Độc đáo lễ cúng tạ ơn của đồng bào Ja Rai ở làng Chốt
Lễ cúng tạ ơn là một trong những nghi lễ truyền thống của đồng bào Ja Rai. Lễ cúng được tổ chức dưới góc độ gia đình để mỗi cá nhân tạ ơn Yàng đã phù hộ cho mình biết đan lát, dệt vải hay có được sức khỏe để làm nương làm rẫy, mùa màng bội thu.
Tạ ơn vì biết dệt vải đẹp, đan lát giỏi
Những ngày đầu tháng 7, anh A Đứi ở làng Chốt, thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy) tổ chức lễ cúng tạ ơn cho người vợ của mình là Y Huenh.
Dù chuẩn bị trước đó cả tháng, nhưng A Đứi vẫn rất lo lắng, tất bật với rất nhiều công việc như nhờ già làng đi chọn mua các con vật để hiến tế thần linh (trâu, dê, gà, heo); nhờ đàn ông, thanh niên lên rừng chặt cây tre nứa về dựng cây nêu; phụ nữ trong làng đi hái đọt mây, rau rừng…
A Đứi bảo, từ xưa đến nay, các gia đình đồng bào Ja Rai bao giờ cũng chuẩn bị khá chu đáo cho lễ cúng tạ ơn Yàng; từ các con vật hiến tế đến các nghi lễ cúng kính và các món ăn, ghè rượu để thết đãi dân làng đều được chủ nhà chuẩn bị kỹ lưỡng, vì thế gia đình anh không để xảy ra sơ sót.
|
Vừa che mấy tấm bạt phía hiên nhà lấy bóng mát để những người đàn ông, thanh niên trong làng ngồi làm cây nêu, A Đứi vừa cho biết, anh vui vì đã lấy được Y Huenh là người phụ nữ giỏi giang trong làng làm vợ. Y Huenh không chỉ chăm chỉ làm nương làm rẫy, dệt vải đẹp mà còn có tài đan lát rất giỏi (dù theo phong tục truyền thống của đồng bào Ja Rai đan lát là công việc của người đàn ông). Để cảm ơn Yàng đã cho vợ mình có được cái tài năng ấy anh quyết định phải làm lễ cúng tạ ơn thật lớn theo phong tục truyền thống và mời dân làng cùng đến chung vui.
Già làng A Pel cũng là anh họ của chị Y Huenh kể, năm 12 tuổi, Y Huenh đã biết dệt vải, đan lát. Lớn lên, Y Huenh là cô gái khéo tay, giỏi giang nhất làng. Trong nhà, từ cái gùi, cái rổ, cái rá đến từng bộ trang phục, tấm đắp của cha mẹ, chị em đều do một tay Y Huenh đan lát, dệt lấy…
Lời khen của già A Pel thật đúng. Trong ngày lễ cúng tạ ơn, các thành viên trong gia đình chị Y Huenh đều khoác lên mình những bộ trang phục Ja Rai truyền thống với hoa văn thật tinh tế, sắc sảo do chính bàn tay khéo léo của chị dệt nên khiến ai cũng trầm trồ, khen ngợi.
Ngoài cái tài dệt vải, đan lát, Y Huenh còn làm ruộng, làm rẫy rất giỏi. Mỗi mùa lúa chín, người làng có khi còn thấy một mình chị tuốt cả nương lúa rẫy; chị cũng rất siêng năng, cùng chồng trồng và chăm sóc hàng chục héc ta nương rẫy bạt ngàn cao su, mì (10ha mì, 10ha cao su) của gia đình.
Có được đôi bàn tay khéo léo, sức khỏe dẻo dai, chị Y Huenh suy nghĩ đến một lúc nào đó có điều kiện, có thời gian thảnh thơi sẽ làm lễ cúng tạ ơn Yàng theo phong tục truyền thống của đồng bào Ja Rai. Gần 20 năm lập gia đình, đến nay, cuộc sống của gia đình chị đã sung túc, đủ đầy nên Y Huenh đã bàn với chồng tổ chức làm lễ cúng tạ ơn Yàng.
Đâm trâu cúng Giàng
Anh A Đứi cho biết, để làm lễ cúng tạ ơn Yàng, vợ chồng anh đã quyết định mua 1 con trâu, 1 con dê, 1 con heo, 2 con gà, 2 ghè rượu thật to để làm lễ vật cúng và thết đãi bà con dân làng.
Lễ cúng tạ ơn của gia đình Y Huenh- A Đứi diễn ra trong vòng 3 ngày theo đúng phong tục truyền thống của đồng bào Ja Rai.
|
Trong ngày đầu, từ sáng sớm, anh A Đứi cùng một số thanh niên trong làng cùng lên rừng để tìm cây tre nứa về để ngày hôm sau dựng cây nêu. Trong khi đó, chị Y Huenh cùng một số phụ nữ lên rừng bẻ đọt mây, hái rau rừng. Các thành viên khác trong nhà thì lo quét dọn nhà cửa. Đến chiều tối, lễ cúng tạ ơn chính thức bắt đầu.
