Khu vực thiêng của làng
Người Xơ Đrá (một nhánh của dân tộc Xê Đăng) ở các làng Đăk Phía, Kon Rôn, Kon Braih (xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà) thường có một “khu vực thiêng” không một ai dám “xâm phạm”...
Tìm đất thiêng cho làng
“Mỗi một lần di chuyển, tìm vùng đất mới lập làng, cùng với việc cúng làng, bà con cũng lo chọn khu vực thiêng cho làng. Việc chọn đất để làm khu vực thiêng cũng trọng đại như việc chọn đất lập làng vậy” - già làng A Vai, 75 tuổi ở làng Đăk Phía, xã Ngọc Réo mở đầu câu chuyện kể về khu vực thiêng của làng.
Theo lời già A Vai, khu vực thiêng là nơi để bà con trồng cây thuốc cho làng, đây cũng là địa điểm để bà con thực hiện nghi lễ cúng kính trong một số các lễ tục của làng. Hàng năm, ngoài ngày cúng cây thuốc cho làng, chỉ khi có lễ bắn hoặc các lễ hội đặc biệt, bà con dân làng mới được tập trung tại đây.
Già kể, những năm 1970, sau khi lập làng, bà con làng Đăk Phía liền chọn một khoảnh đất cao ráo, rộng rãi, cách nhà rông khoảng 200m để xin Yàng làm khu vực thiêng.
Sau khi tìm được mảnh đất hợp ý, cả làng liền tập trung lên nơi đây làm lễ chọn đất. “Mình phải xin Yàng xem đất này tốt không, có hợp hay không. Nếu Yàng không cho là phải tìm chỗ khác đấy” - già A Vai giải thích.
Theo lời những người già trong làng, hôm đó già làng sẽ đào lấy cây thuốc thiêng (loại cây có củ giống củ nghệ), gọt ra, chẻ làm đôi cho thật đẹp. Thế rồi, già làng đứng giữa mảnh đất, đặt 2 miếng thuốc thiêng lên cây mác rồi khấn hỏi Yàng đất có đẹp không, có hợp không, có tốt để làm khu vực thiêng hay không…
Khấn xong, già làng sẽ thả 2 miếng thuốc xuống 1 cái nia nhỏ phía dưới đất (hoặc thả trực tiếp xuống chỗ đất bằng phẳng). Nếu 2 miếng có 1 miếng sấp và 1 miếng ngửa, tức là Yàng đồng ý, đất này đẹp, và ngược lại, nếu 2 miếng đều sấp hoặc đều ngửa tức là Yàng không đồng ý.
“Già làng sẽ làm 3 lần, nếu có 2/3 hoặc 3/3 lần 2 miếng thuốc đều sấp, ngửa hợp lý thì đất đó tốt và cả làng sẽ chọn đất đó làm khu vực thiêng” – già A Vai nói.
Với làng Đăk Phía, sau khi được Yàng đồng ý, cả làng tiến hành chọn một khoanh đất nhỏ trong khu vực thiêng, nơi có cây Lung Pliang để làm khu vực thiêng nhất. Tại khu vực này, bà con sẽ tiến hành rào lại và già làng bắt đầu trồng cây thuốc của làng vào chỗ này.
“Chỗ khu vực đất thiêng và khu vực rất thiêng, không ai dám động chạm, phát cây cối gì đâu. Nhất là chỗ trồng thuốc, bà con mình chỉ được rào để bảo vệ, chỉ có già làng mới được trồng chứ không ai được vào đấy đâu” – già A Vai nói.
|
Làng Kon Rôn cũng làm lễ chọn đất như làng Đăk Phía, làng Kon Braih, nhưng theo lời kể của anh U Rớp – cán bộ văn hóa xã Ngọc Réo, ngày làng Kon Rôn chọn hướng, chọn đất, phải mất mấy lần mới được.
Thoạt đầu, khi cả làng chọn một mảnh đất theo hướng tây nhưng 3 lần cây thuốc đều thể hiện rằng Yàng không đồng ý. Cả làng phải tìm mảnh đất thứ 2 theo hướng nam nhưng vẫn không được Yàng đồng ý. Thế là cả làng phải tìm một mảnh đất ở phía xa theo hướng đông, cách nhà rông đến cả cây số thì mới được. “Đó là nguyên nhân vì sao khu vực thiêng của làng Kon Rôn xa nhất” – anh U Rớp nói.
