Làng cổ Trung Lương
Hình thành từ những năm đầu thế kỉ XX, đến nay làng Trung Lương đã có hơn 100 năm tuổi. Cùng với các làng khác như Tân Hương, Lương Khế, Phương Nghĩa, Võ Lâm... làng Trung Lương đã góp phần quan trọng vào việc hình thành nên đô thị Kon Tum ngày nay.
Theo lời kể của các vị bô lão làng Trung Lương và theo một số tài liệu thì cư dân đầu tiên của làng Trung Lương có mặt ở Kon Tum là vào năm 1885, đó là ông Nguyễn Lập là người gốc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định sống bằng nghề mua bán trao đổi hàng hóa với đồng bào DTTS tại Kon Tum.
Lúc bấy giờ, hưởng ứng lời kêu gọi của Quản đạo Tôn Thất Toại là quan triều đình nhà Nguyễn thời vua Đồng Khánh, ông Nguyễn Lập đã về quê, mộ dân lên lập làng mới.
|
Đình Trung Lương nằm ở khu vực đường Nguyễn Thái Học và Phan Đình Phùng ngày nay. Đây cũng chính là vùng đất mà những gia đình đầu tiên là công dân của làng Trung Lương dựng nhà lập xóm. Lúc bấy giờ, dân làng Trung Lương sống chủ yếu bằng nghề mua bán, trao đổi hàng hóa, săn bắt thú rừng và làm lúa rẫy.
Trải qua thời gian, số lượng các gia đình người Kinh lên định cư ở làng mới ngày một nhiều, lúc này 2 ông xã Na và xã Niên là thế hệ hậu hiền khai cơ của làng Trung Lương đã đại diện dân làng xin phép quan Quản đạo Kon Tum thành lập làng và xây dựng đình.
Cũng từ thời điểm này tên gọi làng Trung Lương và đình Trung Lương chính thức ra đời. Về việc, vì sao có tên gọi là làng Trung Lương và ý nghĩa của 2 chữ Trung Lương là gì, cũng có khá nhiều lý giải khác nhau.
Có nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, Trung và Lương ở đây là chiếc ghép từ cụm từ “Trung Quốc Lương Dân”. Tuy nhiên, theo lý giải của các bô lão của làng Trung Lương thì 2 chữ Trung và Lương mang ý nghĩa gắn với nguồn gốc và tôn giáo của dân làng.
Ông Nguyễn Công An - Trưởng Ban quản lí đình Trung Lương, là con của ông Nguyễn Phùng, nguyên là Phó Lý làng Trung Lương giải thích: Lúc bấy giờ Kon Tum mới có làng Tân Hương là làng của người Kinh theo Công giáo được thành lập. Vào thời điểm đó, những người mới di cư lên Kon Tum nếu là người theo Công giáo hoặc chấp thuận theo Công giáo sẽ được chấp thuận là thành viên của làng Tân Hương. Khi Triều đình Huế bổ nhiệm ông Tôn Thất Toại lên làm Quản đạo Kon Tum mới nghĩ cách mộ dân ở Trung Châu lên đây để lập làng. Mục đích là tăng dân số cho tỉnh, thứ 2 là để cân bằng dân số giữa người theo Công giáo với người Lương. Khi đó dân làng theo ông Nguyễn Lập về đây lập làng và lấy tên của làng là Trung Lương. Chữ Trung ở đây là Trung Châu, tên gọi cũ của tỉnh Bình Định trước đây. Lương là đạo Lương, đạo ông bà, không theo đạo giáo nào hết.
Địa giới hành chính của làng Trung Lương cổ về phía bắc giáp với rừng tức khu vực đường Bà Triệu bây giờ; phía nam giáp sông Đăk Bla, phía đông giáp Lương Khế - khu vực đường Hoàng Văn Thụ ngày nay và phía tây giáp làng Plei Tơ Nghia, tức đường Nguyễn Thái Học ngày nay.
Dân số của làng Trung Lương vào thời điểm thành lập làng chừng 50 nóc nhà và chia thành 2 xóm gồm Trung Lương 1 và Trung Lương 2. Cũng như làng Lương Khế, vị trí đất lập làng của làng Trung Lương không thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp nên phần lớn dân làng sinh sống bằng nghề mua bán, trao đổi hàng hóa và làm nghề thủ công, dịch vụ. Đây cũng là cơ sở để khu vực này về sau phát triển thành khu dân cư sầm uất khi thị xã Kon Tum được thành lập.
