Gia đình Ja Rai và báu vật trao truyền
Nghe phong tục chia chiêng, ché khi con trai đi lấy vợ, con gái đi lấy chồng của người Ja Rai, tôi hỏi đùa cô bạn Y H’Lan - người vừa mới “bắt” chồng: “Thế cậu có được bố mẹ chia chiêng, ché làm của hồi môn không”? Cô bạn tôi cười. Nụ cười duyên dáng của cô gái Ja Rai càng khiến cho sự tò mò của tôi nhân lên gấp bội. Thế là tôi quyết tâm tìm hiểu về nét văn hóa độc đáo này của dân tộc Ja Rai…
Báu vật trao truyền
Làng Kép Ram (xã Hòa Bình) cách trung tâm thành phố Kon Tum không xa. Ngôi làng nằm bên hồ Đăk Yên – công trình thủy lợi quy mô được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư hàng chục tỷ đồng để phục vụ nước tưới cho cây trồng của 6 xã, phường nằm ở ngoại ô thành phố Kon Tum.
Nhà cô bạn Y H’Lan ở đầu làng; ngôi nhà sàn khá to và sạch đẹp. Y H’Lan may mắn sinh ra trong một gia đình có bố mẹ rất hiểu biết và luôn ý thức cho con cái học hành để không nghèo cái chữ.
Nhìn những tấm bằng khen được các cấp trao tặng “Gia đình hiếu học” và những tấm hình mà bố của H’Lan – già A Dih vinh dự được ra Hà Nội tham dự Hội nghị Gia đình hiếu học toàn quốc treo trên tường nhà, tôi thấy cảm phục gia đình bạn thật nhiều.
Từ dưới nhà bước lên, thấy tôi ngắm nhìn chăm chú những bức hình và tấm giấy khen, bằng khen, già A Dih (năm nay đã 80 tuổi) tự hào khoe: Gia đình già hiện có 5 người con đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng; có người bây giờ đã là bác sĩ công tác ở Thành phố Hồ Chí Minh…
Già A Dih cho biết, trước đây, cuộc sống gia đình khó khăn lắm, nhưng càng khó khăn vợ chồng càng động viên con cái phải học tập thật giỏi để mong có cuộc sống tốt đẹp hơn bố mẹ mình.
Nghe Y H’Lan bảo chúng tôi muốn tìm hiểu về phong tục trao truyền chiêng, ché cổ quý của đồng bào Ja Rai ở làng Kép Ram, già A Dih mời chúng tôi lên nhà sàn.
|
Trong góc nhà, 8 chiếc ghè, ché cổ quý của người Ja Rai được bố mẹ vợ ông chia cho từ ngày vợ chồng ông lấy nhau rồi ra riêng đến giờ được cất giữ cẩn thận như báu vật trong nhà.
Truyền thống của đồng bào Ja Rai xưa kia là sau khi con cái đi lấy vợ, lấy chồng (không phân biệt con trai, con gái) đều được bố mẹ chia của hồi môn gồm những chiếc chiêng, ché cổ quý. Những chiếc chiêng, ché này được con cháu gìn giữ và truyền từ đời này sang đời khác, dù thế nào cũng không được bán bởi nó được xem là vật thiêng – già A Dih chia sẻ với chúng tôi về nét đẹp văn hóa của dân tộc mình với niềm tự hào.
Giới thiệu cho chúng tôi tên từng chiếc ché đặt ở góc nhà: Chẻ Tốt, Chẻ Lem, Chẻ Nhan, Chẻ Hron (2 chiếc), ghè Kha, ghè Vean Dac, ghè Dơ Krun, già A Dih bảo quý nhất là Chẻ Tốt – được xem là chiếc ghè thiêng nhất.
Ngày trao tặng cho vợ chồng ông những chiếc chiêng, ché cổ quý, bố vợ ông – già A Yoang căn dặn phải cất giữ thật kỹ, nhất là Chẻ Tốt không được cho ai đụng vào.
Già A Dih giải thích thêm, sở dĩ có tục kiêng cữ như vậy vì người Ja Rai quan niệm, trong gia đình, Yàng thường trú ngụ trong những chiếc ché, ghè thiêng nên nếu ai đó đụng vào chiếc ghè sẽ thất lễ với Yàng. Và vì Yàng ngụ trong nhà nên theo phong tục truyền thống, mỗi năm, gia đình già A Dih thường mang ghè thiêng ra cúng; khi có điều kiện thì tổ chức ăn trâu, ăn bò hoặc ăn heo, ăn dê để khấn Yàng phù hộ.
Thực hiện đúng lời bố vợ căn dặn, già A Dih luôn nhắc nhở con cháu nâng cao ý thức gìn giữ báu vật thiêng của gia đình và đặc biệt là không ai được tự ý đụng vào ghè thiêng đặt ở góc nhà.
Ngoài 8 chiếc ghè cổ quý, vợ chồng già A Dih còn được bố mẹ chia cho 2 bộ chiêng quý. Cách đây mấy năm, trong làng có người mất, bà con dân làng có đến nhà già A Dih mượn 1 bộ chiêng quý để mang ra đánh khiến một số chiếc đã bị thất lạc. Từ đó đến nay, chiêng quý đã được già A Dih giao cho con gái Y H’Lan cất giữ cẩn thận, trong nhà có việc quan trọng mới mang ra.
