Giữ gìn giai điệu dân ca
Với niềm đam mê, tâm huyết và trách nhiệm, bà Y Khar (thôn Kon Kơ Lốk, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà) luôn hết lòng gìn giữ những giai điệu dân ca để góp phần làm đẹp cho đời và trao truyền lại cho lớp trẻ.
Từ UBND xã Đăk Mar đi khoảng 2 km, thôn Kon Kơ Lốk hiện lên trước mắt tôi với vẻ thanh bình và trù phú. Thông qua lời giới thiệu từ anh bạn đồng nghiệp đi cùng, tôi được biết thôn Kon Kơ Lốk là một trong những thôn giàu truyền thống, bản sắc văn hóa trên địa bàn huyện Đăk Hà.
Từ đầu cổng làng, tôi trông thấy từng tốp trẻ em đang hào hứng vui chơi. Các em tập trung thành từng nhóm để ca hát, múa nhảy. Mỗi em đều ngân nga những giai điệu có nhịp, có vần nghe êm tai.
Tò mò đến làm thân, tôi được các em “bật mí”: Đây là bài dân ca mà bà Y Khar đã dạy cho các cháu vào tối hôm qua. Bây giờ, các cháu cùng nhau hát để mau chóng thuộc bài này, để có thể được bà Y Khar truyền dạy thêm nhiều bài mới.
|
Qua đôi câu trò chuyện, tôi được các em nhỏ tận tình chỉ dẫn đến nhà nghệ nhân Y Khar. Ấn tượng đầu tiên đối với tôi là căn nhà bà mang đậm nét truyền thống, văn hóa của người Xơ Đăng. Nếp nhà sàn, chiếc đàn t’rưng, nhành địa lan, tất cả đều cho tôi một cảm giác hết sức mộc mạc và gần gũi.
Thấy khách đến thăm, nghệ nhân Y Khar xởi lởi ra tiếp đón và mời chúng tôi vào nhà. Vì đã hẹn trước, nên khi chúng tôi nhờ giúp đỡ tìm hiểu những giai điệu nghệ dân ca của người Xơ Đăng, nghệ nhân Y Khar sốt sắng nhận lời.
Với giọng nói trong trẻo, nghệ nhân Y Khar dẫn dắt chúng tôi vào câu chuyện của mình: “Từ năm 1982, khi Gia Lai - Kon Tum còn chưa tách tỉnh, mình đã ở trong đội nghệ thuật và được đi nhiều nơi biểu diễn, ca hát. Cũng nhờ thế, mình có cơ hội được tiếp xúc với nhiều nét văn hóa, nghệ thuật của nhiều dân tộc ở Tây Nguyên. Dần dà, chẳng biết từ bao giờ, mình đã yêu những điều thuần túy, truyền thống trong văn hóa nghệ thuật của các dân tộc Tây Nguyên nói chung, của người Xơ Đăng mình nói riêng”.
Ngày đó, bố của nghệ nhân Y Khar là ông A Ray vẫn còn sống. Ông là già làng của thôn Kon Kơ Lốk. Thấy con gái mình đam mê nghệ thuật, ông hết sức ủng hộ. Cũng chính vì thế, ông thường xuyên chia sẻ vốn kiến thức về văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc Xơ Đăng với con gái. Những nơi ông từng qua, những nơi ông từng đến, những điểm “chấm phá” khác biệt trong từng giai điệu, nhạc cụ, ông đều ghi nhớ và truyền lại với con gái.
|
Tựa như phù sa ngày càng bồi đắp cho đồng ruộng thêm màu mỡ, từ nền tảng kiến thức dân ca do bố truyền dạy, nghệ nhân Y Khar ngày càng dày dặn và trưởng thành hơn. Khi đã đủ “chín”, nghệ nhân Y Khar thường đi nhiều thôn làng gặp những già làng, nghệ nhân để tiếp tục thu thập, khôi phục thêm những giai điệu dân ca truyền thống của người Xơ Đăng trước nguy cơ bị mai một. Bởi thế, một khi ghi nhớ được giai điệu nào đấy, bà nhanh chóng sáng tác, phổ lời cho bài dân ca. Tiếp theo đó, bà nhiệt tình truyền dạy lại cho lớp trẻ, để giai điệu truyền thống này không bị thất lạc.
