa vào khung dệt (‘loong tanh) để dệt vải thổ cẩm, người Ba Na giăng sợi trên khung giăng sợi (‘loong Săr) theo số lượng chỉ nhất định, tương đương với khổ vải. Sau khi giăng sợi xong, đưa thảm sợi vào khung dệt để dệt vải thổ cẩm.
Nghề dệt thủ công của người Ba Na ở Kon Tum đã tạo ra những sản phẩm mang nét văn hóa độc đáo riêng có trong trang phục, không thể pha trộn với các dân tộc khác ở Kon Tum, là sự sáng tạo trong cách dệt hoa văn. Người Ba Na ở Kon Tum vẫn duy trì cách dệt những hoa văn truyền thống, đồng thời sáng tạo nên những hoa văn, màu sắc mới nhưng không làm mất đi những giá trị cũ. Trong mỗi bộ trang phục khi khoác lên người đều mang những ý nghĩa riêng. Trang phục để mặc khi tham gia những nghi lễ thường được dệt tỉ mỉ, màu đỏ được sử dụng nhiều hơn và hoa văn cũng sặc sỡ hơn trang phục mặc thường ngày.
Trong văn hóa mặc của người Ba Na, trang phục cũng đóng vai trò tạo ra sự phân cấp địa vị xã hội trong cộng đồng. Người giàu có, quyền thế thường mặc những trang phục có nhiều màu đỏ, còn tầng lớp bình dân thường mặc những trang phục có màu đỏ, đen, vàng pha trộn, người nghèo mặc trang phục màu đen nhiều hơn.
|
Không chỉ tham gia vào đời sống văn hóa của cộng đồng, những sản phẩm dệt của người Ba Na đã tạo điều kiện phát triển kinh tế thông qua trao đổi hàng hóa giữa dân tộc Ba Na với nhau và các tộc người lân cận. Nghề dệt còn là một chuẩn mực về vẻ đẹp để đánh giá giá trị của người phụ nữ Ba Na, thể hiện sự tinh tế, tài hoa, khéo léo và tính thẩm mỹ của người dệt, là điểm nhấn để các chàng trai Ba Na lựa chọn làm bạn đời.
Để gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa quý báu của nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Ba Na, thời gian qua, tỉnh ta đã có những biện pháp tích cực, thiết thực để khuyến khích người dân duy trì và gìn giữ vốn văn hóa truyền thống của nghề dệt trong cộng đồng.
Theo đó, khuyến khích người dân trồng bông, sử dụng nguồn nguyên liệu truyền thống trong quá trình dệt; có chính sách hỗ trợ để cải tiến khung dệt, giúp người sản xuất tiếp cận kỹ thuật mới để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm dệt, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Triển khai các chương trình, dự án nhằm bảo tồn nghề; tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm dệt của người Ba Na gắn với phát triển du lịch tại địa phương. Tổ chức các nghi lễ truyền thống, thành lập các đội văn nghệ, trong đó sử dụng trang phục dân tộc khi biểu diễn các tiết mục văn hóa, văn nghệ. Giáo dục thế hệ trẻ, con em đồng bào dân tộc Ba Na hiểu và yêu quý giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình; khuyến khích theo học nghề dệt, phát huy năng lực sáng tạo của thế hệ trẻ nhằm tạo ra các sản phẩm dệt vừa mang tính truyền thống, vừa mang tính hiện đại phù hợp với thị hiếu của người dùng. Thông qua các hoạt động này đã giúp đồng bào Ba Na thêm yêu quý và gìn giữ vốn văn hóa của dân tộc mình.
Với sự hỗ trợ của các cấp, ngành cùng với sự quyết tâm của cộng đồng dân tộc Ba Na, tin rằng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Ba Na trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng phát triển mạnh, có chỗ đứng vững chắc, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao và góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc Ba Na.
Hoàng Thanh