Mất chiêng như mất đi người thân
Già A Dih cho biết, ngoài vợ chồng ông thì 3 anh, chị em bên vợ gồm già A Gim (anh cả), A Gip (anh thứ) và em gái út Y Bu sau khi lập gia đình cũng được bố mẹ tặng cho mỗi người 2 bộ chiêng và những chiếc ghè, ché cổ quý.
Già A Dih đưa chúng tôi sang thăm nhà anh trai cả A Gim - người cũng có thâm niên mấy chục năm làm già làng ở làng Kép Ram nhưng mới xin nghỉ để truyền lại cho người khác vì lý do sức khỏe.
|
Ngồi trên nhà sàn, già A Gim chăm chú đan từng chiếc rớ đơm cá. Nghe A Dih giới thiệu bạn của cô cháu gái mình muốn tìm hiểu về phong tục tặng chiêng, ché cho con cái làm của hồi môn của người Ja Rai, già A Gim vào nhà lấy bộ chiêng (8 chiếc) ra khoe.
Cẩn thận lau từng chiếc chiêng, già A Gim cho biết, bố của ông ngày trước tên A Yoang là già làng mấy chục năm ở làng Kép Ram và nổi tiếng là người giàu chiêng, ché ở làng.
Già A Gim nhớ, ngày xưa bố mẹ ông có rất nhiều trâu bò. Việc chăn nuôi trâu bò ngoài để dùng làm vật hiến tế cho các lễ hội truyền thống của đồng bào Ja Rai, bố mẹ ông còn dùng để đổi lấy chiêng, ché. Có khi A Gim thấy bố mẹ phải đổi mấy con bò hoặc trâu mới có được một bộ chiêng hoặc chiếc ché. Chiêng, ché được bố mẹ ông cất giữ rất cẩn thận trong gian giữa của nhà sàn. Với dân tộc Ja Rai, nhà nào có càng nhiều chiêng, ché càng chứng tỏ được sức mạnh và sự giàu có.
Dù trải qua những năm tháng chiến tranh nhưng già A Gim và các em mình luôn cố gắng gìn giữ báu vật do bố mẹ để lại như một cách để nhắc nhở bản thân và con cháu luôn nhớ về cội nguồn, gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Ja Rai. Già A Gim cho biết, từ sau giải phóng đến nay cũng có nhiều người đến nhà hỏi mua với giá cao nhưng già nhất quyết không bán.
Đang kể chuyện, bỗng giọng già A Gim chùng lại, đôi mắt nhìn về khoảng xa xăm: Cách đây khoảng 7 năm, bộ chiêng quý (chiêng Lào) của đứa em trai thứ hai tên Y Gip ở cùng làng Kép Ram đã bị kẻ trộm đột nhập lấy cắp… Anh em trong nhà buồn lắm. Nỗi buồn ấy cứ dai dẳng mãi, cảm giác như mất đi người thân của mình vậy.
Lần mất chiêng ấy, anh em họ hàng và bà con ở làng Kép Ram đề phòng hơn. Vì vậy, ngày thường, nếu có ai đến làng muốn xem chiêng, ché cổ của người Ja Rai rất khó để xem được, nếu không quen biết – già A Gim cho biết.
|
Anh A Phách - cháu rể của già A Gim cho biết, hiện tại anh cũng đang lưu giữ những chiếc ché và bộ chiêng quý do mẹ vợ anh (em gái út của già A Gim) để lại. Cách đây mấy năm, cũng có người tìm đến nhà trả giá bộ cồng chiêng quý mấy chục triệu đồng. Dù cuộc sống gia đình khi ấy rất khó khăn nhưng hai vợ chồng anh nhất quyết không bán chiêng, bởi như thế sẽ mang tội với ông bà, cha mẹ.
Ngày nay, mỗi khi dựng vợ gả chồng cho con cái, người Ja Rai ở làng Kép Ram không còn đủ chiêng, ché để tặng cho con cái làm của hồi môn như xưa kia. Nhưng những bộ chiêng, ché cổ quý đang lưu giữ trong các gia đình vẫn được các ông bố, bà mẹ trao truyền lại cho đứa con ở chung với mình để tiếp tục gìn giữ.
A Phách cho biết, anh có 3 người con. Đứa con trai đầu đã lấy vợ. Dù không có nhiều chiêng, ché để chia cho các con khi dựng vợ, gả chồng như trước đây nhưng anh vẫn luôn nhắc nhở các con mình phải ý thức gìn giữ báu vật ông bà, cha mẹ để lại.
Nói về ý thức gìn giữ chiêng ché truyền thống của đồng bào Ja Rai, cô bạn Y H’Lan chia sẻ: Đã gọi là báu vật của ông bà để lại thì dù cuộc sống có nghèo khó cỡ nào thì mình cũng quyết định không bán để chiêng, ché cổ luôn được lưu truyền mãi và đây cũng là cách để góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Ja Rai.
Bài, ảnh: Tú Quyên