Giữ gìn nghề đan lát
Chiều muộn, đến thăm nhà, chúng tôi vẫn thấy ông A Luôn miệt mài đan gùi. Mỉm cười chào khách, ông thủ thỉ: “Đan cho kịp giao gùi cho người dân đặt hàng theo yêu cầu và cũng để kiếm thêm ít tiền trang trải cuộc sống”.
Trải lòng của một “nghệ nhân”
Khi nói nghề truyền thống, người Hà Lăng (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) thường nghĩ ngay đến nghề đan gùi, dệt thổ cẩm. Trong khi nghề dệt thổ cẩm ở thôn Khúc Na gần như bị mai một, thì nghề đan gùi vẫn còn có người giữ gìn và xem như là sinh kế. Người miệt mài với nghề đan lát và thường được dân nhắc đến đó là ông A Luôn ở thôn Khúc Na, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy.
Trao đổi với tôi, ông A Luôn bảo mình năm nay 73 tuổi. Kể từ khi cái chân leo núi không còn mạnh mẽ, nhanh nhẹn như xưa, ông thường gắn bó với cái nan, cái lạt nhiều hơn. Nghề đan lát tuy không kiếm được nhiều tiền, nhưng giúp ông thỏa niềm đam mê, phù hợp với sức khỏe tuổi già, kiếm thêm tiền để trang trải cho cuộc sống. Cái khó là ngày nay phải đi các suối khe ở xa để tìm achen (nứa), ktan (giang) đem về chẻ lạt đan, chứ không còn ở gần nhà như trước đây.
|
Lấy con dao vót lại mấy sợi nan, rồi ông A Luôn trầm tư kể: Cũng như người Ba Na, Gia Rai, ngày trước, đàn ông Hà Lăng dường như ai cũng học đan và biết đan. Theo truyền thống, đàn ông đan lát, săn bắn, bơi lội bắt cá; đàn bà dệt vải, nuôi con, trỉa lúa, bắp, bí, trồng bông. Chính vì vậy, ngay từ thời còn niên thiếu, cũng như bao chúng bạn cùng trang lứa, ông thường ngồi xem cha ông trong làng đan lát hay làm bẫy thú. Và khi đến tuổi trưởng thành, các công việc này ông đều thành thạo.
“Đàn ông nếu không biết đan, không thạo săn bắt, khó được các cô gái đẹp, giỏi giang trong làng thương và bắt làm chồng”- ông A Luôn cho hay.
Theo ông A Luôn, để đan lát tốt, trước hết, người đan cần học cách chẻ lạt và chọn nứa. Lạt chẻ đan gùi, nong, nia phải chọn từ cây nứa, cây giang không quá già hay quá non. Cây nứa, cây giang già quá, thân cứng, nan dễ gãy và khó đan. Ngược lại, cây nứa, cây giang non quá, lạt khi phơi khô tong teo, không đủ độ dai và bền cho gùi, nong, nia khi sử dụng. Lạt chẻ đan gùi, nong, nia thường là lạt cật. Lạt chẻ ra nên vuốt nhẹ để từng nan lạt bóng bẩy và đều như nhau. Sản phẩm đẹp, bền hay không là do người đan tỉ mẩn ở từng khâu một.
Thạo nghề và giỏi nghề đan lát, ông A Luôn thường được dân làng xem như nghệ nhân. Tuy nhiên, có thời điểm vì mải lo làm kinh tế, ông thừa nhận có lúc việc đan lát của mình cũng từng bị xao nhãng. Những năm gần đây khi tuổi cao, công việc ruộng rẫy ông làm ít lại và tập trung vào việc đan lát nhiều hơn. Điều khiến ông lo lắng là lớp trẻ bây giờ không mặn mà, không chú ý gì đến nghề đan lát, sợ mai này nghề đan cũng bị mai một. Nhận thức về điều này, ông dành thời gian đan lát nhiều hơn và xem như là cách để ông trải lòng.
Giữ gìn và phát triển nghề đan
Thấy ông A Luôn thường miệt mài ngồi đan lát, nhiều người bạn trước đây từng đan lát cũng hay đến nhà thăm chơi, ôn chuyện đan lát. Cũng có người bỏ nghề đan lát đã lâu, quên cách bắt nan nên tìm đến học hỏi, ôn lại, đều được ông tận tình hướng dẫn.
