Giữ nhịp chiêng ngân
Tiếng cồng chiêng của dân làng O, xã Ya Xiêr (huyện Sa Thầy) ngân vang như tiếng nước cuồn cuộn chảy, tiếng bước chân của những người thợ săn, tiếng chim líu lo trong rừng. Cầm trịch và giữ nhịp chiêng làng O ngân vang trong lễ hội là A Lươn.
|
Gặp người mê chiêng
Uống một cang rượu cần, già làng A Sút (làng O) chậm rãi cất giọng trầm ấm: A Lươn là người mê cồng chiêng, dạy cồng chiêng và dẫn dắt đội cồng chiêng của dân làng. Đội cồng chiêng dân làng luôn giành được những giải cao trong các hội thi cồng chiêng, đem vinh quang về cho dân làng, xã là do A Lươn dẫn dắt.
Nghe già làng A Sút khen, nhiều cặp mắt đổ dồn vào A Lươn. Vốn trầm tĩnh, A Lươn chỉ lẳng lặng mỉm cười. Không bỏ lỡ cơ hội, tôi làm quen, tìm hiểu cồng chiêng. A Lươn chân tình thủ thỉ: Người Gia Rai cũng như nhiều đồng bào DTTS khác ở Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng rất mê cồng chiêng. Trong các lễ hội và nhiều hoạt động văn hóa, tiếng cồng chiêng là sự kết nối giữa con người với đấng thần linh, là sự gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng, là “hồn cốt” của dân làng. Sống trong không gian văn hóa cồng chiêng, múa xoang, người dân như được trở về với chính mình. Người nào được tham gia vào đội cồng chiêng thì đó là niềm vinh dự, tự hào và ai cũng muốn trổ tài để tiếng cồng chiêng hòa nhịp, âm vang.
Từ thời niên thiếu, A Lươn mê cồng chiêng. Cũng như các bạn cùng trang lứa, không có lễ hội nào trong làng có cồng chiêng mà A Lươn không đến xem. Xem người lớn đánh cồng chiêng, A Lươn cũng như lũ trẻ trong làng thường hay tập theo và mong ước lớn lên được tham gia đội cồng chiêng của làng.
“Đam mê cồng chiêng, nghe người lớn bàn về cồng chiêng, tôi lưu giữ trong lòng. Có những đêm, tôi còn mơ thấy mình gõ những điệu chiêng. Thời gian trôi, tiếng cồng chiêng ngày càng ngấm sâu vào người. Chính vì vậy, khi trưởng thành, tôi sớm đánh thành thạo các bài chiêng và được già làng chọn vào đội cồng chiêng của làng. Trong các lễ hội, tôi không bao giờ vắng mặt (trừ đau ốm). Cùng với đội cồng chiêng của làng, tôi luôn thể hiện hết lòng để tiếng cồng chiêng ngân xa”- A Lươn tâm sự.
Bày bộ cồng chiêng quý của làng ra cho tôi xem, A Lươn chân tình bộc bạch: Người Gia Rai ở làng O rất quý cồng chiêng. Trước đây, nhiều nhà khá giả trong làng sắm cồng chiêng. Và gia đình nào, làng nào có nhiều bộ cồng chiêng thì gia đình đó, làng đó được nể trọng. Bởi để có một bộ cồng chiêng, gia đình, làng phải bỏ ra nhiều tiền hay của cải (trâu, bò) để mua, đổi cồng chiêng.
Đó là A Lươn nói thời xa xưa. Tuy nhiên, có thời điểm kinh tế khó khăn, vì nhu cầu cuộc sống và nhiều nguyên nhân khác, một số hộ gia đình đã bán cồng chiêng. Mỗi lần nghe nói có người bán cồng chiêng, A Lươn thường rất đau lòng. Song, cũng có nhiều hộ có ý thức cao, dù khó khăn đến mấy, cũng quyết không bán cồng chiêng. Những năm tháng khó khăn rồi cũng qua đi, nhất là khi Đảng, Nhà nước đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc, thì người dân làng O lại càng có ý thức giữ gìn cồng chiêng và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng. Không khó hiểu, mặc dù từng trải qua cơn lốc “chảy máu” cồng chiêng, nhưng đến nay, người dân làng O vẫn còn giữ được 12 bộ cồng chiêng, trong đó có 10 bộ cồng chiêng bằng gang (có nguồn gốc từ bên Lào) và 2 bộ cồng chiêng bằng đồng (nguồn gốc từ Việt Nam).
