Giữ nhịp xòe Thái đen nơi vùng biên
Tôi lắng nghe tiếng nhạc, say sưa theo nhịp múa uyển chuyển của chị em trong Đội văn nghệ “Múa xòe người Thái đen Thanh Hóa” ở thôn 9, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai. Nhịp điệu xòe Thái đen vẫn vẹn nguyên bản sắc nơi đất khách.
Cái nắng gắt của biên giới khiến tôi thấm mệt sau gần 3 giờ lặn lội để có thể đến được thôn 9, xã Ia Tơi. Gặp chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Lê Văn Quân niềm nở: Đến giờ này là hợp lý rồi, các anh đến sớm cũng không gặp được đội múa đâu, chỉ có buổi trưa hoặc buổi tối họ mới ở nhà tập luyện.
Cũng phải, người dân nơi đây đa số là công nhân cao su, luôn ở ngoài vườn cao su. Ngoài ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống, họ còn cố gắng giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, duy trì điệu múa xòe người Thái đen nơi miền biên viễn.
Trưa hôm ấy, chúng tôi dùng cơm tại nhà chị Vi Thị Quyết (36 tuổi) và được nghe chị kể lại hành trình đưa nhịp xòe Thái đen đến nơi đất khách.
|
Trong tâm thức, những nhịp múa xòe đã gắn bó với chị Quyết từ khi còn nhỏ. Ngày đấy, ở vùng quê nghèo của tỉnh Thanh Hóa, đời sống của cộng đồng người Thái đen khó khăn, thiếu thốn trăm bề, nhưng đổi lại bà con luôn đoàn kết, yêu quý bản sắc văn hóa dân tộc mình.
Những ngày làng có hội, từ con nít đến người già, ai cũng nô nức đến xem các “nghệ nhân” trong làng biểu diễn. Mẹ chị Quyết cũng là một thành viên trong đội múa của làng, chính vì thế chị không cần vội vàng đến sớm để chiếm “ghế” xem cho rõ mà chỉ cần đủng đỉnh đi theo mẹ.
Chị Quyết nhớ lại: Từ khi còn nhỏ, mẹ tôi đã dạy tôi cách múa xòe, được xem mẹ mặc trang phục truyền thống và biểu diễn ở các ngày hội. Mẹ tôi luôn dặn, là phụ nữ Thái đen phải biết xòe, phải biết thêu, dệt.
Ngày trước cuộc sống khó khăn, ban ngày lo việc đồng áng, tối đến dưới ánh đèn dầu lay lắt, chị Quyết mới được mẹ mình hướng dẫn cách múa, cách hát. Mẹ chị chỉ dạy những câu hát đơn giản nhưng ý nghĩa, sâu sắc. Cứ thế, những câu hát thể hiện tình yêu gia đình, yêu quê hương đất nước đã thấm vào tâm hồn của chị lúc nào không hay.
Để rồi, những điệu múa, câu hát ấy được chị Quyết biểu diễn cùng các bạn khi trường tổ chức văn nghệ, hội hè. Đội văn nghệ ngày đấy cũng do chị Quyết làm đội trưởng. Các thành viên trong đội có nhiệm vụ ghi nhớ lời nhạc, điệu múa, để tan giờ học, cả đội lại tập luyện cho ngày biểu diễn.
|
“Ngày trước đi học 1 tuần có 2 ngày mặc trang phục truyền thống của dân tộc, tôi cũng như các thành viên trong đội rất thích, vì có thể mặc đồ và tập luyện rồi biểu diễn như mẹ tôi, như những người nghệ sĩ của làng vậy” – chị Quyết tâm sự.
Và cứ thế, những điệu xòe dân tộc Thái cứ mãi theo chị qua từng năm học. Để giờ đây, khi xây dựng cuộc sống trên quê hương mới, chị Quyết vẫn mang trong mình tình yêu điệu xòe người Thái.
Còn nhớ, trước đây vì cuộc sống ở quê khó khăn, năm 2010, chị Quyết cùng gia đình đến tỉnh Kon Tum làm kinh tế mới theo diện công nhân cao su. Ngoài giấy tờ tùy thân, những bộ trang phục truyền thống, khăn đội đầu là những thứ quý giá được chị Quyết cũng như nhiều bà con người Thái mang đến thôn 9, xã Ia Tơi.