Sau khi chọn được khu vực thiêng, làng Kon Rôn lại tiếp tục chọn khoảnh đất làm khu vực thiêng nhất để trồng cây thuốc. Tại khoảnh đất đẹp, đất tốt đã được sự đồng ý của Yàng lại không có cây Lung Pliang mọc. Chính vì vậy, sau khi già làng trồng cây thuốc rồi cả làng mới bứng cây Lung Pliang đến để trồng trong hàng rào cùng với cây thuốc.
“Mình thì không rõ ý nghĩa đâu nhưng thường thì ở khu vực thiêng nhất nào cũng có cây Lung Pliang này cả” – anh Rớp nói.
Cúng cây thuốc
Ngày trước, chỉ có người trong làng mới được vào khu vực thiêng, nay, người ngoài đã có thể vào. Nhưng tại khu vực này, ngoài ngày diễn ra lễ bắn của làng thì rất ít người đến đây và nhất là không một ai dám xâm phạm, lấn chiếm đất hoặc phát cây, ngắt cỏ ở nơi đây. Cây thuốc trong khu vực này cũng hoàn toàn không được chăm sóc, bón phân hay làm cỏ.
“Cây thuốc vẫn sinh trưởng và phát triển bình thường, bởi khi được trồng trong khu vực này, cây thuốc sẽ nhận được sự che chở, bảo bọc của Yàng đấy” – già A Ding, 80 tuổi, ở làng Kon Braih giải thích.
Để dọn dẹp khu vực thiêng, mỗi năm 1 lần, bà con ở các làng tổ chức lễ cúng thuốc. Như làng Kon Rôn, hàng năm, cứ đúng vào ngày 1/5 (hay tại làng Đăk Phía chọn ngày 30/4), bà con trong làng sẽ đến khu vực thiêng để cúng thuốc.
Trước lễ cúng thuốc, bà con sẽ họp nhau lại, bàn bạc, mỗi hộ sẽ tự chuẩn bị một cây nứa; dân làng sẽ cùng mua một con gà để làm lễ. Đến ngày, già làng sẽ bắt, xé miệng con gà cho chảy máu rồi lấy huyết rắc xung quanh khu vực trồng thuốc. Xong rồi già làng nhổ một củ thuốc, xẻ làm đôi, cũng khấn xin xem năm nay dân làng làm ăn ra sao, có gặp rủi ro gì hay không.
Sau khi cúng xong, già làng tiếp tục trồng cây thuốc vào trong khu vực rất thiêng rồi bà con, mỗi người sẽ lấy cây lồ ô của mình rào khu vực thiêng lại để lấy may.
Cúng xong, bà con sẽ cùng rời khu vực cúng để về nhà rông. Tại đây, trước khi uống rượu ghè, già làng sẽ thông báo kết quả lúc hỏi Yàng. “Nếu năm đó tốt thì già làng sẽ thông báo để cả làng mừng, còn nếu năm đó xấu thì già làng cũng thông báo để bà con cẩn trọng hơn” – già A Ding cho hay.
Sau khi làm lễ xong, sang ngày hôm sau, bà con sẽ đi tỉa lúa. “Dân làng thống nhất chọn ngày đầu tháng 5 làm lễ cúng thuốc bởi trong lễ cúng thuốc, bà con cũng xin Yàng cho mưa thuận, gió hòa, cầu xin Yàng cho mùa màng bội thu. Và sau khi cúng xong, xin Yàng xong, bà con mới đi gieo lúa” – anh U Rớp cho hay
Đối với làng Kon Braih có chút khác biệt. Bà con lại chọn ngày 25/5 để làm lễ cúng thuốc. Trước lễ, bà con sẽ đi gieo lúa cho xong xuôi nhưng không gieo hết mà mỗi nhà sẽ để lại một khoảnh nhỏ. Sau khi làm các nghi lễ cúng xong (nghi lễ cúng tương tự làng Kon Rôn, Đăk Phía), bà con ra đồng gieo lúa ở khoảnh đất chừa lại để “làm phép”. Gieo xong, bà con mới bắt đầu làm gà ăn mừng.
“Việc chọn, làm khu vực thiêng là một trong những phong tục tập quán của bà con nơi đây. Trước đây, hầu như 9 làng trên địa bàn xã đều giữ phong tục này nhưng đến nay chỉ còn 3 làng Kon Rôn, Đăk Phía và Kon Braih giữ” – anh U Rớp cho hay.
Bình An