Mân mê bộ cồng chiêng quý, A Lươn tỏ bày: Bộ chiêng dân làng thường tham gia biểu diễn trong các lễ hội lớn thường là bộ chiêng đồng 20 chiếc. Đây là bộ cồng chiêng quý, niềm tự hào của dân làng. Khi tham gia các hội thi do ngành Văn hóa và các cấp chính quyền tổ chức, đội cồng chiêng làng O thường chọn bộ cồng chiêng bằng đồng tham dự. Và lần nào cũng vậy, đội cồng chiêng của làng O đi thi cũng đoạt giải, đem vinh quang về cho dân làng và địa phương.
Để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa
|
Để giữ cho nhịp chiêng ngân vang danh, A Lươn thường tổ chức luyện tập, dạy cồng chiêng cho dân làng O. A Lươn còn được xã mời dạy cồng chiêng cho đội cồng chiêng các làng khác và các cháu học sinh ở Trường Dân tộc nội trú. Trong làng O, khi bộ cồng chiêng nào “lạc” tiếng, dân làng cũng thường mời A Lươn chỉnh lại chiêng. Đội cồng chiêng làng O trước khi thi, lần nào A Lươn cũng tập luyện lại khoảng 1 tuần và chỉnh lại cồng chiêng.
A Đạo, tham gia đội cồng chiêng làng O tự hào khoe: Em biết đánh cồng chiêng và tham gia cồng chiêng cũng nhờ bác A Lươn. Bác A Lươn dạy cồng chiêng nhiệt tình, dễ hiểu và dễ đánh. Đội cồng chiêng làng O từ lâu đã nổi tiếng. Em rất tự hào khi được là người con của làng O.
Các bài chiêng, điệu chiêng được A Lươn dạy và tập luyện cho các đội chiêng trong và ngoài làng là: Ru con, hát giao duyên, mừng lúa mới, giọt nước, đâm trâu, lễ Pơ thi (bỏ mả), mừng nhà rông… Các bài chiêng thường có các giai điệu khác nhau. Ví như giai điệu ru con, hát giao duyên có tiết tấu trầm lắng; giai điệu mừng lúa mới, giọt nước, đâm trâu vui, trầm hùng, âm vang.
Theo quan niệm của người Gia Rai, trong các lễ hội, khi già làng cúng mời thần linh, Giàng về chứng giám thì đội cồng chiêng của làng cũng kịp thời nổi chiêng lên đón thần linh, Giàng. Việc cúng kính là thể hiện mong ước được thần linh, Giàng phù hộ cho dân làng mạnh khỏe, không ốm đau bệnh tật, mùa màng bội thu, dân làng có của ăn của để. Và trong các lễ hội lớn của người Gia Rai, dân làng thường làm cây neo cầu kỳ, có các tua bằng các sợi mỏng từ ruột nứa, lồ ô… và trang trí khá bắt mắt. Lời cầu nguyện của già làng, tiếng cồng chiêng, cây neo… là những thông điệp để dân làng kết nối với thần linh, Giàng.
Chứng kiến dân làng O tổ chức lễ hội mừng được mùa vui nhộn, tôi nghe tiếng cồng chiêng hòa với nhịp chân của đội chiêng, múa xoang cộng hưởng phát ra như tiếng nước cuồn cuộn chảy, tiếng bước chân của những người thợ săn, tiếng chim líu lo trong rừng. Tuy nhiên, những người đam mê văn hóa cồng chiêng, giữ cho nhịp chiêng ngân vang và có khả năng chỉnh chiêng, truyền dạy cồng chiêng ở các thôn, làng đồng bào DTTS không nhiều. Trước yêu cầu đặt ra, A Ỷh – cán bộ phụ trách Văn hóa – Thông tin xã Ya Xiêr bày tỏ: Mong Nhà nước quan tâm, công nhận ông A Lươn là nghệ nhân để động viên tinh thần vì ông có nhiều đóng góp cho việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng và để việc truyền dạy cồng chiêng ở địa phương trong thời gian đến có nghệ nhân “danh chính ngôn thuận”.
Đây là việc nên làm để góp phần “Làm cho văn hóa phải thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong năm 2021” và cũng phù hợp với Nghị quyết 08-NQ/TU, ngày 16/02/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI “về bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của DTTS tại chỗ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”- A Ỷh nhấn mạnh.
Văn Nhiên