Lung Leng - Dấu ấn của tiền nhân
Đứng trên nhà rông văn hóa làng Bình Loong (xã Sa Bình, huyện Sa Thầy), tôi phóng tầm mắt về phía lòng hồ thủy điện Ia Ly theo hướng tay chỉ của trưởng thôn A Nghiêng. Dưới màn mưa tầm tã, tán lá mai dương ướt lướt thướt che kín một di chỉ khảo cổ học đã từng làm chấn động giới khảo cổ, làm thay đổi cách nhìn về vai trò của Kon Tum nói riêng, Tây Nguyên nói chung trong dòng chảy tiến hóa của loài người - di chỉ Lung Leng.
1. Chuông điện thoại reo vang. Đầu dây bên kia, giọng anh bạn đầy hứng khởi: Mai tôi dẫn mấy người bạn làm bên khảo cổ lên chơi. Ông thu xếp đưa mọi người lên thăm di chỉ Lung Leng nhé. Anh em háo hức mãi, nay mới thu xếp được thời gian.
|
Đúng rồi, Lung Leng! Nếu không có cú điện thoại của anh bạn, hẳn rằng tôi, cũng như không ít người, đã lãng quên mất Lung Leng - địa danh từng một thời làm chấn động giới khảo cổ học cả nước, làm thay đổi cách nhìn về vai trò của Kon Tum nói riêng, Tây Nguyên nói chung trong dòng chảy tiến hóa của loài người.
Lục lọi mãi trong kho ảnh cũ, tôi mới tìm ra được bức ảnh đã nhuốm màu thời gian: khai quật di chỉ Lung Leng. Bức ảnh cũ ấy gợi cho tôi nhớ đến chuyến đi hôm ấy, tôi cùng nhà báo Xuân Nhàn theo chân phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử lên khu di chỉ.
Từ đỉnh đồi xa, tôi đã nhìn thấy công trường khai quật với hàng trăm người đang hối hả làm việc. Các hố khai quật nằm dưới làng Lung Leng, ngay sát mép nước lòng hồ thủy điện Ya Ly, trước đó là dòng sông Krông Pô Kô. Một số hố đã chìm dưới nước. Công tác khai quật rất khẩn trương, các nhà khảo cổ quyết tâm hoàn thành khai quật toàn bộ di chỉ trong mùa mưa.
Nghe phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử giới thiệu mà tôi thấy giật mình (xen lẫn tự hào vì Kon Tum có Lung Leng). Từ đầu tháng 6/2001, gần như toàn bộ các chuyên gia hàng đầu của ngành khảo cổ học Việt Nam đã có mặt tại Lung Leng. Chỉ riêng Viện Khảo cổ đã đổ bộ vào đây với hơn 2/3 quân số gồm 35 người với hai phó giáo sư, 12 tiến sĩ, còn lại đều là thạc sĩ chuyên ngành.
Trên diện tích khai quật rộng 10.000m2, các nhà khảo cổ đã mở được 64 hố (100m2/hố) và đã đào được trên 4.000 công cụ đá, hàng vạn mảnh gốm, 40 mộ, 20 bếp, lò nung, chuỗi đá, rìu, chân đèn, bát... được xác định là vết tích văn hóa từ thời đại đá cũ (cách nay 20.000 - 30.000 năm) đến hậu kỳ đá mới và sơ kỳ kim khí (3.000 - 4.000 năm).
2. Chuyện về Lung Leng bắt đầu từ một ngày cuối tháng 8/1999. Ông Nguyễn Ngọc Kim - bán quán trong bãi vàng Lung Leng, khệ nệ đưa từ rừng sâu ra một thùng giấy để thương lượng bán cho Bảo tàng tỉnh Kon Tum một số cổ vật mà ông mua được từ những người đào vàng.
Khi thùng giấy được khui ra, những cán bộ của Bảo tàng tỉnh Kon Tum như... bùng nổ, bởi trước mắt họ là hơn 300 cổ vật, gồm rìu đá có vai, bôn hình răng trâu, hạt chuỗi, đá được khoan lỗ, mảnh gốm trang trí... Bằng con mắt nghề nghiệp, mọi người nhận ra ngay đây là những cổ vật vô cùng có giá trị đối với giới khảo cổ học.
Thế là ngay hôm sau, gần như toàn bộ lực lượng cán bộ nghiệp vụ của Bảo tàng tỉnh đã cắt rừng tìm vào bãi vàng nằm cách làng Lung Leng của dân tộc Ja Rai hơn 3km đường chim bay. Đến nơi, mọi người như không tin vào mắt mình: giữa bãi vàng đào nham nhở, một tầng văn hóa cổ hiện ra nằm cách mặt đất gần 1m. Trên vách các hố vàng, xuất hiện vô số mảnh gốm, có chỗ gốm ken dày đến 30cm, rải rác gần đó còn có những chum, đế bát, mảnh rìu...
|
Nghiên cứu sơ bộ nhận thấy đây là di chỉ khảo cổ học thời tiền sử, Bảo tàng đã gửi các di vật, than tro ngay ra Hà Nội để xác định niên đại tuyệt đối bằng phương pháp carbon phóng xạ C14. Ngay sau đó, những chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về khảo cổ đã bay vào Kon Tum...
Căn cứ vào những gì đã khai quật và xác định niên đại, các nhà khoa học đã dựng lại một bức tranh toàn cảnh về người tiền sử Việt Nam thuộc nhiều giai đoạn khác nhau: sớm nhất là dấu ấn văn hóa của người tiền sử hậu kỳ đá cũ, mà vết tích của họ tìm thấy trong lớp đá bị laterite hóa. Đó là những cư dân chế tác và sử dụng đá cuội ghè đẽo.
