Giữ gìn nhạc cụ truyền thống của các DTTS
Trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng các DTTS, nhạc cụ truyền thống có vai trò cực kỳ quan trọng, gắn liền với nhiều loại hình văn hóa truyền thống khác. Vì vậy, cùng với các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, cộng đồng các DTTS đang ra sức gìn giữ và bảo tồn những nét văn hóa dân tộc, trong đó có nhạc cụ truyền thống.
Nhạc cụ truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh rất đa dạng, sử dụng chủ yếu các vật liệu tự nhiên để chế tác như tre, nứa, lồ ô và được làm thủ công bởi bàn tay khéo léo, khả năng thẩm âm sắc sảo của các nghệ nhân. Các nhạc cụ đa dạng về loại hình, chủng loại tùy vào sự sáng tạo của các nghệ nhân, trong đó, một số loại phổ biến đã được đưa vào giáo trình giảng dạy và sân khấu hóa chuyên nghiệp như đàn tơ rưng, klong put, ding tut, sáo, ting ning, chiêng tre, trống…
|
Ông Phan Văn Hoàng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Các nhạc cụ truyền thống của đồng bào các DTTS có vai trò cực kỳ quan trọng trong nghiên cứu văn hóa, là kho tàng quý giá làm phong phú cho nền âm nhạc hiện đại với những nét độc đáo, riêng biệt. Thời gian qua, tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách đầu tư cho các dự án bảo tồn văn hóa, nhạc cụ truyền thống, qua đó phát huy sự chủ động, sáng tạo của cộng đồng các DTTS trong việc gìn giữ và phát huy. Đặc biệt, với sự tiếp sức từ dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, đã có thêm nguồn lực giúp công tác bảo tồn văn hóa, trong đó có nhạc cụ truyền thống đạt được những hiệu quả nhất định”.
Nói đến âm nhạc truyền thống của đồng bào DTTS, người ta nghĩ ngay đến những giai điệu đặc trưng mang âm hưởng núi rừng, khi trầm hùng, sôi động, khi thánh thót, du dương, tạo nên một bức tranh âm nhạc đặc sắc. Ở mỗi cộng đồng DTTS, dù cấu tạo và hình thức một số loại nhạc cụ có khác nhau, nhưng có nhiều điểm chung về thang âm, cách biểu diễn, sử dụng thang ngũ âm để sáng tác giai điệu, hòa tấu... Tùy vào mỗi không gian và sự kiện khác nhau, mỗi cộng đồng sẽ có cách phối một hoặc nhiều nhạc cụ để tạo nên một dàn đồng ca đặc trưng, qua đó biểu diễn, hòa tấu phục vụ đời sống sinh hoạt, văn hóa ở mỗi thôn, làng.
|
Là người am hiểu nhiều giá trị của nhạc cụ truyền thống, tâm huyết đưa các loại hình nhạc cụ vào con đường biểu diễn chuyên nghiệp, hiện đại hóa, nghệ sĩ ưu tú A Đuh ở thôn Kon Trang Mơ Nây (xã Đăk La, huyện Đăk Hà) cho biết: “Được tiếp xúc với cả hai nền âm nhạc hiện đại và truyền thống từ bé, tôi nhận ra một điều rằng những nhạc cụ truyền thống của các DTTS có những nét đặc trưng không thể thay thế bởi âm nhạc hiện đại. Nếu biết kết hợp truyền thống với hiện đại sẽ tạo ra những sản phẩm âm nhạc độc đáo, đồng thời “chắp cánh” giúp nhạc cụ truyền thống DTTS phát huy và bảo tồn. Nghệ nhân dân gian chơi các loại hình nhạc cụ chính là những “kho tàng sống” để khai thác chất liệu, qua đó làm phong phú thêm cho nền âm nhạc hiện đại, tạo ra những sản phẩm đặc sắc”.
Từ nguồn lực của các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn xã hội hóa, nhiều thiết chế, hoạt động văn hóa đã được khôi phục, phát triển tạo môi trường cho nhạc cụ truyền thống tiếp tục được sưu tầm, phát huy giá trị của mình. Các nghệ nhân dân gian ra sức giữ gìn, truyền bá và khơi dậy niềm đam mê văn hóa dân tộc, nhạc cụ truyền thống cho thế hệ trẻ.
Nghệ nhân ưu tú A Thăk (xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà) cho biết: “Tôi biết chơi và chế tác nhiều loại nhạc cụ truyền thống, trong đó đam mê nhất là đàn tơ rưng. Bên cạnh truyền cho con cháu các kỹ năng chơi nhạc cụ như tơ rưng, ting ning, chiêng, tôi còn giúp các em nắm được thang âm truyền thống của dân tộc Ba Na để gìn giữ, nhờ đó học và tiếp thu nhanh hơn. Thời gian gần đây, có nhiều cuộc thi, chương trình nghệ thuật có sự biểu diễn của các tiết mục truyền thống đã giúp các em nhỏ hăng say tập luyện, nhờ đó, các loại nhạc cụ truyền thống có không gian, môi trường để giữ gìn và phát huy. Bản thân tôi cũng tự hào và có thêm động lực để chế tác và truyền dạy”.
|
Năm nay dù đã gần 70 tuổi nhưng già A Tủi ở khối phố 5 (thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô) vẫn luôn miệt mài, trăn trở tìm cách để bảo tồn, lưu giữ những giai điệu truyền thống của dân tộc Xơ Đăng. Ông cũng am hiểu và chơi được nhiều loại nhạc cụ, cồng chiêng, trống, nhưng đam mê nhất là các nhạc cụ làm bằng tre, nứa, đá. Những lúc rảnh rỗi, ông thường cùng các học trò của mình lên rẫy, rừng, sông, suối nhiều ngày để tìm nguyên liệu về chế tác nhạc cụ. Ông cho rằng, qua những chuyến đi thực tế sẽ giúp học trò của ông thêm hiểu và yêu mến văn hóa truyền thống của cha ông.
Già A Tủi cho biết: “Ngày xưa chỉ cần tìm gần nhà là đã có nguyên vật liệu để chế tác rồi. Nhưng nay muốn có vật liệu chất lượng và ưng ý phải chịu khó tìm kiếm, đi vào rừng sâu. Bên cạnh kỹ năng chơi đàn, tôi còn dạy các em cách chế tác, lựa chọn nguyên vật liệu để tạo ra những sản phẩm tốt nhất”.
Nhằm nâng cao khả năng thực hành của các nghệ nhân am hiểu các loại hình nhạc cụ truyền thống, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, trong đó, chú trọng việc khảo sát, kiểm kê và hỗ trợ chính sách cho các nghệ nhân am hiểu, trực tiếp thực hành và truyền dạy. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục và Đào tạo đưa một số loại hình nhạc cụ truyền thống, âm nhạc vào hoạt động giảng dạy và ngoại khóa tại các nhà trường, địa phương. Qua đó, giúp nhạc cụ truyền thống trở nên quen thuộc và thông dụng với thế hệ trẻ, nâng cao hiệu quả trong công tác bảo tồn và gìn giữ.
Giờ đây, vào mỗi dịp lễ hội, âm thanh các loại nhạc cụ truyền thống lại vang vọng, hòa nhịp với âm nhạc hiện đại tạo thành những bản hòa tấu đặc sắc, mang nhiều giá trị nghệ thuật. Trong đời sống hàng ngày, những giai điệu nhạc cụ luôn ngân vang với những thanh âm, giai điệu mộc mạc quen thuộc, qua đó ngợi ca tình yêu quê hương, đất nước, ước vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc của cộng đồng các DTTS.
Hoàng Thanh