Theo phong tục, đội chiêng của làng được tập hợp trên nhà sàn của vợ chồng A Đứi-Y Huenh. Lúc này, anh A Đứi cũng đã làm sẵn con gà, lấy gan đặt lên ghè rượu để ở giữa nhà. Chờ khi già làng ra hiệu, chiêng nổi lên cũng là lúc chị Y Huenh mang con gà quay mấy vòng quanh ghè rượu để khấn vái báo cáo và mời Yàng núi, Yàng sông ngày hôm sau về chứng kiến lễ cúng tạ ơn của chị với tấm lòng thành kính.
Cúng xong, các thành viên trong gia đình, già làng và bà con dân làng cùng đến uống rượu, trò chuyện đến đêm khuya.
Sáng sớm hôm sau, gia đình A Đứi -Y Huenh dậy thật sớm chuẩn bị mọi thứ để đàn ông, thanh niên trong làng đến phụ làm cây nêu.
So với các lễ hội ở góc độ cộng đồng làng hay các lễ hội góc độ gia đình khác của đồng bào Ja Rai như lễ hội mở cửa kho lúa, lễ cúng lúa mới, cây nêu được dựng trong lễ cúng tạ ơn được dựng thấp hơn, gồm 8 cây tre nứa thân nhỏ được trang trí rất đẹp cắm xung quanh giàn thiêng. Vì có đến 2 con vật hiến tế là trâu và dê nên vợ chồng A Đứi – Y Huenh cũng đã chọn 2 khoảnh đất trước nhà thật đẹp để dựng cây nêu chính và cây nêu phụ.
Khi các công đoạn làm cây nêu đâu vào đấy, vợ chồng A Đứi-Y Huenh tiếp tục chuẩn bị con gà mái tơ để cắt lấy tiết, ít hạt gạo trắng và hủ rượu ghè nhỏ cho vào đó ít lá Pêl (loại lá rừng) mang lên nhà để làm lễ dựng cột thiêng trong nhà và cầu khấn Yàng sông, Yàng núi phù hộ cho gia đình mùa màng thóc lúa bội thu, ai nấy trong gia đình đều có sức khỏe, con trai thì biết đan lát, con gái thì biết dệt vải.
Khấn xong ở cột thiêng trong nhà, chị Y Huenh uống hớp rượu cần rồi lần lượt các thành viên trong gia đình cùng uống. Xong đâu đấy, mọi người xuống nhà làm lễ dựng cây nêu. Phần tiết gà được chị Y Huenh mang ra rưới xuống hố đất đã đào sẵn trước khi chôn cây nêu chính.
Chờ lúc mặt trời sắp khuất núi, chị Y Huenh lần lượt dắt con trâu, con dê cột vào các cây nêu. Hạt gạo trắng vừa mới cúng xong ở trên nhà cũng được chị mang rải khắp chỗ con trâu, con dê. Lúc này, già làng A Pel hướng dẫn đội cồng chiêng của làng bắt đầu múa trống, đánh cồng chiêng vòng quanh cây nêu và ngôi nhà sàn của vợ chồng A Đứi - Y Huenh.
Tối hôm đó, bà con làng Chốt đến chung vui cùng với gia đình A Đứi - Y Huenh mang theo rất nhiều rượu ghè. Họ đốt lửa nhảy múa bên cây nêu và uống rượu cần thâu đêm. Vợ chồng A Đứi-Y Huenh cũng chuẩn bị sẵn một con heo giết thịt chế biến thành nhiều món ăn để đãi bà con dân làng.
Sáng sớm ngày thứ 3, gia đình A Đứi-Y Huenh bắt đầu lễ cúng để đâm trâu, đâm dê. Khi trống đánh lên, cồng chiêng vang vọng khắp làng như ngày hội cũng là lúc nghi thức làm lễ hiến tế bắt đầu. Sau nghi lễ, đầu các con vật được mang lên đặt ở giàn thiêng (gốc cây nêu chính). Đàn ông, phụ nữ trong làng cùng tập trung lại chế biến các món truyền thống để kịp đến trưa mang ra giàn thiêng cúng. Khi các nghi lễ cúng kính đã xong đâu đó, vợ chồng A Đứi - Y Huenh mời bà con dân làng cùng ngồi vào ăn uống, nhảy múa, chuyện trò thâu đêm.
Già làng A Pel bảo, lễ cúng tạ ơn được bà con đồng bào Ja Rai ở làng Chốt gìn giữ từ bao đời này. Nhờ biết làm ăn phát triển kinh tế gia đình nên cuộc sống bà con dân làng bây giờ khấm khá hơn trước rất nhiều, nhiều nhà đã có của ăn của để. Vì vậy, mỗi năm, ở cái làng này cũng có vài hộ gia đình làm lễ cúng tạ ơn...
Trong không khí nhộn nhịp, đầy niềm vui và phấn khởi, vợ chồng A Đứi-Y Huenh đã mời những vị khách như chúng tôi liên tục vít rượu cần, nhảy điệu xoang cùng với gia đình và bà con dân làng.
Bài, ảnh: Tú Quyên