Độc đáo món lá mì của người Gié - Triêng
Không chỉ nổi bật với những làn điệu cồng chiêng, trang phục thổ cẩm có nhiều nét riêng, mà người Gié - Triêng (huyện Đăk Glei) còn có ẩm thực hết sức độc đáo, đậm đà hương vị được chế biến từ lá mì. Món ăn dân dã này luôn có sức hấp dẫn, có thể làm say mê với bất kỳ thực khách nào khi có dịp thưởng thức.
Xã Đăk Choong (huyện Đăk Glei) đón chúng tôi bằng một cơn mưa nặng hạt, mới xế chiều nhưng bầu trời gần như tối sầm lại. Mưa lớn, cả đoàn công tác phải tạm dừng chân ngang đường. Dưới mái hiên của một lán bếp nhỏ, cả nhóm ai nấy đều thấm ướt. Chờ cơn mưa như trút nước qua đi, chúng tôi xin phép gia chủ tá túc.
Tranh thủ bên ánh lửa bập bùng trong lán bếp, cả nhóm sưởi ấm, hong khô người. Cái mùi cay cay của khói củi như gợi lại cho mỗi chúng tôi về những kỷ niệm ngày xưa, quanh bếp lửa gia đình mình.
Đang ôn lại kỷ niệm một thời, bỗng tiếng bước chân của một thiếu nữ từ ngoài tiến vào lán bếp. Cô đang cõng trên vai chiếc gùi với đầy lá mì. Cô tên là Y Tim. Trông thấy chúng tôi, cô tươi cười: “Các anh là khách trú mưa phải không? Có muốn ở lại đây dùng bữa với gia đình em không? Hôm nay, em hái được nhiều lá mì lắm! Em sẽ chiêu đãi mọi người món ăn truyền thống của người Gié - Triêng nơi đây”.
Nhận được lời mời, tôi thấy rất vui và cảm ơn rối rít. Bởi từ trước đến nay, bản thân cũng ít có dịp được thưởng thức những món ăn truyền thống của người Gié - Triêng.
Lấy từng bó lá mì ra khỏi gùi, Y Tim trò chuyện với chúng tôi: “Từ xưa đến nay, lá mì là một món ăn quen thuộc, gắn bó với người Gié - Triêng qua bao thế hệ. Từ cây mì gòn, chúng em lựa chọn những lá non và ngọn làm nguyên liệu. Không nên hái lá mì già, vì khi ăn sẽ bị dai, kém ngon”.
|
|
Lá mì hái về được Y Tim lặt riêng ra, sau đó vò trong 2 lòng bàn tay với muối liên tục cho ra bớt nhựa. Quá trình này phải được làm nhanh chóng, nếu để thời gian lâu, nhựa dính vào tay sẽ rất ngứa. Vò chừng 20 phút, khi gùi đựng lá mì đã hoàn toàn trống rỗng, Y Tim gật đầu tỏ vẻ hài lòng.
Số lá mì sau khi vò được Y Tim cho vào rổ, mang ra ngoài rửa (khoảng 2 -3 lần nước) cho thật sạch nhựa, rồi đưa vào chế biến. Cách chế biến cũng khá đơn giản. Lá mì sau khi rửa, được vắt khô, Y Tim dùng một chiếc chảo lớn, bắc trên bếp lửa, phi hành-dầu mỡ, rồi tiến hành xào lá mì ngay. Với bà con Gié - Triêng, lá mì có thể xào chung với các loại thịt (sóc, chuột, heo…) hoặc với cá suối, ăn rất ngon.
Y Tim khoe: “Món lá mì xào là một trong những cách chế biến đơn giản và thông dụng nhất. Ngày xưa khi các phương tiện giao thông chưa phát triển, bà con thường đi bộ lên rẫy mang theo cơm và lá mì xào. Đến bữa, bà con sẽ ăn cơm tại chỗ, sau đó tiếp tục các phần việc cho đến tận chiều tối mới trở về. Cũng chính vì thế, đối với mỗi người Gié - Triêng, món lá mì xào dường như trở thành một phần ký ức”.
