Nét đẹp văn hóa của người Mơ Nâm
Đến với người Mơ Nâm (một nhánh của dân tộc Xê Đăng) ở huyện Kon Plông, chúng tôi như lạc vào một thế giới mới lạ với những nét văn hóa độc đáo. Ở đây, từ nếp ăn, nếp ở, tập tục, ẩm thực dường như đều khác lạ... Chính điều đó đã làm nên những nét riêng và níu chân du khách ở các vùng miền.
Vào nhà ông A Nay (75 tuổi) ở làng Kon Chênh, xã Măng Cành, chúng tôi cứ ngỡ như mình đang lạc trong “bảo tàng ghè”. Thật choáng ngợp khi đập vào mắt chúng tôi là dàn ghè hơn 40 chiếc được xếp ngăn nắp, chiếm gần như diện tích của ngôi nhà sàn.
Thấy khách ngạc nhiên, ông A Nay cười vui vẻ bảo, theo tập tục của người Mơ Nâm, có rất nhiều thứ không quy đổi được bằng tiền mà phải chứng minh bằng những bộ chiêng quý, những chiếc ghè cổ. Hơn thế, ghè gắn liền với người Mơ Nâm từ khi sinh ra, trưởng thành cho đến khi đi về với Yàng nên nhiều năm nay, ông tìm mua rồi giữ những chiếc ghè như một cách lưu giữ lại nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.
|
Trong số ghè đó có những chiếc ghè cổ cả trăm năm tuổi, là của cải nhiều đời tổ tiên ông Nay để lại; có những chiếc trị giá đến vài con trâu với hoa văn độc đáo, đặc sắc. “Nhiều người tìm đến hỏi mua những chiếc ghè cổ nhưng mình nhất quyết không bán. Mình lưu giữ, khi nào có lễ hội thì đem ra ủ rượu để cúng Yàng”- ông Nay nói.
Với ý nghĩ giữ ghè là giữ văn hóa nên không chỉ ông Nay, rất nhiều người dân trong làng Kon Chênh sưu tầm và giữ lại những chiếc ghè độc đáo. Cùng với việc giữ ghè, người Mơ Nâm nơi đây cũng chọn uống rượu ghè thay vì bia, rượu.
“Rượu ghè có một hương vị rất riêng mà không loại rượu nào có được, bởi vậy, dù bia rượu bán sẵn rất nhiều nhưng bà con mình chỉ thích uống rượu ghè thôi. Uống rượu ghè rồi ăn cơm với mắm giố nữa là không còn gì bằng đâu” – già làng A In chia sẻ.
“Mắm giố?” – cả đoàn chúng tôi tròn mắt ngạc nhiên trước tên một loại thực phẩm chưa từng nghe.
Trước sự háo hức muốn khám phá của khách đường xa, già A In liền dẫn cả đoàn đến một hộ đang có sẵn mắm giố và không quên kèm theo lời giới thiệu: Đặc sản của người Mơ Nâm đấy! Nếu ai không biết ăn thì sẽ thấy mùi rất nặng nhưng ăn được thì sẽ bị nghiện vì mùi vị quá đậm đà.
Quả như lời giới thiệu, mới chỉ chạm ngõ, chúng tôi đã nghe thum thủm mùi của thịt, cá ủ lâu ngày. Thêm một lúc lại thấy thoang thoảng mùi chua chua, thơm thơm của gạo lên men. “Mắm giố đấy! Mùi hơi lạ đúng không nhưng nghe quen là… thèm lắm thôi” – già In tiếp lời.
Ở làng Kon Chênh, nhà nào cũng biết cách làm mắm giố. Già In bảo rằng, loại mắm này chủ yếu làm từ thịt heo hoặc thịt trâu, có khi là cua, cá và cơm lúa rẫy. Nhưng dù làm bằng nguyên liệu gì thì cũng chung một công thức: Thái thịt miếng nhỏ vừa ăn, đem rửa sạch, để ráo nước. Nấu chín gạo rẫy, đem trải đều lên nia, đến khi cơm gần nguội thì cho thịt hoặc cá, cua vào trộn đều, không cho thêm bất kì gia vị gì. Sau đó, cho hỗn hợp này vào ghè, bọc kỹ lại bằng lá chuối hay bằng bao ni lông.
