Già A Binh chỉnh chiêng giỏi
Với vóc người nhỏ nhắn, đôi tay nhanh nhẹn, đặc biệt là biệt tài chỉnh chiêng, già A Binh (82 tuổi), trú tại làng Plei Rơ Wăk, xã Đăk Năng, thành phố Kon Tum đã để lại ấn tượng đặc biệt với ban giám khảo và khán giả tới xem Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS thành phố Kon Tum lần thứ nhất năm 2022.
Được mời ngồi tại vị trí ban giám khảo, nghệ nhân A Biu đảm nhiệm việc trực tiếp kiểm tra, làm sai âm sắc của chiêng để các nghệ nhân chỉnh sửa lại cho đúng trong phần thi chỉnh chiêng. Khi đến kiểm tra bộ cồng chiêng của già A Binh, nghệ nhân A Biu dường như đã quá quen với cái tên này và thốt lên rằng: Ôi, đây vốn đã là một “siêu sao” trong giới chỉnh chiêng rồi.
Thế mới thấy, A Binh đã là một nghệ nhân chỉnh chiêng lão làng, khẳng định được năng lực, uy tín và được nhiều người biết đến. Trước bộ chiêng dự thi của A Binh, nghệ nhân A Biu đã cầm búa chỉnh chiêng và gõ mạnh vào nhiều vị trí khác nhau của một chiếc chiêng nhằm tăng sai số của âm sắc, tăng mức độ khó cho bài thi. Tuy nhiên, điều này cũng không thể nào làm khó được già A Binh. Trong số 5 thí sinh dự thi, già là người hoàn thành bài thi chỉnh chiêng nhanh nhất, chỉ chưa đầy 2 phút. Bằng đôi tay nhanh nhẹn, khéo léo và quyết đoán, chỉ cần gõ nhẹ vào chiếc chiêng, lắng nghe và cảm nhận âm thanh của tiếng chiêng phát ra, già A Binh đã biết được chiếc chiêng sai số đến mức nào, rồi già dùng búa chỉnh chiêng gõ đúng vào những vị trí cần thiết với lực búa phù hợp để âm sắc của chiêng trở về đúng với độ cao của nốt nhạc ban đầu. Chỉ sau vài tiếng búa gõ và tỉ mỉ lắng nghe, già A Binh đã đưa những chiếc chiêng sai số trở về đúng với nốt ban đầu.
|
Khi già A Binh đã hoàn thành bài thi, những nghệ nhân khác vẫn đang chăm chú vào phần thi chỉnh chiêng của mình. Trong đó, có người phải sử dụng ứng dụng đo âm thanh trên thiết bị di động để đo tần số âm thanh và chỉnh nốt các chiêng cho đúng.
Được hỏi về bí quyết chỉnh chiêng nhanh và chuẩn, già A Binh chia sẻ: “Lúc 9 tuổi, đi chơi cùng bạn bè bên làng Plei Tơ Nghia (phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) thấy những người lớn tuổi trong làng chỉnh chiêng, tôi rất thích thú và quyết tâm theo học nghề. Từ đó, tôi thường xuyên đến làng Plei Tơ Nghia để học đánh cồng chiêng, học chỉnh cồng, chiêng”. Vốn đam mê âm nhạc, lại cảm âm tốt nên già A Binh học rất nhanh và nhanh chóng thành thạo nghề chỉnh chiêng. Đến nay, già cũng đã tích lũy cho mình khoảng 60 năm kinh nghiệm chỉnh sửa cồng chiêng, được nhiều người từ các làng khác tìm đến nhờ sửa giúp cồng chiêng của làng khi bị sai âm.
Chỉnh chiêng giỏi là thế, tuy vậy, hiện nay già A Binh vẫn rất băn khoăn, trăn trở vì vẫn chưa truyền lại được nghề chỉnh chiêng này cho một ai trong làng. “Hiện nay, tôi rất muốn dạy lại nghề chỉnh chiêng cho lớp trẻ trong làng nhưng các cháu không muốn học. Một phần vì hiện nay âm nhạc hiện đại phát triển quá nhanh, các cháu thích nghe nhạc hiện đại nhiều hơn; một phần vì đây là một bộ môn đòi hỏi phải có kiến thức âm nhạc nhất định, phải có năng khiếu cảm nhận âm thanh tốt thì mới làm được nên tìm người truyền nghề là rất khó. Gần đây, tôi thấy có 1 người cháu cũng có chút năng khiếu nhưng tôi đã dạy cho gần 2 năm nay rồi mà vẫn chưa thành thạo nghề sửa cồng chiêng, tôi sẽ tiếp tục hướng dẫn cháu trong thời gian tới đây.” - già A Binh chia sẻ.
PHAN NGHĨA