Những năm đầu mới đến đất khách, nhiều gia đình cùng sống chung một dãy nhà tập thể, khó khăn, thiếu thốn đủ thứ. Ngoài thời gian ngủ, bà con chủ yếu tập trung cho công việc, mong muốn có một cuộc sống đủ đầy trong tương lai. Dù vậy, mỗi khi đến ngày lễ, tết của dân tộc, tình yêu bản sắc văn hoá trong mỗi người lại khơi dậy. Họ quên đi những khó khăn hiện tại, xôn xao bàn cách thể hiện để ngày hội được diễn ra vui vẻ và đầm ấm.
Lúc này, chị Quyết tiếp tục đóng vai trò đầu tàu, đứng ra vận động chị em thành lập một đội múa để biểu diễn cho cả làng xem. Thoạt đầu, nhiều chị em ngập ngừng vì sợ không còn nhớ những điệu múa, câu hát nhưng được chị Quyết động viên, tận tình chỉ dạy nên 9 chị em đã đồng ý tham gia.
Chị Quyết nhớ lại, ngày đó cả đội múa gồm 10 người, ai nấy đều rất hăng hái tập luyện để chuẩn bị cho buổi biểu diễn đầu tiên trên quê mới tại ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Ban ngày lao động, tối đến tụ tập trước sân dãy nhà tập thể, lấy ánh sáng của bóng đèn chạy bằng máy phát của nông trường để giả làm sân khấu. Các thành viên mỗi người mỗi hoàn cảnh, nhưng chung nhau giữ tình yêu bản sắc văn hóa dân tộc nên việc tập luyện rất dễ dàng.
Ngày hội đã đến. Chị Quyết cùng các thành viên trong đội xúng xính trong bộ trang phục truyền thống, tay cầm chiếc khăn đong đưa theo từng điệu nhạc, tự tin biểu diễn trong tiếng hò reo, phấn khích của những khán giả trong làng.
Qua nhiều năm nỗ lực cùng sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống người dân thôn 9, xã Ia Tơi ngày càng phát triển. Hệ thống điện – đường – trường – trạm đã được chính quyền các cấp quan tâm đầu tư, người dân có của ăn của để, nghèo thì vẫn còn nhưng đói thì cắt hẳn. Do vậy, bà con nơi đây quan tâm nhiều hơn đến việc bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc người Thái, đặc biệt giữ gìn nghệ thuật xòe Thái đen.
|
Hiện tại, thôn 9, xã Ia Tơi có 5 đội văn nghệ với hơn 40 người tham gia, trong đó có một đội múa chính gồm 10 người, thường được tham gia biểu diễn mỗi khi trên địa bàn huyện tổ chức các chương trình giao lưu văn nghệ.
Chị Quyết cho biết: Múa xòe không quy định độ tuổi và số người tham gia. Xòe Thái có nhiều loại, với người Thái đen thường múa điệu xòe khăm khen (nắm tay nhau), đổn hôn (bước tiến lùi), Nhôm khăn (tung khăn), ỏm mọm tốp mư (vỗ tay đi vòng tròn). Thời gian qua, đội múa được UBND huyện quan tâm, đầu tư trang phục rất đồng bộ và bài bản, các thành viên trong đội rất phấn khởi và sẵn sàng tham gia các lễ hội, cuộc thi do chính quyền các cấp tổ chức.
“Hiện tại, các thành viên trong đội đang truyền dạy lại cho con em của mình, để thế hệ sau của người Thái đen có thể biết được bản sắc văn hoá dân tộc, sau này có thể nối tiếp các chị biểu diễn mỗi khi làng có lễ hội hoặc địa phương tổ chức giao lưu văn nghệ” – chị Quyết cho biết thêm.
Anh Lê Văn Quân cho biết: Từ khi đến Ia Tơi, dù cuộc sống khó khăn nhưng bà con người Thái ở thôn 9 vẫn luôn yêu quý, giữ gìn văn hóa của dân tộc mình, trong đó có điệu múa xòe. Giờ đây, khi cuộc sống ổn định, bà con nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ chính quyền các cấp nên nhiều người trong thôn nâng cao ý thức trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục phối hợp với các thành viên trong đội văn nghệ tổ chức truyền dạy điệu xoè cho các cháu học sinh.
VĂN TÙNG