Tùy từng loại nguyên liệu mà khoảng thời gian ủ khác nhau. Già In bảo rằng, nếu mắm giố được làm từ thịt trâu, heo thì khoảng 1 tháng mới ăn được, còn nếu làm từ cá suối thì khoảng nửa tháng, làm từ cua thì khoảng 1 tuần là có thể thưởng thức. Người Mơ Nâm nấu chín mắm giố lại để ăn chung với cơm hoặc dùng nấu canh với rau rừng, rau lang, rau dớn…
“Mấy đoàn đến đây, ai ăn thử mắm giố cũng khen nức nở. Món ăn dân dã thôi nhưng đậm đà khó quên lắm” – già In nói.
Rời ngôi nhà với mùi vị mắm giố đặc trưng, chúng tôi tiếp tục dạo quanh Măng Cành. Măng Cành nay khác xưa nhiều lắm! Từ xã đến các thôn, làng, đường được trải nhựa, bê tông; tiệm tạp hóa, quán ăn được mở nhiều hơn... Nhưng trong sự phát triển ấy, ở Măng Cành vẫn toát lên nét yên bình, nhẹ nhàng với những lũy tre bên những nếp nhà sàn. “Người dân mình chỉ thích ở nhà sàn thôi nên dù có điều kiện, cũng không ai muốn làm nhà xây” – già In bộc bạch.
Điều đặc biệt, khi đến đây, nhà nào chúng tôi cũng thấy những kho lúa được đặt bên nhà. Kho lúa ở đây cũng tương tự như mái nhà sàn nhưng diện tích chỉ đủ để đựng những bao lúa mới gặt, thực phẩm dự trữ hay hạt giống chờ đến mùa vụ sau. Không sử dụng trụ gỗ hay tre, các cột nhà lúa được bà con Mơ Nâm bọc tôn trơn, tránh việc chuột, sóc theo chân cột leo lên phá hoại.
|
“Ngày trước bà con hay làm kho lúa tại rẫy nhưng nay đa số cất cạnh nhà để tiện cho việc lấy và bảo vệ lúa. Ở đây nhà nào cũng có kho lúa; có nhà có đến 2-3 kho” – anh A Lễ, người dân trong làng nói.
Người Mơ Nâm cũng tổ chức ăn mừng lúa mới và các lễ hội đặc biệt. Và trong lễ hội, không thể thiếu tiếng cồng chiêng, nhịp múa xoang dưới ánh lửa bập bùng. Điều đáng nói, dàn cồng chiêng của người Mơ Nâm lại có nét đặc biệt hơn so với những nơi khác, bởi nó giống như một dàn hợp xướng các loại nhạc cụ. Đầu tiên là người đánh trống, sau đó lại có 1 người thổi tà vẩu, 2 người đánh tơ rưng, 4 người đánh cồng. Xoay quanh đội cồng chiêng là dàn múa xoang uyển chuyển, nhịp nhàng.
“Đội cồng chiêng người Mơ Nâm mình hay rinh giải về làng lắm. Thấy vậy nên bà con phấn khởi và luôn động viên nhau phải giữ gìn” – ông A In khoe.
Trong số các nhạc cụ bày ra, chúng tôi khá ấn tượng với tà vẩu – một loại nhạc cụ truyền thống của người Mơ Nâm. Tà vẩu được làm từ đốt nứa già, nhìn đơn giản nhưng âm thanh phát ra nghe réo rắt, vui tai, hòa quyện với tiếng cồng chiêng như nhạc khúc núi rừng.
“Tà vẩu được xem như gia vị chính trong lễ hội cồng chiêng của người Mơ Nâm. Trong lễ hội cồng chiêng mà không có tiếng tà vẩu thì mất đi một nửa cái hồn rồi” – già A In chậm rãi nói.
Đi đã nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người nhưng thực sự khi đến với người Mơ Nâm ở Kon Plông, chúng tôi như được lạc vào một thế giới thu nhỏ với đầy đủ những sắc màu văn hóa.
Mặt trời xuống núi, rời những xóm nhỏ, cả đoàn trở về trong bịn rịn. Xe bon bon chạy nhưng đâu đó trong gió vẫn thơm thoảng men rượu cần say nồng; văng vẳng trong từng khóm cây, tiếng cồng chiêng hòa quyện với tà vẩu, tơ rưng như níu chân người ở lại; đọng lại trong những ánh mắt to tròn với hàng mi dài, cong vút là những điệu múa xoang nhịp nhàng, trầm lắng đầy mời gọi.
Luyến tiếc, bịn rịn, cả đoàn chúng tôi, ai nấy đều hẹn một ngày gần nhất sẽ trở lại đây...
Hoài Tiến