Nhìn các sản phẩm đan lát của ông A Luôn, các nan lạt đều nhau, kín kẽ và khá bắt mắt. Trong các sản phẩm thì gùi mang vai có hoa văn. Tuy nhiên, hoa văn trên gùi do ông đan không cầu kỳ như hoa văn của người Gia Rai. Và cũng giống như các sản phẩm có hoa văn của các dân tộc khác, hoa văn trên sản phẩm gùi làm theo truyền thống của người Hà Lăng do ông A Luôn đan cũng thể hiện góc nhìn, quan niệm về thế giới.
|
Tuy nhiên, A Luôn cho rằng việc đan gùi và trang trí hoa văn trên chiếc gùi như gùi xưa thường tốn nhiều công sức và giá tiền cao hơn nên ít người đặt mua. Vì vậy, ông thường đan những chiếc gùi đi rẫy, đi chơi bình thường hay nong nia, rổ rá theo yêu cầu của người dân trong làng.
Giá cả các sản phẩm do ông đan thường không cao nên được người dân trong và ngoài làng đặt đan. “Giá bán bình quân 300 nghìn đồng/cái gùi; 250 nghìn đồng/cái nong hoặc nia; 100 nghìn đồng/cái rổ xúc cá. Mỗi tháng, tôi kiếm thêm được gần 1 triệu đồng từ các sản phẩm đan lát”- ông A Luôn nói thật lòng.
Thu nhập từ nghề đan lát không cao, số người giữ nghề đan lát trong thôn Khúc Na hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lẩm nhẩm tính, ông A Luôn cho hay trong thôn chỉ còn có A Buôn, A Điêng, A Đinh, A Đung giữ được nghề đan. Tuy nhiên, những người này thỉnh thoảng mới thấy đan, chủ yếu cho gia đình dùng, ít có nhu cầu trao đổi, mua bán.
Từ thực tế cuộc sống đặt ra, để nghề này không bị mai một, ông A Luôn cho rằng, nghề đan cũng như các nghề khác, cần được trao truyền lại cho thế hệ sau. Nếu như chính quyền địa phương mở lớp dạy nghề đan cho thế hệ trẻ, ông sẵn sàng truyền dạy.
Thế hệ trẻ bây giờ không tha thiết với nghề đan lát thì cần phải tuyên truyền, vận động học nghề và mở lớp dạy nghề. Nghề gì cũng phải học, nghề đan cũng vậy. Muốn đan lát thành thạo, phải mở lớp truyền dạy. Nếu không truyền dạy, không giữ gìn và phát huy nghề truyền thống, sợ mai này sẽ không còn ai đan lát”- ông A Luôn trải lòng.
Ông A Át - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Khúc Na cũng là người trăn trở với việc gìn giữ nghề truyền thống, trong đó có đan lát. Ông A Át cho rằng đây là một trong 9 nghề truyền thống được Nghị quyết 08-NQ/TU, ngày 16/2/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI “về bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đặt ra. Để giữ gìn nghề đan lát, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho những người có tâm huyết, gắn bó với nghề và phong tặng họ là nghệ nhân để biểu dương trong cộng đồng và nhờ họ trao truyền lại cho thế hệ sau.
Chia sẻ nỗi niềm với người đan lát và ghi nhận những ý kiến của Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn A Át, ông Trần Văn Hữu - Phó Chủ tịch UBND xã Sa Bình cho biết, thời gian đến, UBND xã sẽ đề nghị chính quyền các cấp và Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân cho những người tâm huyết, giỏi nghề truyền thống.
Đồng thời để giữ gìn và phát huy giá trị nghề truyền thống, ông Hữu mong muốn những nghệ nhân, những người giỏi nghề đan lát ở địa phương như ông A Luôn đan thêm nhiều loại sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng để đem ra chợ Sa Bình bán; tham gia truyền dạy, trưng bày, triển lãm để giới thiệu sản phẩm truyền thống khi địa phương tổ chức. Đây là cách để đưa Nghị quyết 08-NQ/TU, ngày 16/2/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI “về bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đi vào đời sống.
Văn Nhiên