Cũng như nhiều làng quê khác ở đồng bằng Trung bộ, những cư dân từ Bình Định lên Kon Tum lập làng mới Trung Lương cũng xây dựng đình làng để thờ thần hoàng bản xứ, thờ thánh mẫu để cầu mong cho các đấng siêu nhiên phù hộ, che chở cho dân làng được bình yên nơi rừng thiêng nước độc; thờ tiền hiền, hậu hiền để bày tỏ lòng biết ơn các thế hệ đi trước đã khai sơn, lập địa, xây dựng làng.
Ban đầu đình chỉ được xây dựng như một ngôi miếu nhỏ, đến năm 1917, dân làng đã góp công, góp của cùng nhau xây dựng nên đình Trung Lương và một phần của đình còn tồn tại đến ngày nay.
Trải qua thời gian, dấu tích còn lại của làng cổ Trung Lương không còn nhiều, các xóm nhỏ, những mái nhà xưa của làng Trung Lương giờ đã là nhà bê tông cao tầng, là những khu phố khang trang, hiện đại. Nhìn từ bên ngoài, khó có thể hình dung ra được làng cổ Trung Lương ngày ấy diện mạo như thế nào.
Tuy nhiên, để tìm hiểu được nét văn hóa của cư dân làng Trung Lương cổ, chúng ta có thể hiểu được phần nào thông qua tìm hiểu, quan sát công trình đình Trung Lương, một di tích lịch sử của tỉnh.
Theo lời kể của các bô lão trong làng, đình Trung Lương xưa kia được xây dựng theo lối nhà ngang truyền thống của Bình Định với khung gỗ, mái lợp ngói vảy và vách đất. Gian giữa là gian thờ thần hoàng bản xứ theo lối trước sau, trên dưới. Gian phía bắc thờ thánh mẫu, thờ Huyền Trân công chúa và thờ Quan Vân Trường. Gian phía tây là gian thờ cô hồn và gian phía sau là gian thờ tiền hiền, hậu hiền.
Trước đây, mỗi khi có lễ, dân làng thường mở hội linh đình, tổ chức hát bội, bài chòi cho dân làng vui chơi, thưởng thức. Trải qua hơn 100 năm thành lập làng, trải qua nhiều đổi thay và biến cố, nhưng dân làng Trung Lương vẫn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống, trong đó có các lễ hội gắn với đình làng.
Ông Quách Vĩnh Kinh - Trưởng Ban trị sự đình Trung Lương cho biết: Định kì hàng năm vào ngày 10/2 âm lịch, dân làng Trung Lương có tổ chức lễ tế Xuân để cầu cho quốc thái dân an. Mùng 10/3 âm lịch là lễ Thanh minh kết hợp với giỗ Tổ. Trong lễ này buổi sáng dân làng khiêng nhà chán đi các nghĩa trang để chỉnh trang những phần mộ không người chăm sóc, sau đó về đình làm lễ tế âm cầu cho các vong hồn được siêu thoát, phù hộ dân làng bình an. Mùng 10/8 là lễ tế Thu để bày tỏ lòng biết ơn, hiếu kính với các vị tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ lập ra đình Trung Lương. Tiếp đến là mùng 10/12 âm lịch là ngày tất niên của dân làng, đây là dịp dân làng tổng kết sau một năm vất vả lao động, sản xuất.
Gần 130 năm đã trôi qua kể từ khi những cư dân đầu tiên của làng Trung Lương vượt đèo An Khê lên Kon Tum lập làng, nhiều thế hệ mới của làng Trung Lương đã được sinh ra và lớn lên, trở thành những công dân chung tay, chung sức xây dựng tỉnh Kon Tum ngày cành phát triển.
Địa giới hành chính của làng Trung Lương cổ đến hôm nay tuy không còn nữa, nhưng việc công nhận đình Trung Lương là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh là một minh chứng của sự tri ân của thế hệ hôm nay với các thế hệ đi trước đã khai phá, dựng xây nên những ngôi làng, làm tiền đề cho việc hình thành và phát triển của thành phố Kon Tum hôm nay.
Gia Nghi