Sau khi chứng kiến tất cả các quá trình chế biến món lá mì xào, tôi quay sang chị Y Lộc - người đang chế biến món lá mì nấu canh bột. Theo chị cho biết, đây là món ăn chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, dễ ăn, có thể dành cho người bị ốm. Đồng thời món ăn này còn có tác dụng giúp giải rượu, thường được bà con chế biến sau các bữa ăn trong những dịp lễ hội, tết của thôn, làng.
Bắt đầu chế biến món ăn này, chị Y Lộc lấy ra một chiếc nồi đã ngâm sẵn gạo trong nước tầm 20 phút. Chờ cho đến khi gạo nở, chị Y Lộc vớt gạo ra rồi cho vào cối giã nhuyễn, cho qua rây để lấy bột mịn. Tiếp đến, chị Y Lộc bắc nồi nước lên bếp, nấu cùng với các loại nguyên liệu như nấm mối, nấm thông, bắp non, măng, bí, khoai lang.
Trong thời gian chờ nước sôi, chị Y Lộc nhanh tay lấy lá mì đã vò sẵn, xắt nhỏ cho rồi bỏ vào nồi nấu. Đun chừng 30 phút, cho đến khi các loại nguyên liệu trở nên nhuyễn, mềm nhừ, chị Lộc mới lấy bột gạo cho vào. Theo chị Y Lộc, đây là công đoạn hết sức quan trọng, quyết định đến món ăn có ngon hay không. Vừa thực hiện thao tác khấy đều tay, chị Y Lộc vừa thủ thỉ: “Dù không khó, nhưng cách chế biến món ăn này đòi hỏi sự kiên trì. Thời gian nấu quá nhanh, hoặc quá chậm đều ảnh hưởng đến hương vị của món ăn. Đặc biệt, kể từ công đoạn cho bột vào nồi, người chế biến cần luôn để ý, phải khuấy liên tục, không được ngơi tay để bột chín, tan đều. Đến khi ta có cảm giác hỗn hợp trong nồi đã nhuyễn, không bị vón cục thì tiếp tục đổ thêm nước. Lúc này, người nấu tự ước lượng mực nước sao cho hỗn hợp không bị lỏng, cũng không quá đặc là lúc món ăn được hoàn thành. Đây chính là món canh bột của người Gié - Triêng”.
Chỉ trong chốc lát, 2 món ăn của người Gié - Triêng được chị Y Lộc và Y Tim chế biến với nguyên liệu chính từ lá mì đã hoàn thành. Nhanh chóng soạn từng món ăn ra đĩa, hai chị em chiêu đãi chúng tôi. Từ mùi hương ngào ngạt, đượm vị dân dã của 2 món ăn đã khiến chúng tôi không thể kìm lòng.
|
Đối với lá mì xào, món ăn có vị thanh mát của rau rừng, kết hợp với vị bùi bùi đặc trưng của lá mì hòa quyện với các loại thịt với nhau. Trong tiết trời se lạnh, món ăn này với cơm khiến chúng tôi không thể chê vào đâu được.
Đối với canh bột thì ngược lại, món ăn này không dùng để ăn với cơm mà ăn theo kiểu như ăn cháo, hay ăn súp, bởi vì trong nguyên liệu đã có bột gạo. Món ăn mang vị ngọt đậm đà của các loại nguyên liệu rau, củ, quả, nấm hòa quyện với hương vị của lá mì, mang đến cho ta một cảm giác khó tả, đầy hấp dẫn. Bởi thế, cả nhóm chúng tôi ai nấy đều chăm chú ăn và không ngớt lời khen ngon.
Sau bữa ăn, cơn mưa nặng hạt cuối cùng cũng đã ngừng hẳn. Chúng tôi lại tay xách, nách mang, lỉnh kỉnh đồ đạc chất lên xe để tiếp tục chuyến hành trình của mình. Gửi lời cảm ơn đến chị Y Lộc và Y Tim, mỗi người trong nhóm chúng tôi đều cảm thấy thật may mắn vì vừa có được một trải nghiệm thật thú vị. Riêng tôi thì thầm cảm ơn trận mưa nặng hạt bất thần ấy đã cho tôi cơ hội thưởng thức ẩm thực độc đáo của người Gié - Triêng, được chứng kiến sự hiếu khách, nhiệt tình của bà con người Gié -Triêng ở vùng đất này.
Tất Thành