Thấm thoát cũng đã hơn 40 năm, nghệ nhân Y Khar vẫn âm thầm đi trên con đường mình đã chọn. Đến nay, bà đã tìm được 13 giai điệu dân ca truyền thống của dân tộc Xơ Đăng. Không chỉ phổ lời cho từng bài dân ca, nghệ nhân Y Khar còn kết hợp giai điệu này phối âm với các nhạc cụ truyền thống, như đàn t’rưng, k’lông pút, cồng chiêng.
Lật cuốn sổ với những trang giấy ngả vàng theo thời gian, nghệ nhân Y Khar tâm sự: “Các giai điệu dân ca cổ truyền của người Xơ Đăng chúng tôi không ghi các nốt nhạc như các bài hát hiện đại. Chính vì vậy, quá trình ghi nhớ, thu thập các giai điệu không phải là chuyện dễ dàng. Đầu mình phải nhớ, còn chỗ nào khó thì phải ghi chú ra cuốn sổ tay này. Có như vậy, dù sau này bản thân có quên, mình cũng có thể tìm lại giai điệu thông qua cuốn sổ tay này”.
Theo nghệ nhân Y Khar, từ tháng 12/2019 trở về trước, khi bà còn công tác ở xã, là quãng thời gian bận rộn nhất. Chính vì vậy, bà thường xuyên phải phân chia thời gian hợp lý cho công việc, cho gia đình và cho niềm đam mê, tâm huyết của mình. Hàng ngày, sau khi tan làm giờ hành chính, bà chăm lo chu toàn việc cho gia đình. Đêm đến, bà lại lọ mọ, hoàn thiện, phổ lời cho những giai điệu truyền thống mà mình thu thập được. Mỗi dịp cuối tuần, khi mọi người dành thời gian để nghỉ ngơi, bà lại lặn lội đến những thôn làng xa xôi, tiếp tục gặp gỡ với nhiều người mới để tìm hiểu, bồi đắp thêm những giai điệu, những nét văn hóa của dân tộc mình.
Nghệ nhân Y Khar cười rạng rỡ: Công việc trông bận rộn như thế, nhưng vì niềm đam mê, mình làm không thấy mệt. Bây giờ khi đã nghỉ hưu, lượng công việc giảm bớt, mình có nhiều thời gian hơn để dành cho niềm đam mê của mình. Tận dụng những thời gian rảnh rỗi, mình mở thêm các lớp dạy cồng chiêng, nhạc cụ và các giai điệu dân gian cho lớp trẻ.
Lớp học đầu tiên được nghệ nhân Y Khar mở vào năm 1998. Và 25 năm qua, bà vẫn thường xuyên truyền dạy văn hóa nghệ thuật truyền thống cho thế hệ trẻ trong làng. Trong đó, có những học trò của bà, bây giờ lại tiếp tục mang con của mình đến học. Cứ như thế, bà Y Khar gửi gắm niềm đam mê dân ca của dân tộc mình cho thế hệ trẻ. Những lớp dạy này đều được hoàn toàn miễn phí, bà chỉ mong con cháu tiếp tục giữ gìn và phát huy.
|
Với niềm đam mê cùng sự cống hiến của mình trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nghệ nhân Y Khar được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2015; Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum trao Chứng nhận đã có những cống hiến xuất sắc trong công tác hỗ trợ luyện tập cho các đội tham gia Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS tỉnh Kon Tum năm 2022; Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà tặng giấy khen đã có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các DTTS huyện Đăk Hà giai đoạn 2011 - 2015.
Hiện nay, dù tuổi đã cao, nhưng nghệ nhân Y Khar vẫn không ngừng nỗ lực. Bà vẫn nhớ như in những lời mà bố mình đã dặn: “Bản thân con có thể múa, ca hát và thành thạo nhiều loại nhạc cụ dân tộc, đó là năng khiếu của con. Hãy dùng niềm đam mê, nhiệt huyết của mình để truyền tải những giai điệu nghệ thuật dân gian đến với mọi người, đóng góp cho “sắc màu” văn hóa của dân tộc”.
Tất Thành