Tiếp đến là lớp cư dân tiền sử hậu kỳ đá mới, sơ kỳ kim khí với những công cụ đá mài toàn thân rất sắc nét, hoàn mỹ như chân đèn, rìu, bàn mài, khuôn đúc rìu (sự có mặt của khuôn đúc đồng xác nhận hoạt động luyện kim rất sớm của những chủ nhân tiền sử)...
Kết quả khai quật ở Lung Leng đã vén bức màn bí mật về xã hội tiền sử của Kon Tum. Theo đó, cư dân tiền sử nơi này không chỉ đạt trình độ cao về kỹ thuật mài đá chế tác công cụ đến mức tinh xảo mà họ còn là những thợ giỏi chế tác gốm. Người tiền sử Kon Tum đã có một tổ chức xã hội nhất định, kinh tế mang tính hỗn hợp, bao gồm: săn bắt, hái lượm, chế tác công cụ, trao đổi sản phẩm và bước đầu đã biết trồng trọt cũng như kỹ thuật luyện kim. Người tiền sử Kon Tum đã hình thành thế giới tâm linh thông qua việc chôn theo đồ tùy táng, tư duy về số lẻ qua các di vật tìm thấy ở trong mộ…
Trong báo cáo kết quả khai quật di chỉ Lung Leng, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử đã viết: “Với Tây Nguyên, Lung Leng là di chỉ duy nhất tìm thấy công cụ thời đại đá cũ và dấu tích luyện kim đồng thau. Lung Leng là nơi duy nhất ở Tây Nguyên tìm được nhiều công cụ đồng thau gợi lại mối quan hệ văn hóa Đông Sơn (Thanh Hóa), văn hóa Dốc Chùa (Sông Bé), văn hóa đồng thau Bắc Lào và Đông Bắc Thái Lan...”.
“Với phát hiện này, đã đến lúc chúng ta cần thay đổi một cách nhìn về một Tây Nguyên miền thượng thời quá khứ. Đây là vùng đất sớm có sự khai phá của con người và trong tiến trình phát triển văn hóa, đây là vùng đất đầy năng động, sáng tạo và có mối giao lưu rộng mở...”- ông nhấn mạnh.
3. Tôi trở lại Lung Leng trong một ngày mưa tầm tã. Do thành lập thôn mới, nên bây giờ di chỉ Lung Leng nằm ở làng Bình Loong (xã Sa Bình). Đứng trên nhà rông văn hóa, tôi phóng tầm mắt về phía lòng hồ thủy điện Ia Ly theo hướng tay chỉ của trưởng thôn A Nghiêng. Dưới màn mưa tầm tã, tán lá mai dương ướt lướt thướt che kín một di chỉ khảo cổ học đã từng làm chấn động giới khảo cổ.
Hết những ngày hối hả, chộn rộn, tất bật, một lượng lớn di vật được đem đi trưng bày ở các bảo tàng uy tín, triển lãm ở các thành phố lớn. Cái tên Lung Leng - Kon Tum được nhiều người biết đến với tư cách là một trong những di sản văn hóa lớn của cả nước, là nơi người tiền sử đã có mặt, sinh sống từ trước đây một vạn năm.
Chủ tịch UBND xã Sa Bình - Nguyễn Minh Thuận nhớ lại: Vào thời điểm khai quật di chỉ Lung Leng, tôi đang làm Bí thư xã đoàn nên cũng tham gia khai quật. Hàng chục lều được dựng lên, hàng nghàn người được thuê, được huy động đến, cả người dân, học sinh, sinh viên, làm việc miệt mài, chạy đua với nước lũ dưới sự hướng dẫn của các nhà khảo cổ học. Đất Lung Leng rầm rập người qua lại...
Thời gian dần trôi qua. Nước lòng hồ Ia Ly dâng lên phủ kín cả khu vực, ôm vào lòng những dấu tích của tiền nhân. Khu vực di chỉ nằm trong vùng bán ngập, 6 tháng ngập sâu dưới lòng hồ thủy điện Ia Ly, 6 tháng nước rút, thì cây mai dương phủ kín.
Cái tên Lung Leng cũng dần rơi vào quên lãng, không còn mấy người - kể cả người Kon Tum - còn nhớ đến, nhắc đến Lung Leng, tra cứu tài liệu trên trang web của Bảo tàng tỉnh Kon Tum cũng không còn lấy 1 dòng giới thiệu về nó. Thỉnh thoảng có đứa trẻ làng Bình Loong lội qua lội lại, ngắm nghía, tò mò muốn tìm xem dưới mặt đất lồi lõm kia có gì mà tối qua, bên bếp lửa, nghe người già nhắc lại, những ngày khai quật cách đây gần 20 năm vui ơi là vui.
|
“Nhiều đoàn khách đến đây, từng đề nghị được dẫn đến tham quan di chỉ, nhưng vào mùa nước thì chịu, chỉ thấy mênh mông nước hồ; 6 tháng nước rút thì chỉ thấy ngập trong cây mai dương- loại cây mọc dày, sống khỏe, khó diệt, đầy gai nhọn, đến trâu cũng không dám chen vào”- già làng A Jin nói vậy, kèm theo tiếng thở dài.
Phía hồ, Lung Leng vẫn nằm lặng lẽ dưới tán lá mai dương, như nó đã từng lặng lẽ hàng vạn năm.
Thành Hưng